|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng có thể sẽ tăng lên 2.700 - 3.000 USD/ounce

06:00 | 19/07/2024
Chia sẻ
Giá vàng châu Á tăng trong phiên ngày 18/7, giao dịch gần mức cao kỷ lục ghi nhận được trong phiên trước đó.

Vàng miếng được bán tại Kelantan, Malaysia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Vàng “lấp lánh” trước triển vọng cắt giảm lãi suất

Giá vàng châu Á tăng trong phiên ngày 18/7, giao dịch gần mức cao kỷ lục ghi nhận được trong phiên trước đó, trong bối cảnh đồn đoán về việc Mỹ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu tài sản không sinh lời như vàng.

Khoảng 13 giờ 41 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 2.470,62 USD/ounce. Kim loại quý này đã chạm mức cao kỷ lục 2.483,60 USD/ounce trong phiên ngày 17/7. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 0,5% lên 2.473,10 USD/ounce.

Theo ông Ryan McIntyre, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Sprott Asset Management, lãi suất giảm và cuộc bầu cử Mỹ là những yếu tố có khả năng đẩy giá vàng vượt mốc 2.500 USD/ounce, vì vàng thường có xu hướng hưởng lợi từ bất ổn kinh tế và địa chính trị. Lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của vàng.

Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller và Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams đều lưu ý về triển vọng ngắn hạn hướng tới chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Riêng Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond Thomas Barkin cho biết ông "rất khuyến khích" về việc giảm lạm phát trên diện rộng.

Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường dự đoán sẽ có đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp của Fed vào tháng 9/2024.

Ngân hàng Citi dự đoán trong 6 - 12 tháng tới, giá vàng có thể sẽ tăng lên 2.700 - 3.000 USD/ounce và giá bạc tăng lên 38 USD/ounce. Ngân hàng này cũng nói thêm rằng các nhà đầu tư có thể muốn phòng ngừa rủi ro cho các khoản nắm giữ cổ phiếu và tiền tệ của họ trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu tiềm ẩn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, điều này có thể thúc đẩy giá kim loại quý này.

Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 30,49 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 0,4% lên 998,50 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,8% lên 959,56 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,50 - 80,00 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Chứng khoán châu Á đi ngược chiều sau đà sụt giảm trên phố Wall

Giao dịch viên tại công ty chứng khoán ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN

Nhóm cổ phiếu của các công ty công nghệ đã bị ảnh hưởng sau đà sụt giảm của những “đồng nghiệp” niêm yết trên phố Wall sau báo cáo cho thấy Nhà Trắng sẽ nhắm đến các công ty cung cấp những công nghệ chất bán dẫn chủ chốt cho Trung Quốc và bình luận của ông Donald Trump liên quan đến nhà cung cấp chip quan trọng của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 2,4% xuống 40.126,35 điểm. Chứng khoán Sydney, Seoul và Singapore cũng giảm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,6% lên 17.842,24 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,5% lên 2.977,13 điểm. Chứng khoán Wellington, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta đều tăng.

Đà giảm của đồng USD vẫn tiếp diễn do kỳ vọng ngày càng tăng rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay.

Các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) đã dẫn đầu sự bùng nổ của thị trường chứng khoán trong năm nay khi các nhà đầu tư coi lĩnh vực này là vùng tăng trưởng lớn tiếp theo. Cổ phiếu của Nvidia đã tăng hơn 140% kể từ đầu năm.

Lĩnh vực công nghệ đã giúp chỉ số S&P 500 và Nasdaq đạt nhiều mức kỷ lục trong bảy tháng qua, một phần nhờ triển vọng chi phí vay thấp hơn. Tuy nhiên, đợt tăng giá này đã bị cản trở khi ngày 17/7, hãng Bloomberg News đưa tin rằng Tổng thống Joe Biden đang yêu cầu áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với các công ty như Tokyo Electron và ASML nếu họ tiếp tục cho phép Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip của họ.

Cổ phiếu của Nvidia giảm hơn 6% và cổ phiếu công ty Hà Lan ASML giảm hơn 12% trong ngày 17/7, trong khi cổ phiếu của Tokyo Electron giảm 7,5%.

Cổ phiếu của TSMC giảm hơn 2% tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), bất chấp việc công ty này báo cáo lợi nhuận ròng quý II tăng 36%.

Tại thị trường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 5,78 điểm (0,46%) lên 1274,44 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 1,59 điểm (0,66%) lên 242,49 điểm.

Giá dầu châu Á nới rộng đà tăng

Vòi bơm dầu tại một cây xăng ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Giá dầu châu Á nới rộng đà tăng so với phiên trước đó trong ngày 18/7, nhờ lượng dầu trong các kho dự trữ của Mỹ, nước tiêu thu dầu lớn nhất thế giới, giảm nhiều hơn dự kiến.

Khoảng 13 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 58 xu Mỹ (0,7%) lên 85,66 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 75 xu Mỹ (0,9%) lên 83,60 USD/thùng.

Số liệu mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô Mỹ đã giảm khoảng 4,9 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 30.000 thùng mà các nhà phân tích của Reuters đưa ra và mức giảm 4,4 triệu thùng trong báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Nhà phân tích thị trường cao cấp tại Phillip Nova, bà Priyanka Sachdeva cho biết những tín hiệu nhu cầu mạnh từ Mỹ lấn át những lo ngại về tăng trưởng khiêm tốn của Trung Quốc trong tuần trước. Ngoài ra, hy vọng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc du lịch mùa Hè hiện tại ở Mỹ đang đảm bảo đủ sức kéo cho nhu cầu dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Triển vọng về việc cắt giảm lãi suất trong những tháng tới ở cả Mỹ và châu Âu đã giúp hỗ trợ thị trường.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 18/7, nhưng báo hiệu rằng động thái tiếp theo của họ có thể là cắt giảm.

Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi tin tức về các quyết định chính sách từ Trung Quốc khi Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) khóa 20 kết thúc.

Đồng USD đã giảm nhẹ trong phiên giảm thứ ba liên tiếp vào ngày 18/7. Đồng USD yếu hơn có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, giúp dầu rẻ hơn cho những người mua nắm giữ đồng tiền khác.

 
 

Minh Hằng