Hai cú sốc lớn vì quá tự tin của nữ doanh nhân phân phối nhãn hiệu thời trang Owen
Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống bán lẻ, ngay từ nhỏ Phạm Thị Tuyết đã tiếp xúc môi trường kinh doanh. Tốt nghiệp đại học, chị làm việc cho công ty gia đình. Trong những lần đi theo các đội bán hàng, Tuyết nhận thấy bản thân có khả năng cảm nhận thị trường rất tốt.
Lần vấp ngã sớm sau khi khởi sự kinh doanh thuận lợi
Sau vài năm làm việc cho công ty gia đình, Tuyết tham gia chương trình đào tạo văn bằng hai về kinh doanh của một trường đại học rồi lập Công ty Cổ phần Thời trang Kowil Việt Nam vào năm 2008, chuyên phân phối hàng thời trang của thương hiệu Winny.
Nữ doanh nhân Phạm Thị Tuyết, giám đốc công ty Cổ phần Thời trang Kowil Việt Nam. Ảnh: Kowil
Do hiểu thị trường, hệ thống đại lí và kinh nghiệm phân phối từ các nhãn hàng khác nên công việc kinh doanh của Kowil Việt Nam thuận lợi ngay từ đầu. Tự tin, chị quyết định chinh phục thị trường thời trang nam. Dồn hết vốn liếng và vay ngân hàng, chị đặt một lượng hàng quần, áo nam trị giá 30 tỉ đồng.
Khi hàng về, chị Tuyết hơi sốc vì số lượng sản phẩm quá lớn khiến kho của công ty không chứa hết, buộc chị phải thuê thêm một kho khác để chứa.
Sự hào hứng của chị Tuyết nhanh chóng tan biến khi các đại lí đồng loạt từ chối nhập hàng vì hồi ấy thương hiệu Owen quá mới đối với thị trường. Trong lúc cả "sếp" lẫn nhân viên lăn lộn để thuyết phục các cửa hàng, trận lụt lịch sử đã xảy ra ở Hà Nội, khiến 1/6 số hàng chìm trong nước.
Trước thực trạng ấy, nữ doanh nhân quyết định "đại hạ giá" để thanh lí lô hàng khổng lồ. "Công ty lỗ nặng, nhưng bù lại người tiêu dùng đã bắt đầu trải nghiệm sản phẩm của thương hiệu Owen", chị thổ lộ.
Nỗ lực "đánh lớn" lần thứ hai
Cú sốc đầu tiên không khiến chị Tuyết nản chí, và cũng chẳng làm phai nhạt niềm tin của nữ doanh nhân với nhãn hiệu thời trang nam Owen. Chị tiếp tục đầu tư một lần nữa với nhãn hiệu này.
Trong lần thứ hai, Kowil Việt Nam tính toán kĩ hơn. Công ty chọn sản phẩm từ loại vải cao cấp, có nhiều màu sắc trẻ trung. Về kiểu dáng, họ không lấy kiểu quần, áo có dáng truyền thống, mà chỉ nhập quần, áo mang có dáng "slim fit" (bó thân).
"Hồi ấy đa số sản phẩm thời trang có kiểu dáng truyền thống và màu sắc đơn điệu. Vì thế, chúng tôi tin công ty sẽ thành công hơn so với lần trước", chị Tuyết nói.
Hệ thống phân phối hàng thời trang nam Owen đã hiện diện khắp cả nước. Ảnh: ragus.vn
Một lần nữa, các đại lí lại "hất gáo nước" vào tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ Kowil Việt Nam. Các đại lí từ chối nhận hàng vì họ không thích kiểu áo "chiết li eo, ôm sát cơ thể, màu sắc sặc sỡ".
"Tình thế thật sự bi đát. Nếu đại hạ giá một lần nữa, tôi sẽ không thể có đủ tiền để trả nợ ngân hàng. Tôi đã tính toán rất kĩ, mà cuối cùng vẫn thất bại, nên chỉ có thể tự trách bản thân", chị giãi bày.
Giải pháp thoát khỏi thế bế tắc, mở lối thành công
Phân tích kĩ lưỡng sản phẩm, Phạm Thị Tuyết nhận thấy quần, áo Owen có rất nhiều ưu điểm - nguyên liệu siêu tốt, màu sắc đa dạng và trẻ trung, dáng slim fit phù hợp với sở thích của giới trẻ. Yếu điểm duy nhất của nó quá mới đối với người tiêu dùng.
Công cụ đầu tiên mà chị Tuyết tận dụng là hệ thống đại lí phân phối thương hiệu Winny. Chị áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cho các đại lí, theo đó họ có thể trả lại hàng Owen nếu không bán hết.
Ngoài ra, công ty cũng tăng cường quảng bá để người tiêu dùng hiểu rõ những ưu điểm của sản phẩm thông qua các sự kiện trình diễn thời trang, quảng cáo. Sau một khoảng thời gian ngắn, hiệu ứng truyền thông đã lan tỏa, khiến nhiều người tiêu dùng tìm sản phẩm Owen.
"Hiệu ứng từ người tiêu dùng đã tác động ngược tới các đại lí. Số lượng chủ cửa hàng tự liên hệ với công ty để lấy hàng tăng dần", chị Tuyết kể.
Thoát hiểm thành công, Kowil Việt Nam tiếp tục tiến lên phía trước bằng cách liên tục đón đầu xu thế của thị trường để thiết kế những mẫu độc và lạ, ứng dụng các công nghệ hiện đại.
Năm 2014, Kowil đạt thành tựu lớn khi sử dụng loại vải sợi tre. Ưu điểm của loại vải sợi tre là mát, không nhăn. Sau đó, công ty liên doanh với một tập đoàn thời trang hàng đầu ở Nhật Bản để chuẩn hóa hệ thống nhận diện thương hiệu, phát triển hệ thống cửa hàng riêng.
"Hiện tại, công ty sở hữu hai nhãn hiệu thời trang uy tín là Winny và Owen với mạng lưới phân phối trên toàn quốc", chị Tuyết nhấn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/