|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Giám đốc Dragon Capital: 'Cổ phiếu vốn hóa lớn tạo sóng trở lại, NĐT không nên bỏ qua nhóm ngân hàng năm 2022'

14:09 | 22/01/2022
Chia sẻ
Theo phân tích của chuyên gia Dragon Capital năm 2022, hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng.

Cổ phiếu nhóm nào sẽ lên ngôi trong năm 2022?

Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong hai năm 2020, 2021. Thế nhưng chính trong hoàn cảnh éo le nhất, thị trường chứng khoán Việt Nam lại tăng trưởng mạnh mẽ với sự bùng bổ của dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân. VN-Index từng bước chinh phục những vùng cao mới và vượt đỉnh 1.500 điểm vào ngày 25/11.

Trong diễn biến khởi sắc của thị trường chung, nhiều cổ phiếu bất ngờ được đẩy giá lên rất cao với nhiều phiên tăng trần liên tục, kích thích nhà đầu tư tham gia với kỳ vọng "ăn bằng lần". Đặc biệt giai đoạn cuối năm 2021, thị trường chứng kiến "cơn sóng thần" của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, nhiều mã đã vượt xa giá trị thực của doanh nghiệp.

Những nhà đầu tư theo trường phái phân tích cơ bản khi chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của midcap và penny trong thời gian qua đã đặt ra câu hỏi: "Sự tăng giá của nhóm cổ phiếu này có logic hay không?"

Bàn về vấn đề này, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bức tranh đầu tư 2021 - Triển vọng 2022", ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược đầu tư quỹ Dragon Capital cho rằng sự tăng giá của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ trong nửa cuối năm 2021 có những logic nhất định.

Cụ thể, giai đoạn 2014 – 2016, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt xa lợi nhuận của các công ty lớn, dẫn tới việc nhóm cổ phiếu midcap và penny tăng trưởng vượt trội hơn VN-Index bình quân khoảng 70%.

Còn với giai đoạn tháng 10/2020 - tháng 12/2021, lợi nhuận của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng 40 – 80%, trong khi khối doanh nghiệp lớn chỉ tăng 25 – 30%, dẫn tới việc giá cổ phiếu nhóm vừa và nhỏ tăng tốt hơn tương đối nhiều so với thị trường chung.

Giám đốc Dragon Capital: "Cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tỏa sáng, NĐT không nên bỏ qua nhóm ngân hàng năm 2022" - Ảnh 1.

Nguồn: DC ước tính, Bloomberg. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, cũng theo vị Giám đốc chiến lược của quỹ tỷ USD, bức tranh toàn cảnh sẽ thay đổi trong năm 2022.

"Chúng tôi cho rằng lợi nhuận của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ tăng 10 – 20%, trong khi lợi nhuận của doanh nghiệp lớn được dự báo tăng trưởng 25 – 40%. Do đó, năm 2022 sẽ là năm của những cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều đó không có nghĩa rằng sẽ không xuất hiện những cổ phiếu midcap, penny bứt phá tốt, mà xét trên bình diện chung thì nhóm vốn hóa lớn sẽ là ngôi sao sáng".

"Không nên bỏ qua nhóm cổ phiếu ngân hàng"

Nói về nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường, ông Lê Anh Tuấn cho rằng ngân hàng là một ngành rất thú vị. Nhiều nhà đầu tư cũng như các phương tiện thông tin đại chúng nhắc quá nhiều về vấn đề nợ xấu, họ cho rằng đó là lý do cổ phiếu của các nhà băng không thể đem lại hiệu quả đầu tư cao.

"Điều này hoàn toàn đúng với giai đoạn nửa cuối năm 2021, hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng là rất thấp", ông Tuấn khẳng định.

Chu kỳ ngành tăng giá của ngành ngân hàng xảy ra khi tăng trưởng tín dụng vượt 15%, thông tin cơ bản về mặt định giá bao gồm lợi nhuận liên tục tăng tốc và tốc độ tăng trưởng trùng bình ngành trên 30%.

Còn khi tăng trưởng tín dụng ở mức dưới 10%, lợi nhuận tăng trưởng thấp và tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dưới 20% thì ngành ngân hàng đã bước vào chu kỳ giá giảm.

Thực tế chỉ ra, ngành ngân hàng đã vướng vào tình huống đó trong nửa năm 2021, khi lợi nhuận đã đạt đỉnh vào quý II, sau đó kỳ vọng nợ xấu xảy ra dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, dẫn đến lợi nhuận quý III thấp hơn quý II kéo theo giá cổ phiếu tăng chậm, thậm chí đi lùi.

Giám đốc Dragon Capital: "Cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tỏa sáng, NĐT không nên bỏ qua nhóm ngân hàng năm 2022" - Ảnh 2.

Nguồn: DC ước tính, Bloomberg. (Ảnh chụp màn hình).

Đối với vấn đề nợ xấu, ông Tuấn nhận định không phải nợ xấu ở mức thấp thì giá cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng tăng.

Như giai đoạn 2012, nợ xấu ở mức 17 - 20%, sau đó khi nợ xấu giảm xuống từ từ thì giá cổ phiếu sẽ đi lên. Nửa cuối năm 2021, nợ xấu theo quan điểm chung của mọi người đang trong xu hướng tăng, đó chính là nguyên nhân tại sao giá cổ phiếu không thể bứt phá.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra trong năm 2022?

"Điều đầu tiên cần khẳng định là quan điểm về nợ xấu không đúng. Tỷ lệ nợ xấu bao phủ của Việt Nam đã tăng rất mạnh, năm 2017 tỷ lệ này là 75% thì đến năm 2021 đã tăng lên 130%, xếp thứ 3 toàn khu vực. Trên thực tế, ngành ngân hàng đã có sự chuẩn bị cho câu chuyện nợ xấu.

Không những vậy ở Việt Nam muốn vay tiền từ ngân hàng, phần lớn người đi vay phải có tài sản thế chấp là bất động sản.

Trước kia, trong giai đoạn 2015 - 2018, bạn có 100 đồng tài sản thế chấp thì bạn chỉ có thể vay được 70 đồng. Từ năm 2019 trở đi, ngành ngân hàng bắt đầu thận trọng hơn, khi đó 100 đồng tài sản chỉ có thể vay được 58 đồng. Điều này cho thấy chất lượng tài sản thế chấp đã tăng lên rất nhiều, trong đó phần lớn là bất động sản.

Thực tế chỉ ra thị trường bất động sản vẫn đang ổn định, giá bất động sản thậm chí đang tăng rất mạnh. Trong bối cảnh đó làm sao nợ xấu của ngân hàng tăng nhiều được."

Giám đốc Dragon Capital: "Cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tỏa sáng, NĐT không nên bỏ qua nhóm ngân hàng năm 2022" - Ảnh 3.

Nguồn: DC ước tính, Bloomberg. (Ảnh chụp màn hình).

Theo phân tích của Dragon Capital năm 2022 hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực cho nhóm ngành ngân hàng, bao gồm khả năng tăng trưởng tín dụng trên 15%, nợ xấu có khả năng sẽ giảm rất mạnh, lợi nhuận dược dự báo tăng trưởng vượt mức 30%, kèm theo các thông tin hỗ trợ như bán vốn chiến lược, lợi nhuận đột biến, thậm chí một số ngân hàng có ý định nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.

Về mặt định giá, đâu đó cổ phiếu ngân hàng đang rẻ hơn 25% so với mức bình quân 3 năm. Khi nhìn những yếu tố này, ngành ngân hàng là một trong các nhóm ngành nhà đầu tư không nên bỏ qua trong năm 2022.

Thu Thảo

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.