|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc SohaGame: Kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng không phải lĩnh vực có lợi nhuận lớn

16:27 | 30/03/2023
Chia sẻ
Giám đốc SohaGame cùng với lãnh đạo của một số nhà phát hành game Việt khác như Gosu hay Funtap mới đây đã có những chia sẻ về lĩnh vực game, trong đó đa phần nhận định rằng ngành game tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn và cần được hỗ trợ để phát triển hơn.

Trong khuôn khổ Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)" do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức vào sáng 30/3, liên quan tới việc Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành sản phẩm mới, trong đó có trò chơi điện tử trực tuyến (game online), lãnh đạo một số nhà phát hành game đã có những chia sẻ về thực tiễn lĩnh vực game tại Việt Nam.

SohaGame: Các doanh nghiệp game đang phải đối mặt nhiều thách thức

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame chia sẻ rằng đa số doanh nghiệp cung cấp trò chơi điện tử trong ngành có mức doanh thu tương đối thấp so với lợi nhuận, đặc biệt là trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay.

“Các doanh nghiệp có mức doanh thu cao (tạm gọi) chỉ giới hạn đối với số nhỏ doanh nghiệp nhận giấy phép từ các nhà phát triển trò chơi nước ngoài để phát hành”, bà Dung chia sẻ. Đồng thời, bà nói thêm rằng doanh nghiệp trong nước cần chi trả các phí liên quan tới bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài với tổng tỷ lệ 25 – 35% doanh thu.

Bà Nguyễn Thùy Dung, Giám đốc SohaGame. (Ảnh: Sk).

Ngoài ra, doanh nghiệp trong ngành cũng phải tự mình chi trả các khoản liên quan tới phát hành và duy trì dịch vụ tại Việt Nam như chi phí xúc tiến thương mại, quảng cáo, phí dịch vụ cho các kênh thanh toán, đội ngũ nhân sự, thuế,…

Phần lớn dự án trò chơi được phát hành đều cần tối thiểu một năm (hoặc vài năm nếu là dự án đầu tư lớn) để hòa vốn trước khi có lãi. Trên thực tế, lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí thu được không hề lớn trong điều kiện kinh doanh thuận lợi, bà Dung cho biết.

Lãnh đạo SohaGame nói thêm rằng trong hai năm gần đây, các doanh nghiệp phát triển trò chơi cả trong và ngoài nước đang đối mặt với các thách thức do diễn biến kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn suy thoái.

Trong đó, nhiều doanh nghiệp phải giải thể hoặc phá sản, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác trong chuỗi sản xuất, phát hành và phân phối game. “Những doanh nghiệp còn tồn tại trong ngành đều đang nỗ lực để thực hiện các biện pháp cân đối thu – chi nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này”, bà Dung cho biết.

Gosu: Ngành game ở Việt Nam đang phải chịu nhiều loại thuế và phí

Theo đại diện SohaGame, trên thế giới hiện chưa ghi nhận quốc gia nào áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng. Tại một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc,… chính phủ còn có những chính sách khuyến khích, đưa ra ưu đãi về thuế, hỗ trợ kinh phí tổ chức các hội thảo, tạo điều kiện phát triển ngành game.

Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên – CEO Gosu, một nhà phát hành game khác tại Việt Nam cho biết ngành game tại Việt Nam đang phải chịu nhiều loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp hay thuế nhà thầu.

Trong bối cảnh đó, ông Kiên cho biết việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, nếu có, sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game.

Ngoài ra, ông Kiên cũng liệt kê một số tác động khác mà ngành game có thể phải đối mặt nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi trực tuyến, bao gồm việc giảm các nguồn đầu tư vào ngành, thúc đẩy người dùng sử dụng các phần mềm trái phép, ảnh hưởng đến người lao động trong ngành game hay ảnh hưởng tới các trường/cơ sở đào tạo/trung tâm của ngành.

Funtap: Ngành game Việt cần được ưu đãi để phát triển nội dung lành mạnh

Cũng có mặt trong buổi hội thảo, ông Đào Quang Tuấn, Phó Tổng giám đốc Funtap, một nhà phát hành game cho biết lĩnh vực game là một ngành công nghiệp lớn, đóng góp chung vào nền kinh tế của đất nước. Việc sản xuất và phát triển game cũng tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho các nhà phát triển game, giúp nâng cao đời sống và thu nhập của nhiều người.

Theo ông Tuấn, lĩnh vực game cũng có thể giúp ích cho sự phát triển của trí tuệ và kỹ năng của con người. “Các trò chơi trực tuyến có thể giúp người chơi phát triển các kỹ năng tư duy, toán học, ngôn ngữ và giải quyết vấn đề. Đồng thời, trò chơi trực tuyến giúp kết nối nhiều người, tổ chức và làm việc phấn đấu theo mục đích chug. Hiện có rất nhiều hình thức thể thao/giáo dục/y tế thông qua các trò chơi trên máy tính và điện thoại”, lãnh đạo Funtap cho biết.

Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng game còn có thể đóng vai trò quảng bá hình ảnh cho đất nước. Khi các trò chơi được phát hành trên toàn cầu, chúng có thể giúp người nước ngoài hiểu hơn về văn hóa và đất nước Việt Nam.

Từ những điều trên, lãnh đạo Funtap cho rằng nên coi game là một lĩnh vực sản xuất/xuất khẩu nội dung số bằng công nghệ (tương tự phim ảnh, hội họa,…), thậm chí cần được khuyến khích, ưu đãi phát triển hơn.

Anh Nguyễn