|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Hành trình khởi nghiệp và bám đuổi những gã khổng lồ của 'hoàng tử thể dục dụng cụ'

17:39 | 21/05/2019
Chia sẻ
Sau 30 năm kinh doanh, giờ đây "hoàng tử thể dục dụng cụ" của Trung Quốc có hơn 6.000 cửa hàng đồ thể thao và bám sát các tập đoàn lớn như Nike và Adidas.

Khi Li Ning, một vận động viên thể dục dụng cụ Olympic, thành lập công ty đồ thể thao vào năm 1990, ông mới là một chàng trai 26 tuổi đang ở giai đoạn cuối của sự nghiệp. Li từng giành 6 huy chương (bao gồm 3 huy chương vàng) trong Olympic 1984 ở thành phố Los Angeles - Thế vận hội đầu tiên Trung Quốc tham gia từ năm 1952. Hồi đó giới truyền thông gọi ông là "hoàng tử thể dục dụng cụ", báo South China Morning Post đưa tin.

Hành trình khởi nghiệp và bám đuổi những gã khổng lồ của hoàng tử thể dục dụng cụ - Ảnh 1.

Cựu vận động viên Li Ning từng tham dự hai kỳ Thế vận hội ở Mỹ và Hàn Quốc trong năm 1984 và 1988. Ảnh: SCMP

"Hoàng tử" không giành bất kỳ huy chương nào ở Thế vận hội 1988 ở Seoul, Hàn Quốc. Mặc dù đây là Thế vận hội khép lại sự nghiệp vận động viên của Li, nó lại là sự khởi đầu của một chương mới đầy thăng hoa trong cuộc đời ông nhờ khai thác thế mạnh trong mảng thể thao để kinh doanh.

Ý tưởng kinh doanh mới mẻ với thời cuộc

Ngày nay, một trào lưu phổ biến với vận động viên là lập thương hiệu quần áo hay hợp tác với các tập đoàn đồ thể thao để tung ra những bộ sưu tập đặc biệt. Nhưng 3 thập kỷ trước, khi Li nảy ra ý tưởng thành lập thương hiệu thể thao Li Ning, đó là một khái niệm rất mới, đặc biệt ở Trung Quốc.

Năm 1989, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình nghỉ hưu sau khi phát động hàng loạt cải cách kinh tế đột phá. Sự thay đổi về chính trị và kinh tế đã thôi thúc Li dấn thân vào thương trường.

"Hồi ấy tôi không có kế hoạch cụ thể, chỉ ấn định thời gian bắt đầu là năm 1989. Sau Thế vận hội 1988, tôi cảm thấy tôi không có kết thúc hoàn hảo cho sự nghiệp, nên muốn rẽ sang hướng mới. Giám đốc của một công ty đồ uống thể thao hỏi tôi rằng tôi muốn làm đại sứ thương hiệu cho ông ấy không. Đề nghị ấy đưa tôi vào thương trường. Tôi vừa làm đại sứ, vừa làm công việc tiếp thị trong công ty", vị doanh nhân 56 tuổi nói với SCMP khi ngồi trong trụ sở của công ty ở ngoại ô thành phố Bắc Kinh.

Hành trình khởi nghiệp và bám đuổi những gã khổng lồ của hoàng tử thể dục dụng cụ - Ảnh 2.

Những mẫu giày êm và áo thể thao của công ty Li Ning. Ảnh: SCMP

Trụ sở của công ty mà Li sáng lập là khu phức hợp đồ sộ, với những câu lạc bộ thể thao hoành tráng và bể bơi có chiều dài 25 m, đường chạy 400 m, nhiều khu tập thể thao trong nhà và một khu tập gym.

Hàng ngày, vài chục nhân viên của công ty đánh cầu lông hay chơi bóng rổ trong giờ nghỉ trưa.

Bên trong khu phức hợp, khách tham quan thấy nhiều tác phẩm nghệ thuật - bao gồm những bức thư pháp, tranh cổ. Trong văn phòng của Li, ông đặt nhiều máy tập thể dục để tranh thủ tập khi làm việc. Ông cũng trưng bày vài đôi giày êm phổ biến nhất trong những năm đầu thập niên 90 của ông.

"Vào thời điểm thành lập công ty, tôi cũng lập một trường thể dục ở phía nam tỉnh Quảng Đông vì tôi muốn truyền cảm hứng để các thế hệ sau tập thể dục, chứ không phải vì những sản phẩm của Li Ning. Tôi muốn thanh niên hiểu tinh thần thể thao", Li tâm sự.

Li niêm yết cổ phiếu công ty lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong vào năm 2004, thu về 70 triệu USD. 15 năm sau, công ty có hơn 6.000 cửa hàng ở Trung Quốc. Trong 2 năm qua, công ty tập trung vào chiến dịch thay đổi hình ảnh.

Sự nghiệp kinh doanh không bằng phẳng

Đương nhiên, hành trình khởi nghiệp của Li không êm ả từ đầu tới bây giờ. Ông từng trải qua nhiều thăng trằm trong 30 năm qua.

Tập trung vào giày êm và quần, áo thể thao, Li Ning còn quá nhỏ trước những "gã khổng lồ" như Nike và Adidas. Công ty tài trợ cho nhiều cầu thủ bóng rổ nhà nghề Mỹ như Dwyane Wade, từng triển khai chiến dịch tiếp thị thành công trong Thế vận hội Bắc Kinh 2008 - sự kiện mà Li đại diện cho nước chủ nhà châm ngọn đuốc Olympic trong lễ khai mạc.

Năm 2010, Li Ning mở rộng thị trường sang Mỹ bằng việc thành lập một văn phòng và cửa hàng ở thành phố Portland. Tình hình không tiến triển như dự kiến và công ty buộc phải hủy kế hoạch xâm nhập thị trường Mỹ.

Là người chưa từng có kinh nghiệm kinh doanh hay thiết kế trước khi khởi nghiệp, Li thừa nhận rằng phần khó nhất là khi ông hình dung sản phẩm trong đầu và biến nó thành sản phẩm rồi bán cho người tiêu dùng. Li cũng cảm nhận rất rõ sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng từ khi ông còn ở độ tuổi đôi mươi tới nay.

Hành trình khởi nghiệp và bám đuổi những gã khổng lồ của hoàng tử thể dục dụng cụ - Ảnh 3.

Li Ning thắp đuốc Olympic trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008. Ảnh: SCMP

"30 năm trước, người dân không cần giày có chức năng chuyên biệt. Họ đeo một đôi giày trong mọi tình huống. Nhưng ngày nay, người tiêu dùng mua giày cho từng loại hoạt động. Họ có giày để chạy và giày để chơi bóng rổ. Thậm chí họ có giày để chơi cầu lông và giày để chơi bóng bàn. Giới trẻ bây giờ không chỉ đeo giày thể thao khi tập luyện, mà còn đeo chúng khi đi chơi hay đi làm. Nhu cầu của họ rất phức tạp", ông nói.

Dù các đối thủ lớn từ Mỹ như Nike và Adidas cạnh tranh quyết liệt, Li nhận thấy người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng chuộng đồ thể thao nội địa.

"Đó là xu hướng có lợi cho các công ty trong nước như Li Ning", ông bình luận.

Nhạc Dương