|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần 17 - 21/1: Tự doanh mua ròng cổ phiếu ngân hàng khi có sóng, xả mạnh nhóm chứng khoán

09:43 | 22/01/2022
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index giảm thêm 23 điểm, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường với giá trị vào ròng đạt 156 tỷ đồng, quy mô giảm nhẹ 9% so với tuần trước đó. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 468 tỷ đồng.

Tuần 17 - 21/1 tiếp tục là một tuần giảm điểm của VN-Index khi chỉ số đã chốt phiên tại 1.472,89, giảm 23,13 điểm (1,55%) so với mức đóng cửa tuần trước. Dù giảm điểm nhưng VN-Index đã hồi phục đáng kể trong các ngày cuối tuần, diễn biến này đã góp phần cải thiện tâm lý giao dịch của nhà đầu tư sau chuỗi phiên bán tháo.

Trong đà hồi phục của thị trường chung, các cổ phiếu đã giảm mạnh, mất thanh khoản trong các phiên trước đã dần được “giải cứu”, giúp nhà đầu tư bớt hoang mang và chủ động cơ cấu danh mục đầu tư.

Dẫn đầu nhóm ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong tuần là bộ ba VCB, BID và MBB, tổng cộng 3 mã này đã giúp chỉ số tăng 13,7 điểm. Chiều ảnh hưởng tiêu cực dù mức độ tác động của những mã dẫn đầu ít hơn với GVR (-3,5 điểm), HPG (-3,5 điểm) và VHM (-3,4 điểm) nhưng do nhiều midcap như GEX, DIG, FLC, DGW giảm sâu… đã kéo giảm chỉ số.

Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, họ trở lại bán ròng với giá trị gần 5.000 tỷ đồng trong tuần, gần như toàn bộ giá trị bán ròng này đến từ giao dịch thỏa thuận cổ phiếu MSN trong phiên 19/1. Hơn 33 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Masan đã bị khối ngoại bán ròng gần 4.700 tỷ đồng trong phiên này.

Trong khi đó, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán tiếp tục xuống tiền nâng đỡ thị trường với 2/5 phiên mua ròng. Tính chung cả tuần, giá trị vào ròng đạt 156 tỷ đồng, quy mô giảm nhẹ 9% so với tuần trước đó. Tính riêng kênh khớp lệnh thì họ mua ròng 468 tỷ đồng.

Tự doanh - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Cổ phiếu "vua" trở lại hút tiền, nhóm chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất

Cổ phiếu "vua" là nhóm thu hút mạnh nhất dòng vốn tự doanh với giá trị hơn 288 tỷ đồng. Như vậy, bộ phận tự doanh đã quay lại gom cổ phiếu ngân hàng sau tuần bán ròng nhẹ trước đó.

Theo quan sát, cổ phiếu ngân hàng ít chịu tác động của sự kiện Tân Hoàng Minh bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm và chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu mà không công bố thông tin, nhóm này có sự đột phá trong phiên cuối tuần với sự gia tăng cả về giá và thanh khoản.

Trong tuần, tỷ lệ các cổ phiếu tăng/giảm là 10/17 nhưng do tỷ trọng vốn hóa của các cổ phiếu tăng điểm lớn hơn nên chỉ số giá toàn ngành tăng điểm. Top cổ phiếu ngân hàng tăng điểm trong tuần là MBB, BID, VCB, KLB, NVB, với tỷ lệ 1,4% - 7,3%. Đáng chú ý nhóm cổ phiếu ngân hàng có vốn nhà nước là VCB, BID, CTG đều tăng điểm.

Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này cũng gom ròng 88,8 tỷ đồng cổ phiếu ngành bán lẻ, 66,4 tỷ đồng nhóm bất động sản, 54,3 tỷ đồng cổ phiếu điện, nước & xăng dầu khí đốt. Ngoài ra, dòng tiền từ khối tự doanh còn tìm đến các ngành thực phẩm & đồ uống, công nghệ thông tin, hàng & dịch vụ công nghiệp,...

Chiều ngược lại, áp lực rút vốn của khối tự doanh chủ yếu đặt tại nhóm dịch vụ tài chính (118,5 tỷ đồng) với tâm điểm là cổ phiếu của các công ty chứng khoán. Tuần qua, chỉ số giá ngành chứng khoán giảm tới 7% khi thị trường xuất hiện các tin đồn về việc công ty chứng khoán không được phê duyệt tăng vốn.

Cùng chiều, khối tự doanh rút ròng khỏi các cổ phiếu họ dầu khí (38,6 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (13,1 tỷ đồng),....

Tự doanh - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của tự doanh theo nhóm ngành. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh xuống tiền gom loạt bluechips, tâm điểm VCB, MBB

Tuần 17 - 22/1: Tự doanh mua ròng cổ phiếu ngân hàng khi sóng ngành trở lại, xả mạnh nhất nhóm chứng khoán - Ảnh 3.

Cổ phiếu VCB của Vietcombank dẫn đầu về giá trị mua ròng của khối tự doanh CTCK trong tuần 17 - 21/1. (Ảnh: Thu Thảo).

Như đã đề cập bên trên, cổ phiếu của các nhà băng được khối tự doanh xuống tiền gom ròng khớp lệnh mạnh nhất tuần qua. Theo đó trong Top 10 mã được nhóm này mua ròng có 4 đại diện thuộc ngành ngân hàng.

Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu VCB của Vietcombank dẫn đầu về giá trị mua ròng với 99,1 tỷ đồng. Tuần qua, thị giá VCB có nhịp tăng gần 7% và chốt phiên thứ Sáu tại 89.200 đồng/cp. Diễn biến tích cực trong tuần vừa qua đã đưa Vietcombank lên vị trị cao nhất trong Top vốn hóa thị trường.

Tương tự, một mã ngân hàng khác là MBB cũng được tự doanh gom ròng với giá trị 94,6 tỷ đồng. Trong tuần, cổ phiếu của MBBank giao dịch khởi sắc với 4/5 phiên tăng điểm, thị giá theo đó tăng 7,2% lên 31.800 đồng/cp. Đặc biệt khối lượng khớp lệnh trong phiên cuối tuần của mã này đạt gần 51 triệu đơn vị, ghi nhận mức kỷ lục kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Dòng tiền tự doanh còn tìm đến các mã ngân hàng như STB (75,9 tỷ đồng) và ACB (29,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối tự doanh còn gom ròng loạt bluechips như MWG (88,8 tỷ đồng), VRE (44,9 tỷ đồng), FPT (39,1 tỷ đồng), GAS (37,7 tỷ đồng) và VHM (31,1 tỷ đồng).

Tự doanh - Ảnh 3.

Top10 cổ phiếu khối tự doanh mua/bán ròng tuần 17 - 21/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Ở chiều ngược lại, giao dịch bán ròng tập trung ở cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan với giá trị 202 tỷ đồng, trong đó giao dịch được thực hiện qua kênh thỏa thuận. Bên cạnh đó, tự doanh còn xả ròng trên trăm tỷ đồng mã KOS của Kosy.

Đứng thứ ba trong Top bán ròng là mã SSI với 56,2 tỷ đồng. Sau khi đạt đỉnh lịch sử vào cuối tháng 11, cổ phiếu của ông lớn đầu ngành chứng khoán đã liên tục điều chỉnh. Tuần vừa qua, SSI rơi khỏi vùng tích lũy và đi về các ngưỡng hỗ trợ sâu hơn, đóng cửa tuần tại 44.550 đồng/cp, giảm hơn 9% so với tuần trước đó.

Mới đây, Chứng khoán SSI cho biết tổng doanh thu hoạt động năm 2021 của công ty đạt 7.293 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.327 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 70% và 113% so với năm trước.

Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, bộ phận tự doanh bán ròng E1VFVN30 và FUESSVFL với giá trị lần lượt là 48,3 tỷ và 21,7 tỷ đồng. Cùng chiều, áp lực bán ròng của khối này còn đặt lên NVL, PVD, DXG, PHR và CII với giá trị 18 - 41 tỷ đồng.

Thu Thảo