|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lãnh đạo VNGGames: Nhiều người đang lầm tưởng ngành game dễ thành công nhờ các sản phẩm có doanh thu và lượng người dùng lớn

14:35 | 30/03/2023
Chia sẻ
Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt chỉ ở mức 3 - 5% trên doanh thu, mức trung bình, nếu không muốn nói là thấp nếu so với các ngành khác.

Sáng 30/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã tổ chức Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", liên quan tới việc Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số ngành sản phẩm mới, trong đó có trò chơi điện tử trực tuyến (game online).

Trong khuôn khổ hội thảo, lãnh đạo một số doanh nghiệp trong lĩnh vực game hàng đầu tại Việt Nam đã có những chia sẻ về lĩnh vực này, trong đó có ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames, một trong những nhà phát hành game lâu năm trên thị trường Việt Nam.

Ông Lã Xuân Thắng, GIám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames. (Ảnh: Quốc hội).

Ngành game vẫn đối diện nhiều định kiến

Theo ông Thắng, game online là một phần của ngành công nghiệp giải trí. Tại một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… game không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hóa ra thế giới.

Gần đây, một số quốc gia như Singapore, Jordan,… cũng có nhiều sáng kiến nhằm thu hút các tập đoàn, công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động bởi họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ cán mốc doanh thu 200 tỷ USD vào giai đoạn 2024 – 2025.

Dù vậy, ông Thắng cho biết ở Việt Nam, trong suốt nhiều năm, game vẫn là một sản phẩm không nhận được nhiều thiện cảm. “Nhiều người cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, gây ảnh hưởng tới giới trẻ và không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác”, ông Thắng nhận định.

Theo ông, ngành game tại Việt Nam là một ngành kinh doanh rất có điều kiện. “Tất cả game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các tựa game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam”, ông Thắng cho biết.

Một số tác động tích cực của ngành game

Ông Thắng khẳng định game là ngành trụ cột trong nội dung số và kinh tế số. Theo ước tính từ Newzoo, tổng doanh thu ngành game toàn cầu năm 2022 đạt mức 184 tỷ USD và dự kiến cán mốc 194 tỷ USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, các sản phẩm game có vòng đời ngắn và dễ bị thay thế. Do đó, các công ty trong lĩnh vực game luôn là người tiên phong trong việc áp dụng công nghệ, các phương thức làm việc tiến bộ để phục vụ người dùng.

Ngành game phát triển cũng giúp thúc đẩy một số lĩnh vực quan trọng khác như ngành công nghiệp phần cứng, máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, chip xử lý, card đồ hoạt, các thiết bị nghe nhìn phụ trợ.

“Tính riêng thị trường phần cứng dành cho game đã đạt mức 36 tỷ USD trong năm 2022, đóng góp quan trọng vào tổng nguồn thu của các công ty phần cứng lớn trên thế giới”, ông Thắng cho biết.

Tại Việt Nam, lĩnh vực game cũng được một số trường đại học đưa vào chương trình giảng dạy để đào tạo nguồn nhân lực, chẳng hạn như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thể dục thể thao,…

Lãnh đạo VNGGames cũng chia sẻ thêm rằng ngoài những yếu tố tích cực có thể nhìn thấy rõ ràng, ít ai biết được rằng các ứng dụng công nghệ mới như blockchain, AR (thực tế tăng cường), VR (thực tế ảo),… trước khi được áp dụng cho các ngành khác như y tế, giáo dục hay tài chính, phần lớn được thử nghiệm trong lĩnh vực game.

Nhiều người đang lầm tưởng về khả năng thành công của ngành game

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia hiện dẫn đầu thị trường game với doanh thu 1,8 tỷ USD trong năm 2022. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Thái Lan (1,1 tỷ USD), Malaysia (911 triệu USD), Việt Nam (782 triệu USD) và Singapore (511 triệu USD), theo số liệu năm 2022 từ Newzoo.

Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của ngành game Việt Nam chỉ đạt mức 3 – 5% trên doanh thu, con số trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với các ngành khác trong nền kinh tế. 

Lãnh đạo VNGGames cho rằng những sản phẩm xuất hiện trên thị trường game có doanh thu lớn, nhiều người dùng, dẫn đến việc xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng đây là một ngành dễ thành công. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

“Có rất nhiều sản phẩm, dự án được đầu tư lớn, nhưng không đi được tới việc phát hành thương mại. Nói một cách có hình ảnh, những thứ xuất hiện trên thị trường chỉ là phần nổi của tảng băng, còn ẩn bên dưới đó có thể là những khoản thua lỗ khổng lồ, kéo theo sự biến mất của nhiều doanh nghiệp”, ông Thắng chia sẻ.

Theo Data.ai, trong số 10 tựa game có lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có hơn một nửa trong số đó được cung cấp bởi các nhà phát hành có trụ sở tại nước ngoài, tức không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế với Việt Nam, ông Thắng cho biết.

Ông cũng trích dẫn số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình rằng hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép tại Việt Nam, song số lượng thực sự còn hoạt động và cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị, tức gần như các doanh nghiệp khó có khả năng hoạt động vì không thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thắng nhận định rằng nếu liệt kê trò chơi trực tuyến vào danh mục đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt có thể dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp Việt chuyển hướng, thành lập công ty tại các quốc gia khác để phát hành game nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, qua đó có thể khiến ngân sách nhà nước bị thất thu về thuế.

Anh Nguyễn

Dòng tiền vẫn dồi dào trên TTCK, song cần chắt lọc lựa chọn cổ phiếu
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán đang tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ dòng tiền dồi dào. Tuy nhiên, ở mức định giá cao, cơ hội sẽ trở nên khó hơn, nhà đầu tư nên cân nhắc lựa chọn các cổ phiếu có mức định giá vẫn hấp dẫn.