|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc tráo trở, bong bóng bất động sản vỡ: Hai cú sốc lớn của bà chủ Sao Kim trong hành trình khởi nghiệp

07:27 | 17/06/2019
Chia sẻ
Lập công ty quản lí các tòa nhà, Vũ Ngọc Hương thuê người điều hành công ty để tiếp tục công việc giảng dạy. Đúng lúc bong bóng bất động sản vỡ, chị phát hiện vị giám đốc đã lợi dụng pháp nhân của công ty để vay ngân hàng khoản tiền lớn cho mục đích cá nhân.

Ý tưởng kinh doanh đến với Vũ Ngọc Hương, một cựu giảng viên môn Luật, trong một lần chị cùng một số chuyên gia dịch tài liệu về quy trình quản lí và vận hành tòa nhà của một doanh nghiệp nước ngoài. Càng dịch, chị càng thấy hào hứng. Với chị hồi ấy, quản lí, vận hành tòa nhà không phải công việc phức tạp. Nhưng chị tự hỏi: Vì sao các doanh nghiệp Việt không khai thác mảng dễ dàng này, mà lại để nó cho các công ty nước ngoài?

Hành trình khởi nghiệp gian nan

Để chớp cơ hội, vào năm 2009, Vũ Ngọc Hương thành lập công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim, hoạt động trong lĩnh vực quản lí và khai thác bất động sản. Vì đang giảng dạy tại một trường đại học, chị phải thuê một giám đốc điều hành doanh nghiệp.

Vu Ngoc Huong 3

Cựu giáo viên Vũ Ngọc Hương, người sáng lập công ty Cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim. Ảnh: Vũ Ngọc Hương

"Lập công ty là việc dễ. Nhưng khi hoạt động, chúng tôi hầu như không thể thuyết phục các chủ đầu tư kí hợp đồng. Lí do thứ nhất là công ty còn quá non trẻ, và lí do thứ hai là quản lí và vận hành tòa nhà là lĩnh vực quá mới mẻ với thị trường hồi ấy. Không ai tin một nữ giảng viên đại học có thể quản lí, vận hành tòa nhà một cách chuyên nghiệp như những doanh nghiệp nước ngoài", nữ doanh nhân kể.

Trước tình thế khó, chị Hương nảy ra ý tưởng đàm phán với các chủ đầu tư bất động sản để mua một phần tòa nhà hoặc thuê sỉ vài chục căn hộ hoặc trung tâm thương mại trong tòa nhà. Chị muốn làm vậy để có cơ hội trở thành đối tác quản lí tòa nhà cho các chủ đầu tư khi họ hoàn thiện tòa nhà. May mắn thay, phần lớn chủ đầu tư tán thành ý tưởng.

Vấp ngã đau vì bong bóng nhà đất vỡ

Vững tin chiến lược kinh doanh mới, chị Hương huy động vốn từ bạn bè, người thân và thậm chí thuyết phục cha, mẹ thế chấp căn nhà của họ để có đủ tiền mua các dự án hay thuê sỉ. Trong lúc chờ các dự án hoàn thành, công ty Sao Kim tìm khách để bán hoặc cho thuê lại các dự án mà họ đã ký hợp đồng thuê, mua.

"Hoàn cảnh vừa bắt đầu thuận lợi thì một biến cố lớn ập xuống: Bong bóng bất động sản vỡ tan. Giá bất động sản giảm mạnh nhưng chẳng ai mua. Hàng loạt dự án ngừng thi công, bao gồm nhiều dự án mà công ty Sao Kim đã ký hợp đồng mua hoặc thuê", chị kể.

Mọi việc khựng lại. Ngân hàng, các chủ nợ đồng loạt đòi nợ. Những người mua nhà cũng kéo đến trụ sở công ty để đòi tiền cọc.

"Họa vô đơn chí, đúng lúc ấy tôi phát hiện giám đốc điều hành mà tôi thuê đã lấy pháp nhân của công ty để vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân", chị thổ lộ.

CC Phu Thanh

Chung cư Phú Thanh ở TP Hồ Chí Minh, một trong những dự án mà công ty Sao Kim khai thác tầng hầm. Ảnh: Công ty Sao Kim

Nợ trước chồng nợ sau, lãi mẹ đẻ lãi con khiến tổng nợ và lãi của Sao Kim lên tới hơn chục tỉ đồng. Khoản tiền để trả lãi ngân hàng cũng cạn kiệt trong khi công ty chẳng có nguồn thu nào. Nếu cứ tiếp tục như vậy, căn nhà của cha, mẹ Hương cũng có thể mất. Chưa hết, uy tín của chị với tư cách một nhà giáo cũng sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đúng lúc Sao Kim bế tắc nhất, một người quen đã đề nghị chị Hương bán lại công ty với giá 2 tỷ đồng, kèm theo điều kiện người mua sẽ trả toàn bộ nợ ngân hàng. 

"Mặc dù doanh nhân kia hứa trả hết nợ ngân hàng cho tôi, song khoản tiền 2 tỷ đồng không đủ để tôi trả các chủ nợ khác. Tôi nên giữ công ty để tiếp tục vật lộn, hay buông bỏ để quay về cuộc sống ổn định với nghề giáo?", chị tâm sự.

Ý kiến của các nhà điều hành doanh nghiệp

Lê Minh Phong, giám đốc công ty Nutanica, khuyên chị Hương bán công ty, bởi theo anh, nếu chị tiếp tục kinh doanh, chặng đường tiếp theo sẽ rất gian nan.

"Quản lí tòa nhà là ngành không đơn giản. Với ngành này, quy trình không quan trọng bằng thương hiệu. Để có thể thuyết phục các chủ đầu tư bất động sản nhận bạn làm đối tác vận hành tòa nhà, bạn phải có thương hiệu lớn và uy tín.

Đồng quan điểm với anh Phong, anh Hoàng Văn Hiệu, giám đốc công ty cổ phần Dược mỹ phẩm Diamond, nói rằng với ngành bất động sản, thời điểm rất quan trọng.

"Nếu gia nhập thị trường vào thời điểm sai, đại gia cũng có thể thất bại", anh Hiệu phân tích.

Vũ Văn Tôn, giám đốc Công ty Cổ phần Tự động hóa Công nghiệp SISI, cũng khuyên chị Hương bán cắt lỗ những bất động sản mà công ty đã mua hoặc thuê sỉ để dồn tiền vào dịch vụ quản lí tòa nhà.

"Khi khó khăn, công ty nên dồn nguồn lực vào mảng sở trường của họ để phát huy thế mạnh", anh Tôn nói.

Tuy nhiên, bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT công ty Bes, lại khuyên chị Hương giữ lại công ty. Theo bà, dù thị trường bất động sản lao dốc tạm thời, nó vẫn là ngành rất tiềm năng trong tương lai.

"Năm 1994, tôi bán một căn nhà ở phố Nguyễn Du (Hà Nội) với giá 180 cây vàng. Bây giờ, giá của nó đã lên tới 1.000 tỉ đồng. Nếu hồi ấy tôi vẫn giữ căn nhà, bây giờ tôi đã có 1.000 tỉ đồng mà chẳng phải kinh doanh gì cả. Vì thế, tôi nghĩ chị Hương nên cắt lỗ để tiếp tục kinh doanh", bà Hà lập luận.

Đinh Thị Cúc, phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Phú Sơn, nói rằng nếu chị Hương bán doanh nghiệp, chị sẽ giống phần lớn doanh nhân thất bại.

"Nếu chị Hương bán công ty, chị sẽ không còn cơ hội tiếp tục công việc mà chị đam mê. Bản thân chị cũng nhìn ra cơ hội rất lớn với ngành quản lí tòa nhà, vì chưa doanh nghiệp nào ở Việt Nam làm tốt", chị Cúc lí giải.







Nhạc Dương