Giám đốc phân tích VNDirect: NĐT nên quan tâm đến tăng trưởng lợi nhuận 2022 - 2023 để định giá cổ phiếu
PV: Thưa bà, giai đoạn gần đây cổ phiếu vốn hóa trung bình trở thành tâm điểm của thị trường. Nhiều mã tăng giá bằng lần sau ít tháng trong khi các bluechip như nhóm ngân hàng đang có dấu hiệu yếu đi. Bà đánh giá như thế nào về xu hướng dòng tiền thời điểm hiện tại?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước kéo theo thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 7, việc dòng tiền co lại là điều hết sức bình thường. Theo quan sát của chúng tôi, tâm lý của nhà đầu tư đã chuyển từ tâm lý hứng khởi trong những tháng giao dịch trước sang tâm lý thận trọng hơn và ưu tiên quản trị rủi ro danh mục hơn là tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.
Chúng tôi cho rằng yếu tố thu hút dòng tiền quay trở lại thị trường đó là việc các chỉ số chứng khoán đã phục hồi mạnh trong hai tuần vừa qua. Thị trường tăng điểm hứng khởi đã kích thích dòng tiền đầu cơ quay trở lại, kéo thanh khoản thị trường vượt mức 20.000 tỷ đồng/phiên. Chúng tôi cho rằng thanh khoản sẽ tiếp tục cải thiện cùng với đà tăng điểm của thị trường.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng thanh khoản khó có thể quay trở lại thời điểm những phiên giao dịch liên tục trên 30.000 tỷ đồng như giai đoạn vừa qua mà đâu đó mức thanh khoản bình quân đạt 20.000-25.000 tỷ đồng/phiên sẽ là mức hợp lý
PV: Mặc dù được đánh giá là triển vọng nhờ xu hướng tăng giá hàng hóa, dịch vụ như phân bón, cảng biển…, song các cổ phiếu lại có tỷ lệ tăng giá cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng trong kết quả kinh doanh. Bà có cho rằng điều này là bất hợp lý? Liệu rằng nhóm midcap đang có dấu hiệu tăng nóng không, thưa bà?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Tôi cho rằng chúng ta phải xem xét nghiên cứu từng ngành, hoặc từng cổ phiếu. Bởi vì mỗi ngành có một định giá riêng, cũng như mỗi cổ phiếu có một câu chuyện tăng giá riêng.
Chẳng hạn như ngành cảng biển trong 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả kinh doanh tốt nhờ nhu cầu vận tải biển tăng mạnh khi các nền kinh tế thế giới vận hành trơn tru trở lại. Xu hướng gia tăng lượng hàng hóa vận tải biển còn dự báo sẽ kéo dài sang năm 2022, nhờ đó giúp cho các doanh trong ngành có triển vọng tươi sáng. Vì vậy định giá ngành cảng biển hiện vẫn hợp lý. Thậm chí một số doanh nghiệp vẫn còn tiềm năng tăng giá nhờ khả năng mở rộng công suất hay có lợi thế nhất định về vị trí giao thông.
Ở một diễn biến khác các ngành có tính chất phụ thuộc vào giá cả hàng hóa như phân bón, dầu khí, thép, … thì NĐT cần theo dõi sát diễn biến của giá cả hàng hóa. Bởi nhóm này có tính chất chu kỳ, có tăng sẽ có điều chỉnh mạnh, cũng như đà tăng giá liệu có kéo dài sang năm 2022 hay không.
Vì vậy, đứng ở thời điểm này, NĐT nên nhìn về năm 2022, thậm chí là 2023 để cân nhắc rằng nếu đà tăng lơi luận của doanh nghiệp trong các quý tiếp theo, cũng trong cả năm 2022 không hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu thì có nghĩa là định giá của cổ phiếu đã trở nên khá đắt.
PV: Một quan điểm cho rằng các midcap phù hợp với dòng tiền của các cá nhân vì có tính linh hoạt cao về quy mô thanh khoản, còn các bluechips được các quỹ, nhà đầu tư tổ chức ưa thích. Hiện giờ nhà đầu tư cá nhân đang nhìn vào yếu tố cơ bản, triển vọng tăng trưởng nhưng lại mang tâm thế đầu cơ. Bà nghĩ sao về quan điểm này?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Thực tế là các nhà đầu tư tổ chức ngoài yếu tố tăng trưởng cơ bản, còn cân nhắc nhiều đến yếu tố vốn hóa thị trường và thanh khoản do quy mô giải ngân/thoái vốn lớn. Bên cạnh đó, NĐT tổ chức còn quan tâm nhiều đến các hoạt động IR và tiếp cận doanh nghiệp (corporate access) nhằm cập nhật thông tin một cách thường xuyên và chính thống.
Trên TTCK Việt Nam hiện nay, chỉ có các cổ phiếu bluechips và số ít các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí này. Còn đặc điểm của dòng tiền đầu tư cá nhân là nhiều nhưng quy mô nhỏ hơn, vòng quay đầu tư ngắn, và mang tâm lý đám đông. Điều này cũng xảy ra ở các thị trường phát triển khác, chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Do đó tôi cho rằng việc NĐT cá nhân kỳ vọng hiện thực hóa lợi nhuận trong thời gian ngắn là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, NĐT cá nhân cần phải tuân thủ những nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu, cũng như kỷ luật đầu tư nhất định để hạn chế rủi ro cũng như bảo toàn lợi nhuận trong thời điểm thị trường biến động mạnh.
PV: Với diễn biến tình hình dịch COVID-19 đang phức tạp hiện nay sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất. Bà có dự báo như thế nào về triển vọng lợi nhuận quý III của các nhóm ngành?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Phần lớn tác động của dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến báo cáo tài chính của quý III, mà tác động trực tiếp lớn nhất là các doanh nghiệp bán lẻ, du lịch, hàng không. Các doanh nghiệp sản xuất cũng chịu ảnh hưởng do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng sẽ có sự phân hóa.
Theo quan sát của chúng tôi, những ngành có mức độ sử dụng lao động lớn và nằm gần các cụm dân cư có mật độ đông như dệt may, chế biến thủy hải sản, chế biến gỗ sẽ chịu tác động kép từ việc: thiếu hụt lao động và chi phí tăng vì áp dụng các biện pháp phòng dịch "ba tại chỗ".
Tiếp theo là các ngành xây dựng, vật liệu xây dựng do phần lớn các dự án BĐS và công trình hạ tầng đều đang tạm dừng thi công. Từ đó, cũng có thể thấy đà tăng ngành BĐS nhiều khả năng sẽ chững lại trong quý III do tiến độ xây dựng chậm hơn dự kiến, cũng như các hoạt động bán hàng bị hạn chế.
Ngành nông nghiệp và chế biến nông sản, chế biến thực phẩm (thực phẩm, trứng,…) cũng chịu ảnh hưởng do hoạt động vận chuyển cũng như các kênh bán hàng bị hạn chế. Các ngành sẽ chịu ảnh hưởng gián tiếp sẽ bao gồm điện, nước do hoạt động sản xuất bị thu hẹp.
PV: Từ nhận định trên, bà có khuyến nghị gì về chiến lược đầu tư thời điểm này? Liệu nhà đầu tư có nên "đu sóng" midcap thời điểm này? Nếu có thể, bà có thể gợi ý cho nhà đầu tư những nhóm ngành đáng chú ý những tháng cuối năm?
Bà Trần Thị Khánh Hiền: Chúng tôi cho rằng việc kiềm chế và đẩy lùi dịch bệnh sẽ là yếu tố tiên quyết và then chốt giúp thị trường bình ổn và thu hút dòng tiền quay trở lại vào cuối năm nay. Khi dịch bệnh được kiềm chế, các doanh nghiệp sẽ dần quay trở lại hoạt động một bình thường và tạo nên kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh trong những tháng cuối năm.
Tôi vẫn đánh giá cao nhóm ngành bất động sản nhà ở, bất động sản khu công nghiệp, logistic, cảng biển do đây là những ngành sẽ có sức bật mạnh khi dịch bệnh được đẩy lùi.
Xin cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!