Giảm lãi suất, ngân hàng sẽ phải chấp nhận chịu thiệt về lợi nhuận
Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) đánh giá quyết định cắt giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn lần này chủ yếu mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
(Ảnh minh họa). |
NHTM chịu thiệt về lợi nhuận và giảm NIM
KIS đánh giá, quyết định giảm lãi suất của NHNN sẽ khiến NHTM phải chấp nhận chịu thiệt về lợi nhuận và giảm hệ số NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra giảm.
Theo số liệu thống kê, hệ số NIM của hệ thống ngân hàng Việt Nam liên tục giảm trong thời gian qua, từ mức 3,07% năm 2013 xuống 2,69% năm 2016. Mức này cũng thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan(3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%).
Liên quan đến tỷ giá, theo KIS, mặc dù thị trường ngoại hối diễn biến rất tích cực trong các tháng đầu năm nhưng KIS vẫn quan ngại về rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt đồng USD tăng giá trở lại khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, mức giảm lãi suất trên có thể tránh co hẹp quá mức chệnh lệch lãi suất tiền gửi VNĐ và USD.
Việc cắt giảm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho thị trường và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. KIS dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,4%-6,5% cả năm 2017, tương đương mức tăng trung bình 2 quý còn lại đạt khoảng 6,8%-7% so với cùng kỳ năm trước.
4 cơ sở NHNN giảm lãi suất
Báo cáo phân tích của KIS phân tích, quyết định giảm lãi suất điều hành 0,25% và giảm 0,5% trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, dựa trên 4 cơ sở:
Thứ nhất, lạm phát của Việt Nam liên tục giảm và duy trì mức thấp kể từ cuối tháng 10/2016. Tính chung 6 tháng đầu năm 2017, lạm phát chỉ tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước; trong khi lạm phát lõi dừng ở mức 1,52%. KIS cho rằng lạm phát năm 2017 sẽ dao động ở mức 4%.
Diễn biến lạm phát của Việt Nam. (Nguồn: KIS). |
Thứ hai, diễn biến thị trường ngoại hối thuận lợi. VNĐ được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung nhờ hoạt động điều hành chủ động của NHNN.
Cụ thể, tính đến ngày 30/6, tỷ giá trung tâm tăng 1,23% so với đầu năm; trong khi tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhẹ 0,3%. Chỉ số US Dollar Index lao dốc tới 6,72% xuống 95,42 điểm và có thể giảm về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn là 93,05 điểm của tháng 4/2016. Điều quan trọng trên hết là tính đến hết tháng 5/2017, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức kỷ lục 42 tỷ USD.
Thứ ba, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất tích cực. Mặc dù tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ đạt 5,89% so với đầu năm; tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 5,69%; tăng trưởng tín dụng 6 tháng 2017 đạt 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Tốc độ lưu thông dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng cũng gia tăng với giá trị giao dịch bình quân ngày liên tục tăng và đạt 32.537 tỷ đồng/ngày trong tháng 6, mức cao nhất trong nhiều tháng qua.
Diễn biến tăng trưởng tín dụng và giao dịch thị trường liên ngân hàng. (Nguồn: KIS). |
Thứ tư, mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang giảm sâu. Tính đến 31/5, lãi suất cho vay qua đêm xuống mức 1,47%/năm trong khi chi phí vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần chỉ ở mức 1,84%/năm và 2,39%/năm. Cùng với đó, diễn biến lãi suất trên thị trường trái phiếu ủng hộ xu hướng giảm.
(Nguồn: KIS). |
Quyết định giảm lãi suất mang tính thăm dò phản ứng thị trường
Theo KIS, quyết định giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất cho vay ngắn hạn lần này chủ yếu mang tính thăm dò phản ứng thị trường do tâm lý thận trọng của NHNN.
Giải thích cho nhận định trên, KIS cho rằng mức cắt giảm 0,25%/năm là khiêm tốn, so với mục tiêu giảm lãi suất 0,5%/năm và NHNN giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% bất chấp đề nghị từ một số nhà băng xin phép nâng hạn mức cấp tín dụng, điển hình như Vietcombank.
Việc này cho thấy quan điểm thận trọng của nhà điều hành, đồng thời các NHTM cũng phải cân nhắc điểm đến của nguồn vốn trong trường hợp room tăng trưởng tín dụng không còn nhiều sau giai đoạn bùng nổ 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mục tiêu của NHNN khi hướng dòng tiền đến các lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, KIS phân tích.
Trong đợt giảm lãi suất này, NHNN không điều chỉnh trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn nhằm hạn chế tác động đến hoat động huy động tiền gửi của các tổ chức. Trong bối cảnh quy định cắt giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung-dài hạn từ 50% xuống 40% sẽ có hiệu lực từ năm 2018, thật khó để các NHTM mạo hiểm cắt giảm mức lãi suất huy động hiện tại
(Nguồn: KIS). |