Vì sao các thương hiệu thời trang cao cấp bán chạy tại Trung Quốc dù đắt đỏ?
Louis Vuitton, Chanel, Hermès và Dior nằm trong số 5 thương hiệu hàng đầu với sản phẩm sneaker trên ứng dụng mua sắm RED tại Trung Quốc, theo một báo cáo mới đây của Gartner L2. Thương hiệu còn lại của top 5 là Nike.
Người Trung Quốc ngày càng chi nhiều tiền cho thời trang cao cấp (Ảnh: CNBC)
"Các thương hiệu thời trang cao cấp đang tạo động lực phát triển nhờ các mặt hàng định hướng cho người trẻ và các phụ kiện thời trang đường phố cùng mô hình thương mại điện tử sáng tạo và kích thích từ người nổi tiếng trên các nền tảng số", Danielle Bailey, Chủ tịch Nghiên cứu và Tư vấn khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Gartner L2, chia sẻ.
Các thương hiệu cao cấp bên cạnh đó cũng "vay mượn" mô hình phân phối và định giá sản phẩm từ văn hoá thời trang đường phố: mô hình "thả bom". Điều này có nghĩa là chúng sẽ ra mắt các phiên bản giới hạn cho sản phẩm trong một thời gian ngắn, nỗi sợ "khan hiếm" sẽ giúp thương hiệu bán hàng với giá cao.
Ví dụ, thương hiệu cao cấp Rimowa đã hợp tác với thương hiệu thời trang đường phố Off-White vào năm 2018 và ra mắt một phiên bản va li trong suốt giới hạn. Sự hợp tác đã thu hút nhiều tương tác và sự chú ý trên Weibo, mặc dù sản phẩm có giá lên tới 1.700 USD.
Văn hoá thời trang đường phố, được khởi xướng và phổ biến nhờ một số nhà thiết kế như Virgil Abloh hay Kanye West, bắt đầu nhận nhiều sự quan tâm từ năm 2017 và thậm chí còn đang "ăn" vào miếng bánh của thị trường cao cấp.
Đồ họa: TV
Trung Quốc là một thị trường quan trọng với cả thời trang đường phố và thời trang cao cấp. Năm 2018, người Trung Quốc chi tới 115 tỉ USD cho các phụ kiện thời trang cao cấp, theo một báo cáo của McKinsey and Co.
Song giá cao và sự khan hiếm cũng tạo điều kiện để hàng giả xuất hiện trên thị trường. Louis Vuitton là một trong số các thương hiệu cao cấp đang sử dụng mô hình "thả bom" để ra mắt sản phẩm. Năm 2018, thương hiệu Pháp này bị làm giả nhiều nhất trên thế giới.
"Vì thời trang đường phố và cao cấp tạo ra nhu cầu và thực sự khan hiếm, chúng nhiều khả năng bị làm giả hơn", Elizabeth Flora từ Gartner L2 nói. "Thương hiệu càng thành công càng bị làm giả, vì thế chúng cần thực sự rất chủ động".
Cho tới năm 2025, người dùng Trung Quốc có thể đóng góp tỉ trọng tiêu dùng cho thời trang cao cấp tới 40% trên quy mô toàn cầu.
Thách thức đặt ra là việc khi người trẻ quan tâm đến phân khúc này, các thương hiệu càng phải biến đổi nhanh để duy trì sức hút.
"Quan tâm đến người trẻ là cực kì quan trọng," Flora nhận định. "Khách hàng của các thương hiệu cao cấp ngày càng trẻ hoá ở Trung Quốc. Họ đi theo phong cách thời trang và có những thần tượng của riêng mình, vì thế thương hiệu cần tích hợp các chúng vào chiến lược marketing số của mình".