Giá urê cao kỷ lục, cả thế giới cùng thiệt
Chuyện giá urê tăng chóng mặt
Trong năm nay, giá urê trên thị trường thế giới liên tục xô đổ kỷ lục để leo lên mức cao chưa từng thấy trong hơn một thập kỷ qua. Trong thời buổi nền kinh tế toàn cầu thiếu thốn đủ thứ và áp lực lạm phát tăng cao, giá urê leo thang có vẻ không quá bất ngờ.
Tuy nhiên, urê lại có liên quan tới nhiều thành tố khác trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Giờ đây, mọi người dân và mọi ngành công nghiệp đều đang phải hứng chịu thiệt hại khi giá urê tăng nóng.
Tại Ấn Độ, nông dân đang lo sợ thiếu nguồn cung urê có thể đe dọa đến sinh kế của họ. Hoặc tại Hàn Quốc, các tài xế xe tải không thể nổ máy vì giá urê quá đắt đỏ. Tại Việt Nam, nông dân trồng lúa sắp vào vụ mới nhưng lại nặng gánh lo âu vì phân bón.
Hơn nữa, urê còn là một loại phân bón nông nghiệp quan trọng, vì vậy urê tăng cao đồng nghĩa rằng giá thực phẩm trên khắp thế giới cũng phải tăng theo như một hệ quả tất yếu, New York Times nhấn mạnh.
Trên thực tế, tháng 10 năm nay, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đã chạm đỉnh 10 năm. Số liệu của tháng 11 vẫn chưa được công bố, tuy nhiên các chuyên gia dự báo chỉ số này khó có thể hạ nhiệt trong ngắn hạn.
Đại dịch COVID-19 đã khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói. Khi giá lương thực càng tăng cao, đương nhiên sẽ có ngày càng nhiều người chật vật tìm kiếm bữa ăn hàng ngày.
Do đâu giá urê tăng nóng?
Một nguyên nhân lớn khiến giá urê leo thang là do giá than và khí đốt tự nhiên tăng mạnh. Urê được sản xuất bằng một quy trình đã có tuổi đời hàng thế kỷ, mà trong đó các nhà máy sẽ chế biến khí tự nhiên hoặc khí có nguồn gốc từ than đá thành amoniac, sau đó sử dụng chất này để tổng hợp urê.
Cùng lúc, Trung Quốc và Nga, hai nước sản xuất urê lớn nhất thế giới, lại hạn chế xuất khẩu phân bón ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung cho nông dân trong nước.
Trung Quốc đang là trụ cột trong hoạt động xuất nhập khẩu phân bón toàn cầu. World Bank cho biết, đất nước tỷ dân hiện chiếm khoảng 10% lượng xuất khẩu phân bón làm từ urê của thế giới và hơn 33% lượng xuất khẩu diammonium phosphate - một loại chất dinh dưỡng khác dành cho cây trồng.
Khi giá nhiên liệu và phân bón bắt đầu tăng trong năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã trợ cấp cho nông dân hàng tỷ USD cũng như ban hành các hỗ trợ khác. Tháng trước, một số công ty phân bón hàng đầu đất nước đã gặp mặt cơ quan hoạch định chính sách của Trung Quốc và đồng ý tạm dừng xuất khẩu.
Hơn nữa, tại Trung Quốc, cuộc khủng hoảng năng lượng xuất hiện từ cuối tháng 9 còn khiến một số khu vực công nghiệp bị thiếu điện nghiêm trọng, dẫn đến việc các nhà máy sản xuất phân bón phải cắt giảm sản lượng.
Ông Darin Friedrich của hãng tư vấn Sitonia Consulting (Thượng Hải) nhận thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã quan tâm hơn đến vấn đề an ninh lương thực kể từ khi đại dịch bùng phát.
"Có lẽ Trung Quốc đã sớm đoán được rằng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị đứt gãy. Trong tình huống như thế, rõ ràng chính quyền Bắc Kinh sẽ ưu tiên đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong nước", ông Friedrich nói tiếp.
Ngoài ra, sự kiện bão Ida đổ bộ đã khiến nhiều nhà máy hóa chất lớn tại khu vực Gulf Coast của Mỹ phải tạm dừng hoạt động.
Hơn nữa, các lệnh cấm vận của phương Tây đối với Belarus cũng giáng đòn đau lên ngành công nghiệp sản xuất kali của Belarus. Cuối cùng, việc các cầu cảng bị ách tắc và cước vận tải biển tăng cao cũng góp phần làm giá urê nhảy vọt.
Cả thế giới cùng thiệt
Hàn Quốc phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung urê của Trung Quốc để làm chất lỏng công nghiệp phân hủy các khí độc hại trong khí thải động cơ diesel. Khi giá dung dịch urê tăng gấp 10 lần vào tháng trước, một số tài xế lái xe đã bỏ việc, trong khi số khác lo lắng về cơn đường mờ mịt sắp tới.
Ở diễn biến khác, người Anh lại đang lo lắng về chất lượng nước uống có ga. Tháng 9 năm nay, CF Industries - một nhà máy sản xuất phân bón lớn, đã tạm dừng hoạt động tại hai nhà máy ở Anh do giá khí đốt tự nhiên quá cao.
CO2 dùng trong thực phẩm, cũng chính là chất tạo các bong bóng nhỏ trong đồ uống có ga, là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất amoniac. Kể từ đó, một trong hai nhà máy của CF Industries đã hoạt động trở lại, song người dân Anh vẫn chưa hết lo sợ sẽ cạn kiệt nguồn cung CO2 dùng trong nước ngọt.
Còn ai đang thắc mắc liệu giá lương thực toàn cầu có thể tiếp tục tăng cao hơn hay không, ông John Baffes - chuyên gia kinh tế của World Bank, cho hay phần lớn nông dân đã chốt xong giá phân bón cho vụ mùa hiện tại.
Tuy nhiên, ông Baffes cảnh báo: "Nếu chúng ta thấy giá than và khí đốt tự nhiên đứng im ở mức cao như hiện nay, chắc chắn giá lương thực phải nhảy vọt. Điều này không phải bàn cãi".
Hơn một nửa lượng urê xuất khẩu của Trung Quốc trong năm nay là đến Ấn Độ. New Delhi đã quyết định trợ cấp phân bón để giữ giá ở mức thấp, nhưng quá trình phân phối cho nông dân lại rất khó khăn vì giữa các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương chưa có sự phối hợp nhịp nhàng.
Đứng trước nỗi lo thiếu phân bón, đám đông nông dân tuyệt vọng đã tập trung về các trung tâm phân phối của chính phủ Ấn Độ và đụng độ với cảnh sát, New York Times đưa tin.
Khi cú sốc phân bón bắt đầu thể hiện rõ vào mùa thu năm nay, anh Danpal Yadav (44 tuổi), một người trồng lúa ở bang Madhya Pradesh, trở nên túng quẫn vì nợ nần đầm đìa và năng suất lúa mùa trước quá thấp.
Gia đình Yadav cho biết, anh liên tục trắng tay trở về nhà sau những lần ghé qua các trung tâm phân phối phân bón của nhà nước. Yadav đau khổ và bày tỏ ý muốn tự sát.
Người nông dân 44 tuổi không còn nhiều thời gian để bồi dưỡng đất ruộng. Hôm 28/10, sau khi ngủ bên ngoài trung tâm phân bón trong ba ngày liền và không nhận được gì, anh trở về nhà và đóng chốt cửa lại.
Em trai của Yadav, Vivek về nhà và phát hiện anh mình đã bất tỉnh. Yadav đã uống thuốc độc tự sát. Cuối cùng, bác sĩ tuyên bố anh đã qua đời tại bệnh viện.