|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nghịch lý một tấn phân bón đắt hơn tấn gạo

21:38 | 23/10/2021
Chia sẻ
Cuộc khủng hoảng phân bón đã tung cú đấm trực diện vào ngành lúa gạo. Hiện nay, một tấn phân bón đắt hơn một tấn gạo. Điều này tạo áp lực cho nông dân các nước sản xuất, xuất khẩu lúa gạo như Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ.

Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng phân bón đã tung cú đấm trực diện vào ngành lúa gạo, loại lương thực chính cho một nửa dân số thế giới. Giá phân bón tăng đột biến làm tăng chi phí sản xuất cho nhiều nông dân ở châu Á và dự báo giá gạo sẽ trở nên đắt đỏ.

Ông Pramote Charoensilp, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan cho biết: "Nghịch lý rằng một tấn phân bón đắt hơn một tấn gạo".

"Cơn bão hoàn hảo" khiến các nhà máy sản xuất phân bón ở châu Âu bị đóng cửa, kèm theo những lệnh kiểm soát xuất khẩu của Chính phủ Trung Quốc khiến nguồn phân bón khan hiếm, đẩy giá tăng kỷ lục.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm giá khí đốt tự nhiên, giá than tăng đỉnh, nhà máy sản xuất phân bón hoạt đồng cầm chừng khiến cơn sốt phân bón càng thêm trầm trọng.

Nghịch lý một tấn phân bón đắt hơn một tấn gạo - Ảnh 1.

Giá phân bón tăng mạnh vào thời điểm người dân chuẩn bị trồng vụ Đông Xuân. (Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết)

Hiện nay, Trung Quốc, nhà cung cấp chính urê, sulphat và phốt phát, chiếm khoảng 30% thương mại toàn cầu, đang tăng cường giám sát ngành phân bón, áp đặt các rào cản mới đối với các nhà xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Do đó, những vựa lúa gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và các quốc gia Đông Nam Á sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này.

Tại Philippines, ông Wilfredo Roldan, đại diện cơ quan quản lý phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dự đoán giá gạo và ngô sẽ tăng mạnh khi phân bón chiếm tới 70% giá thành sản xuất.

Tương tự ở thị trường Việt Nam, giá urê, kali, DAP thế giới tiếp tục lập đỉnh mới điều này đang dự báo cơn siêu bão giá phân bón đang đến rất gần. Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo người dân cắt giảm và sử dụng phân bón hợp lý để giảm chi phí sản xuất.

Với việc giá phân bón liên tục tăng, báo cáo kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước cho thấy mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần các năm trước cộng lại chỉ sau 9 tháng đầu năm. 

Một ông lớn trong ngành là Tổng công ty Phân bón và hoá chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ, Mã: DPM) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với doanh thu thuần tăng hơn 44% so với cùng kỳ lên 2.824 tỷ đồng. 

Trong kỳ, biên lãi gộp của DPM cải thiện từ 22,1% lên 36,9%. Lãi sau thuế đạt đến 630 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Đạm Phú Mỹ lãi 1.503 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. 

Với CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, Mã: DCM), Bộ phận phân tích SSI Research ước tính doanh nghiệp này có thể cán mốc lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng 173% so với cùng kỳ nhờ giá bán ure tăng đáng kể. 

Các chuyên gia SSI ước tính, lợi nhuận trước thuế cho năm 2021 là 1.019 tỷ đồng, tăng 42% so với kết quả năm ngoái và gấp 4,8 lần kế hoạch DCM đặt ra

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp phân bón thuộc họ Vinachem ghi nhận tăng trưởng từ hai tới ba chữ số như Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) tăng 41,5%, CTCP Phân bón Miền Nam (Mã: SFG) tăng 318,8%. Ngoài ra CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) và CTCP DAP - Vinachem (Mã: DDV) có lãi với mức tăng trưởng lợi nhuận tương ứng là 186% và 226%.

Hoàng Anh