|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giấc mơ 'tỉ đô' và hành trình sóng gió của ông chủ mực in Vmax (Phần 1)

09:12 | 14/11/2019
Chia sẻ
Sản xuất mực in chất lượng cao nhưng giá rẻ, Nguyễn Chí Thanh gặp thách thức đầu tiên khi người tiêu dùng không tin sản phẩm. Sau khi chinh phục thành công người tiêu dùng, ông tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn hơn từ bên ngoài Việt Nam.

Lấy bằng kĩ sư của Đại học Thủy sản Nha Trang, nhưng sau khi tốt nghiệp, Nguyễn Chí Thanh không làm đúng chuyên ngành đào tạo mà tới TP Hồ Chí Minh để làm công nhân của nhà máy đóng tàu Ba Son. 

Cơ duyên với mực in của kĩ sư thủy sản

Rời nhà máy đóng tàu Ba Son, Thanh làm nhân viên tiếp thị sản phẩm, rồi đầu quân cho một công ty máy tính. Công việc ở công ty máy tính giúp ông thấy vô số cơ hội kiếm tiền. Vì thế, Thanh tranh thủ học thêm luật và quản trị kinh doanh để có thể tự kinh doanh.

Cơ hội kinh doanh của Thanh xuất hiện theo cách ông không ngờ tới. Người chủ công ty máy tính bất ngờ muốn nghỉ kinh doanh và bán lại công ty. Kĩ sư thủy sản quyết định dốc hết vốn liếng để tiếp quản và thương hiệu máy tính Vmax. 

Nguyen Chi Thanh

Doanh nhân Nguyễn Chí Thanh, chủ thương hiệu mực in Vmax. Ảnh: Vmax

Trong quá trình bán máy tính và các sản phẩm liên quan, Thanh nhận thấy giá mực in khá cao nên ông muốn giảm giá sản phẩm này. Không thể giảm giá bằng con đường thương mại, Thanh nảy ra ý định tự sản xuất. 

Theo tính toán của ông, hồi đó (những năm cuối thế kỉ 20), khoảng 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Nếu mỗi doanh nghiệp mua một hộp mực in với giá 50 USD/tháng, doanh số sẽ lên tới hàng tỉ USD mỗi năm.

Năm 1999, Thanh mua sách về sản xuất mực trên Amazon, tìm nhà cung cấp nguyên liệu, sang Mỹ để học hỏi. Ở Mỹ, ông nhận thấy các doanh nghiệp sản xuất mực in theo cách vô cùng đơn giản. Mỗi doanh nghiệp chỉ đảm nhận một khâu trong sản xuất. Thậm chí nhiều doanh nghiệp chỉ mua sản phẩm về rồi tăng giá trị bằng thương hiệu, dịch vụ.

Do thị trường máy tính khi đó rất sôi động, và lợi nhuận của công ty khá cao nên Thanh quyết tâm sản xuất mực in tái chế, với ý định lấy mảng máy tính nuôi mảng mực in. 

Trở ngại đầu tiên: Niềm tin của người dân 

Mua công nghệ và máy móc từ Mỹ, nhập nguyên liệu từ Nhật Bản, Thanh sản xuất mực in tái chế mang thương hiệu Vmax ngay trong năm 1999. Mực in tái chế giúp khách hàng không phải mua hộp mực mới khi hết mực, mà chỉ cần nạp mực in mới. 

Hồi đó, các doanh nghiệp bán máy in với giá thấp, nhưng bán mực với giá rất cao nên cách làm của Vmax "động chạm" tới lợi ích của rất nhiều hãng. Các hãng máy tính cảnh báo họ sẽ không bảo hành những máy in không dùng mực in chính hãng.

Với qui trình sản xuất tiên tiến nhất thời bấy giờ, giá mực in Vmax rẻ hơn 30-50% so với giá mực in của các thương hiệu khác trên thị trường. Công ty còn tuyên bố rằng nếu người mua sử dụng mực Vmax mà cảm thấy không đạt yêu cầu, họ có thể trả lại.

Mặc dù vậy, trái với kì vọng của Thanh, người tiêu dùng không tỏ ra hào hứng với sản phẩm của Vmax vì họ đã quen dùng mực in của các thương hiệu lâu đời và nổi tiếng. 

Vmax

Một bộ sản phẩm gồm hộp mực và mực in của Vmax. Ảnh: Vmax

Không thể bán mực in, Thanh dành hẳn 3 tháng để phân tích lại tình hình và tìm chiến thuật mới. Ông quyết định chinh phục người tiêu dùng ở các vùng ven đô thị và các tỉnh - nơi khách hàng quan tâm tới giá rẻ. 

"Đội ngũ bán hàng của chúng tôi dồn toàn lực vào các tỉnh miền đông, miền tây và nhanh chóng thành công vang dội. Nhưng khi quay trở lại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi vẫn chưa thể chinh phục các chủ cửa hàng", ông kể.

Nhận thấy không thể dựa vào các cửa hàng, đại lí phân phối, Thanh học cách tiếp cận trực tiếp khách hàng của ngành bảo hiểm. Ông xây dựng đội ngũ telesale để bán hàng trực tiếp qua điện thoại. 

Một mặt, Vmax hoàn thiện hệ thống quản lí kho và giao hàng để người mua nhận sản phẩm trong thời gian ngắn. Mặt khác, công ty sẵn sàng nhận lại sản phẩm và hoàn tiền nếu khách hàng không hài lòng và muốn trả lại.

Vì mực in Vmax có chất lượng tốt, giá lại rẻ, nên số lượng người mua tăng dần. Sau 2 năm, công ty chiếm lĩnh toàn bộ thị trường miền nam và bắt đầu mở rộng ra thị trường miền trung, miền bắc với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm.

Bão tố từ Trung Quốc và khủng hoảng tài chính

Đang phát triển thuận lợi, Vmax đối mặt với bão tố vào năm 2007, khi mực in Trung Quốc tràn vào Việt Nam và nhiều nước, đẩy các doanh nghiệp mực in vào tình trạng khốn đốn. Ngay sau đó, khủng hoảng tài chính 2008 ập tới. 

Hai thảm họa ấy khiến doanh số của Vmax lao dốc. Nguy cơ mất thị trường, mất thương hiệu, mất doanh nghiệp với 200 nhân sự đang đến rất gần với Thanh.

"Sau 10 năm kinh doanh, lần đầu tiên tôi cảm thấy hoảng sợ thực sự", vị kĩ sư thú nhận.

Nhạc Phong