|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng thế giới liên tục giảm: Thách thức mới trong việc hạ nhiệt vàng SJC?

16:26 | 11/06/2024
Chia sẻ
Một thách thức mới mà NHNN đang phải đối mặt chính là giá vàng thế giới đang trong đà giảm, nhất là sau khi NHTW Trung Quốc ngừng mua vàng dự trữ trong tháng 5.

Thách thức mới trong kéo giá vàng Việt Nam gần hơn với thế giới

Biện pháp mới đây của NHNN là bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng Big 4 và SJC để phân phối đến người dân được đánh giá đã có tác động tích cực. Chỉ trong vòng gần 2 tuần kể từ ngày công bố biến pháp này, giá vàng SJC giảm từ mức trên 90 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 77 triệu đồng/lượng.

Các nhóm giải pháp khác vẫn đang được thực hiện nhằm kéo thị trường trong nước gần hơn với thế giới bao gồm thanh tra thị trường nhằm xử lý việc thao túng, đẩy giá; sửa Nghị định 24…

 Nguồn: Doji, SJC (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, một thách thức mới mà NHNN đang phải đối mặt chính là giá vàng thế giới đang trong đà giảm, nhất là sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngừng mua vàng dự trữ trong tháng 5. Việc Trung Quốc đẩy mạnh mua vàng trong nhiều tháng qua đã góp phần lớn giúp đẩy giá kim loại này liên tục thiết lập những kỷ lục mới. 

Ngân hàng này bắt đầu tăng cường dự trữ dự trữ vàng kể từ tháng 11/2022, dẫn đến làn sóng mua vào của các ngân hàng trung ương trên thế giới trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Hiện giá vàng thế giới quanh mức 2.300 USD/ounce (tương đương khoảng 70,5 triệu đồng/lượng), giảm khoảng 140 USD/ounce so với mức kỷ lục thiết lập hồi giữa tháng 5. Điều này đồng nghĩa, khoảng chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới nới rộng từ 4 triệu đồng/lượng từ cuối tuần trước lên 6,5 triệu đồng/lượng. 

 Diễn biến giá vàng thế giới trong vòng 1 tháng qua (Nguồn: Tradingview, đơn vị USD/ounce)

Trong khi đó, giá vàng Việt Nam dù đã được kéo giảm sâu nhưng đã đi ngang ở mức 77 triệu đồng/lượng từ cuối tuần trước đến nay. Trường hợp NHNN muốn kéo mức chênh lệch với thế giới gần hơn nữa, cơ quan này tiếp tục giảm giá bán cho các ngân hàng thương mại và SJC.

Câu hỏi đặt ra rằng NHNN sẽ duy trì biện pháp này đến bao giờ? Tuy nhiên, câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ, chỉ biết rằng NHNN nhiều lần khẳng định có đầy đủ vàng và nguồn lực để giúp bình ổn thị trường. 

Giới chuyên gia cho rằng không nhất thiết kéo giá vàng trong nước bằng với thế giới bởi điều này rất tốn nguồn lực. 

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mức chênh lệch phù hợp là khoảng 3 - 5 triệu đồng/lượng.  

Còn ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy cho rằng không cần phải đặt vấn đề phải giảm chênh lệch giá vàng SJC về bằng 0 mà nên giữ ở mức độ nào đó chấp nhận được. 

“Việc nhập khẩu  vàng đang làm hao tổn dự trữ ngoại hối . Dự trữ, theo đúng nghĩa là chỉ nên sử dụng vào những nhu cầu khẩn thiết.

Vàng không phải là một nguyên liệu tư liệu sản xuất thiết yếu, vàng chỉ là một công cụ cất giữ hay cho tặng. Vì vậy không nên coi vàng và giá vàng là một ưu tiên cần ổn định”, ông Linh nhận định.

Các chuyên gia cũng đưa ra những cảnh báo để người dân thận trọng khi mua vàng. Tại cuộc họp với NHNN vào cuối tuần trước,TS. Trương Văn Phước cho rằng lúc này người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngưng mua vàng mà giá vàng  giảm xuống từ 80 đến 100 USD.

“Người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, ông Phước nhấn mạnh.

Nên đánh thuế không?

Việc NHNN kéo giá vàng SJC xuống đã tạo nên làn sóng đổ xô xếp hàng mua kim loại quý này. Người dân chấp nhận đứng chờ ở ngoài các ngân hàng từ 4, 5h hoặc thậm chí là những người ở các tỉnh lân cận Hà Nội cũng tìm đến để mong mua được “vàng giá bình ổn”.

 Dòng người xếp hàng mua vàng tại ngân hàng Agribank Láng Hạ (Ảnh: H.Mĩ)

Lý do của mỗi người khác nhau: người mua vì tích sản, người mua để trải nghiệm, và đương nhiên cũng có người mua để đầu cơ, bán chênh. Vấn đề này cũng đã được NHNN phản ánh vào tuần trước. Cũng từ đây, xuất hiện luồng ý kiến cho rằng nên đánh thuế giao dịch vàng để góp phần ổn định thị trường. 

Trao đổi với chúng tôi PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhà nước nên đánh thuế với giao dịch vàng, nhất là hoạt động lướt sóng, đầu cơ. 

“Chúng ta mới chỉ đánh thuế người kinh doanh vàng mà chưa đánh thuế người đầu tư vàng. Trong khi đầu tư chứng khoán, bất động sản đều bị đánh thuế thì hà cớ gì đầu tư vàng không bị đánh thuế. Đó là điều vô lý”, ông Thịnh nhận định. 

Theo ông với những người chỉ mua số lượng ít thì không nên đánh thuế vì đây là hoạt động tích sản, giữ lâu dài để thành khoản lớn. Tuy nhiên, với những người mua trong ngắn hạn, chỉ vài ngày bán thì đây được xem là hoạt động kinh doanh và cần phải áp thuế. 

“Nếu muốn áp thuế thì cần đẩy mạnh việc xuất hoá đơn điện tử mua - bán vàng. Điều này còn góp phần tăng tính minh bạch cho thị trường”, ông Thịnh nhận định.

Ý tưởng đánh thuế đối với giao dịch vàng cũng được đem ra thảo luận tại cuộc họp do Ngân hàng Nhà nước tổ chức vào cuối tuần trước với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. 

 PGS. TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng chính sách thuế sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt những đối tượng mua vàng nhằm đầu cơ, tích trữ, thao túng giá. 

Đồng thời, giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng, bà Mùi cho biết. 

Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.

TS. Trương Văn Phước nhận định việc hạn chế vàng cũng là cần thiết, nhưng cũng cần phải tôn trọng quyền tự do tiếp cận các mặt hàng thiết yếu trong nền kinh tế. 

“Dĩ nhiên cũng có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông Phước nói.

Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng việc áp thuế đối với một loại tài sản mỗi khi tăng giá mạnh không phải biện pháp hữu hiệu. Thậm chí điều này có thể có tác dụng ngược khi dòng tiền đầu cơ có thể chạy sang thị trường khác khó kiểm soát hơn, chẳng hạn như tiền số. Ngoài ra, đánh thuế có thể khiến giá vàng cao hơn vì phải chịu thêm một phần chi phí. 

Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng lúc này vai trò quản lý nhà nước càng phải được đề cao hơn: “Nếu việc quản lý tài chính tốt, sẽ không có chuyện tiền sẽ chảy sang bitcoin hay các đồng tiền số khác”.

H.Mĩ