|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giám đốc Sở QH-KT: Sẽ xử lí ‘nút thắt’ trong qui hoạch

07:35 | 27/06/2020
Chia sẻ
Cùng với việc rà soát lại các đồ án qui hoạch, Sở QH-KT kiến nghị cần có chính sách cho người dân sống trong khu vực qui hoạch.
Giám đốc Sở QH-KT: Sẽ xử lí ‘nút thắt’ trong qui hoạch - Ảnh 1.

Cùng với việc rà soát lại các đồ án quy hoạch, Sở QH-KT kiến nghị cần có chính sách cho người dân sống trong khu vực quy hoạch.

Với các vấn đề báo Pháp Luật TP.HCM nêu ra trong những ngày qua, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thanh Nhã đã có những trao đổi với Pháp Luật TP.HCM liên quan đến hai chức năng quy hoạch đất hỗn hợp (ĐHH) và đất dân cư xây dựng mới (DCXDM).

Có giải quyết được quyền lợi của dân nhưng chưa triệt để

Theo ông Nhã, hiện nay, ĐHH và đất DCXDM có trong 600 đồ án quy hoạch 1/2000 trên địa bàn TP. Việc sử dụng các thuật ngữ ĐHH và đất DCXDM cũng là cách để làm mềm hóa quy hoạch và phân kỳ thực hiện quy hoạch.

Tuy nhiên, trong thực tế, quá trình tổ chức thực hiện do thiếu nguồn lực nên nhiều quy hoạch chưa thể triển khai. Việc này cũng đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Về hai thuật ngữ ĐHH và đất DCXDM, ông Nhã cho biết có được nhắc đến tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam 01:2008 của Bộ Xây dựng và một số văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, các thuật ngữ không được quy định cụ thể trong các luật liên quan như Luật Quy hoạch đô thị, Đất đai, Xây dựng…

“Đặc thù của đô thị TP.HCM từ xưa đến nay (trừ các khu đô thị mới sau này) là nhà ở kết hợp với kinh doanh, thương mại, dịch vụ. 

Vì vậy, nếu không đưa các khái niệm này vào thì cũng rất khó đáp ứng được nhu cầu phát triển của TP. Chẳng hạn như ở khu vực trung tâm TP như quận 1, quận 3, nếu chỉ có nhà ở mà không có các công trình thương mại, dịch vụ thì không phù hợp với thực tiễn” - ông Nhã nói.

Giám đốc Sở QH-KT cũng cho biết đối với ĐHH trong các đồ án quy hoạch 1/2000 lâu nay đúng là chỉ nêu ra tỉ lệ phần trăm các chức năng sử dụng đất trong ĐHH chứ không xác định cụ thể vị trí của các chức năng này.

Thực tế cũng có những khu vực chưa xác định được sẽ làm gì trong tương lai nên đưa vào ĐHH như là quỹ đất dự phòng cho sự phát triển sau này. Các địa phương sẽ căn cứ tình hình phát triển kinh tế của địa phương để xác định nhu cầu đầu tư cụ thể.

Ông Nhã cho rằng việc Sở QH-KT chia ra các nhóm và đi kèm với hướng giải quyết riêng cho từng nhóm cũng là một hướng để giải quyết quyền lợi cho người dân.

Cũng xuất phát từ báo cáo của các quận, huyện để làm cơ sở phân ra các nhóm xử lý, Văn bản 3272/2018 thực tế cũng đã đáp ứng một phần nào đó quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều tình huống nên không thể đảm bảo giải quyết triệt để các vướng mắc.

Giám đốc Sở QH-KT: Sẽ xử lí ‘nút thắt’ trong qui hoạch - Ảnh 2.

Các vấn đề về quy hoạch đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới ở TP.HCM được Pháp Luật TP.HCM đề cập trong các số báo vừa qua.

Giải pháp tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Nhã, hằng năm Sở QH-KT đều có văn bản gửi cho 24 quận, huyện đề nghị rà soát tính khả thi của các đồ án quy hoạch trên địa bàn và báo cáo về cho Sở QH-KT. “Tuy nhiên, các quận, huyện vẫn chưa rà soát và đánh giá khách quan đối với từng trường hợp cụ thể, gây khó khăn cho việc rà soát, điều chỉnh theo quy định.

Vì vậy, Sở QH-KT kiến nghị TP đốc thúc quận, huyện cần rà soát và báo cáo trung thực, khách quan để giải quyết nhu cầu thực của người dân” - giám đốc Sở QH-KT nhìn nhận.

Về các giải pháp tháo gỡ bất cập của quy hoạch ĐHH, ông Nhã cho rằng quận, huyện cần phải rà soát toàn bộ quỹ ĐHH trong các đồ án quy hoạch 1/2000. 

Đồng thời, làm rõ từng ô chức năng trong quy hoạch ĐHH (như cây xanh, giao thông, giáo dục…), dựa trên thực tiễn phát triển của địa phương để cơ cấu lại tỉ lệ phần trăm các chức năng cụ thể trong ĐHH.

Cùng với đó, xác định rõ vị trí, quy mô, ranh của các khu chức năng này, đề xuất điều chỉnh quy hoạch, làm để các quận, huyện giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng và mời gọi đầu tư.

Sở QH-KT sẽ phối hợp cùng các địa phương thực hiện vấn đề này. “Khi đã giải ra cụ thể từng vị trí rồi thì không còn ĐHH nữa. Đối với những khu vực làm khu đô thị hoặc còn quỹ đất trống còn lớn thì cố gắng giữ quỹ đất theo quy hoạch khung” - ông Nhã nói.

Đối với quy hoạch đất DCXDM, “Quan điểm của Sở QH-KT, bản chất đó là đất ở nên vẫn phải được ứng xử về quyền lợi của người dân như đất ở bình thường.

Việc xem xét cho chuyển mục đích, tách thửa, cấp giấy phép xây dựng, các quận, huyện căn cứ vào các quy định pháp luật có liên quan và điều kiện hạ tầng để xem xét, giải quyết” - Giám đốc Sở QH-KT cho hay.

Bên cạnh việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, sở cũng cho biết sẽ kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiên cứu chính sách phù hợp cho người dân trong quy hoạch.

“Đây mới là giải pháp căn cơ để giải quyết hài hòa lợi ích giữa người dân và Nhà nước. TP.HCM là địa phương có quy mô dân số lớn nhất cả nước, áp lực đảm bảo an sinh xã hội và ổn định chỗ ở cho người dân là rất lớn.

Vì vậy, việc đẩy nhanh nghiên cứu chính sách cho người dân sống trong quy hoạch nói chung và các quy hoạch ĐHH, đất DCXDM nói riêng là vô cùng quan trọng” - ông Nhã nói.

Liên quan đến các thuật ngữ quy hoạch, giám đốc Sở QH-KT cho hay sẽ rà soát, làm rõ và báo cáo UBND TP kiến nghị Chính phủ đưa vào luật để làm cơ sở thực hiện và phù hợp với thực tiễn.

Không nên tiếp tục 'chế' ra thuật ngữ quy hoạch

Theo tôi, giải quyết bất cập về quy hoạch ĐHH và đất DCXDM, cần tập trung vào các vấn đề sau:

Đầu tiên, trách nhiệm chính tháo gỡ nút thắt này vẫn là cơ quan quản lý đô thị cần phải giải thích rõ các thuật ngữ, khái niệm, càng rõ càng dễ giải quyết vấn đề.

Thực tế quá trình làm quy hoạch trước đây, do quy định pháp luật chưa có (đến năm 2009 mới có Luật Quy hoạch đô thị) nên thực tế, nhiều thuật ngữ quy hoạch đã được sáng tạo ra.

Đến nay, TP cần phải rà soát lại trên cơ sở quy định pháp luật chứ không thể tiếp tục "chế" ra thuật ngữ quy hoạch. Nếu theo cách này thì địa phương nào cũng có thể "chế" ra các sản phẩm quy hoạch thì sẽ rất khó trong quản lý đô thị chung.

Đối với quy hoạch chức năng ĐHH không phải gom hết vào một mối rồi để mặc ai hiểu sao thì hiểu như hiện nay. Có hai loại: Hỗn hợp theo chiều ngang và hỗn hợp theo chiều cao. Hỗn hợp theo chiều ngang là theo chức năng từng khu đất, khu chức năng nào, để làm gì, vị trí ở đâu, quy mô bao nhiêu…

Hỗn hợp theo chiều cao thường là các công trình hỗn hợp như đối với các công trình văn phòng kết hợp thương mại thì phần dưới làm thương mại, phần trên làm văn phòng.

Sau đó, trong quy hoạch ĐHH này phải được cụ thể hóa bằng các quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng.

Đối với đất DCXDM bản chất là ở nên các chính sách về nhà đất của người dân cần được ứng xử như đất ở. Trước đây khi làm quy hoạch, đa phần đất DCXDM là những khu đất trống có diện tích lớn.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu vực đã lấp đầy nhà của người dân, do quản lý quy hoạch chưa chặt chẽ để người dân xây dựng bất hợp pháp. Đối với những trường hợp xây dựng bất hợp pháp thì đã có các quy định pháp luật xử lý.

Tuy nhiên, với những trường hợp nhà dân ở trong khu dân cư ổn định nhưng những nhà làm quy hoạch đã không đi thực địa mà chỉ ngồi phòng lạnh để tô xanh, tô đỏ là không đúng.

Trường hợp này, Nhà nước cần phải tôn trọng dân, phải rà soát, điều chỉnh lại để người dân được thực hiện các quyền lợi của mình theo luật định.

KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN

Không thể làm quy hoạch theo kiểu ai hiểu thế nào cũng được

Trước đây, pháp luật về quy hoạch chưa đầy đủ như bây giờ nên những nhà làm quy hoạch đã đặt ra rất nhiều tên gọi khác nhau theo công năng của khu đất.

Sau này, các tên gọi này gần như được kế thừa lại chứ không theo quy định pháp luật nào nên nhiều thuật ngữ có sử dụng trong các đồ án quy hoạch 1/2000 nhưng thiếu cơ sở pháp lý.

Cũng vì không được minh định rõ bằng luật hóa nên khi các quận, huyện thực hiện rất lúng túng, ai hiểu thế nào cũng được. Dẫn đến mỗi nơi làm một cách, kéo theo quyền lợi của người dân được ứng xử rất khác nhau.

Do đó, cần phải làm rõ các thuật ngữ quy hoạch, phải chỉ rõ được vị trí cụ thể của các chức năng này thì các cơ quan quản lý nhà nước mới thực hiện thống nhất được chứ không thể làm quy hoạch mà không dựa trên cơ sở pháp lý.

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM

Việt Hoa