|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị trường chứng khoán (10/8): Cổ phiếu dầu khí khởi sắc, VN-Index xanh nhẹ cuối phiên

15:00 | 10/08/2021
Chia sẻ
Thị trường thu hẹp đà tăng trong những phút giao dịch cuối phiên sáng. Số mã giảm giá trong nhóm VN30 gia tăng kéo chỉ số đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu.

Kết phiên, VN-Index tăng 2,57 điểm (0,19%) lên 1.362,43 điểm, HNX-Index tăng 1,33% lên 335,08 điểm, UPCoM-Index tăng 1,29% lên 90,53 điểm.

Thị trường chứng khoán (10/8): Cổ phiếu dầu khí khởi sắc, VN-Index xanh nhẹ cuối phiên - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 10/8. (Nguồn: VNDirect).

Thị trường diễn biến tích cực hơn về cuối phiên chiều, ghi nhận có thời điểm VN-Index tăng hơn 6 điểm từ ngưỡng tham chiếu nhưng áp lực bán gia tăng khiến chỉ số thu hẹp đà tăng khi đóng cửa.

Trên sàn HOSE, giao dịch tích cực của một số mã trụ đã kéo chỉ số tăng điểm. Các mã tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay là GAS, VNM, VCB, PLX và VCG. Tuy nhiên, sắc đỏ của MSN, NVL, HPG kìm hãm đà tăng của thị trường.

Diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu dầu khí bứt phá trở thành nhóm dẫn dắt thị trường trong phiên chiều nay với loạt mã tăng mạnh như PVS (7,5%), PVD (6,5%), BSR (6,2%), OIL (6,3%), PVC (5,4%), PVB (4,3%)... Riêng cổ phiếu PET tăng trần lên 24.050 đồng/cp.

Mặc dù chỉ số tăng không mạnh nhưng độ rộng thị trường đã nghiêng hẳn về bên mua. Đóng cửa, sàn HOSE ghi nhận 217 mã tăng giá, 157 mã giảm giá và 50 mã đứng giá tham chiếu. Trên sàn HNX, cổ phiếu của các nhà băng như BAB, NVB, SHB nới rộng đà tăng giúp chỉ số tăng mạnh hơn so với lúc kết phiên sáng.

Trong phiên thị trường diễn biến giằng co, khối ngoại đảo chiều bán ròng gần 580 tỷ đồng trên HOSE, trong đó các mã bị khối này xả mạnh có HPG (159 tỷ đồng), SSI (148,8 tỷ đồng), VIC (86 tỷ đồng)...

Thanh khoản thị trường ghi nhận cải thiện với tổng khối lượng giao dịch đạt 936,2 triệu đơn vị, tương ứng 28.940 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE trên 21.050 tỷ đồng.

Tính đến 13h55, VN-Index giảm 1,19 điểm (0,09%) còn 1.358,67 điểm, VN30-Index giảm 7,6 điểm (0,51%) còn 1.490,23 điểm.

Áp lực bán gia tăng ở nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index lùi về quanh ngưỡng tham chiếu. Quan sát diễn biến theo nhóm ngành, cổ phiếu nước & khí đốt đang là trụ đỡ lớn nhất của thị trường trong khi nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thép đồng loạt điều chỉnh kìm hãm đà tăng của thị trường.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,16 điểm (0,23%) lên 1.363,02 điểm, HNX-Index tăng 0,8% lên 333,31 điểm, UPCoM-Index tăng 0,94% lên 90,22 điểm.

Thị trường chứng khoán (10/8): Rổ VN30 đảo chiều cuối phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng hơn 3 điểm - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên sáng ngày 10/8. (Nguồn: VNDirect).

Thị trường thu hẹp đà tăng trong những phút giao dịch cuối phiên sáng. Số mã giảm giá trong nhóm VN30 gia tăng kéo chỉ số đóng cửa dưới ngưỡng tham chiếu. Theo quan sát, 17 cổ phiếu trong nhóm này giảm giá, trong khi có 11 mã tăng giá và 2 mã đứng giá tham chiếu. Các mã giảm trên 0,5% có KDH, NVL, MWG, PNJ và VJC.

Nhóm ngân hàng đánh mất sắc xanh vào cuối phiên sáng do áp lực điều chỉnh từ các mã KLB, EIB, LPB, VPB, MBB, TPB, TCB, STB... Dù vậy, một số cổ phiếu nhóm này chuyển động ngược xu hướng khi giao dịch tích cực trong phiên sáng nay như BAB, NVB, PGB, ABB, BVB, NAB, VAB...

Độ rộng thị trường trên HOSE nghiêng nhẹ về bên mua với 185 mã tăng, 171 mã giảm và 59 mã đứng giá tham chiếu. Các cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường có thể kể đến như GAS, VNM, VIC, VCG, VCB... trong khi đó, sắc đỏ của NVL, BCM, LCG, MWG, VPB trở thành lực cản lớn nhất cho đà tăng của chỉ số.

Trên sàn HNX, giao dịch hưng phấn của các nhà băng như BAB, NVB, SHB giúp chỉ số giữ vững đà tăng. Các mã khác cũng tác động tích cực đến HNX-Index như PVS, THD, SHS, PHP, L14, VCS và BCC.

Về thanh khoản của thị trường, tổng khối lượng giao dịch trên cả ba sàn sáng nay đạt trên 555 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 15.807 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên sáng hôm qua. Trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE là 12.486 tỷ đồng.

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 3 điểm (0,22%) lên 1.362,86 điểm, VN30-Index tăng 1,84 điểm (0,12%) lên 1.499,67 điểm.

Biên độ tăng giảm dần do các cổ phiếu nhóm trụ hạ nhiệt vào giữa phiên. Độ rộng thị trường thu hẹp sau áp lực chốt lời ngắn hạn từ nhịp hưng phấn đầu phiên. Điểm số được giữ chủ yếu từ nhóm trụ họ Vingroup, VNM, VCB.

Dòng tiền có sự phân hóa cao trong các nhóm ngành và tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng. Nhóm sản xuất thực phẩm đóng góp lớn nhất cho đà tăng của VN-Index với 0,97 điểm, kế đó sắc xanh ngành bất động sản, vận tải, điện tử, ngân hàng... cũng góp phần củng cố cho đà tăng của thị trường.

Tính đến 9h55, VN-Index tăng 5,56 điểm (0,41%) lên 1.365,42 điểm, HNX-Index tăng 0,54% lên 332,46 điểm, UPCoM-Index tăng 0,85% lên 90,15 điểm.

Tiếp nối đà tăng điểm phiên đầu tuần, thị trường chứng khoán trong nước mở cửa trong sắc xanh.

Tâm lý FOMO kéo chỉ số nhanh chóng vượt cản tại 1.365 điểm. Lực kéo chủ yếu đến từ hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC và VHM với tỷ lệ tăng lần lượt là 1,2% và 1,1%. Các mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index còn có VNM, VCB, GAS, HPG, CTG, VGC.

Nhóm ngân hàng khởi sắc đầu phiên với loạt mã tăng mạnh như ABB *3,8%), BVB (3,5%), PGB (3,2%), VAB (3%), NAB (2,4%), NVB (2,3%)... Số ít mã giao dịch dưới mốc tham chiếu như LPB, EIB, SSB và KLB.

Sau khi các chỉ số lập đỉnh trong tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/8 đa phần đi xuống giữa lo ngại về việc dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 107 điểm, tương đương 0,3%, đóng cửa còn gần 35.102 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,1% và kết phiên ở 4.432 điểm. Ngược lại, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,16% lên 14.860 điểm.

Thu Thảo

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.