|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu Ấn Độ có thể tăng theo xu hướng toàn cầu?

14:50 | 08/06/2020
Chia sẻ
Việc Trung Quốc tăng mua đã đẩy giá tiêu toàn cầu tăng mạnh, đặc biệt là ở thị trường Việt Nam và Indonesia, trong khi tỉ giá đồng tiền Ấn Độ tăng không đáng kể.

Nông dân Ấn Độ, những người không được hưởng lợi từ xu hướng tăng giá toàn cầu, đang hi vọng nhu cầu tiêu thụ nội địa được cải thiện khi lệnh phong tỏa dần được nới lỏng, theo The Hindu Business Line. 

Theo Cộng đồng hồ tiêu Quốc tế, giá tiêu Việt Nam tăng 18,54% trong hơn một tháng qua, từ mức 2211 USD/tấn trong tháng 5 lên 2621 USD/tấn trong tháng 6. 

Tương tự, giá tiêu Indonesia cũng tăng 14,12%, từ 2088 USD/tấn lên 2383 USD/tấn. 

Tuy nhiên giá tiêu Ấn Độ chỉ tăng nhẹ 1,8%, từ 4354 USD/tấn lên 4434 USD/tấn. 

MC Kariappa, Chủ tịch Hiệp hội trồng trọt Kodagu cho biết: “ Xu hướng tăng giá toàn cầu gần đây không thực sự đem lại lợi ích cho nông dân Ấn Độ. 

Tuy nhiên, chúng tôi hi vọng giá tiêu sẽ được cải thiện trong vài tuần tới, khi mà nhu cầu tiêu thụ ở Bắc Ấn có thể tăng nhờ vào việc nới lỏng phong tỏa”. 

Giá tiêu giao tại cửa đã tăng từ mức 290-300 rupee (3,84-3,97 USD) trong hai tháng trước lên khoảng 315-317 rupee/kg (4,17-4,20 USD/kg). 

Chi phí sản xuất cao 

Ông Kishore Shamji, điều phối viên của Hiệp hội hồ tiêu Ấn Độ cho biết giá tiêu nước này đã cao hơn trước, dao động hơn 4000 USD, do nhu cầu tiêu thụ nội địa lớn tương đương với chi phí sản xuất cao.

Giá cao hơn đã mang lại lợi ích cho nông dân, nhưng chi phí sản xuất cao cũng là một vấn đề. Chi phí sản xuất có thể được giảm bằng cách cải thiện năng suất.

Ấn Độ kì vọng sản lượng hồ tiêu năm nay sẽ khoảng 60.000 tấn so với 55.000 tấn vào năm ngoái. 

Chính giá trị nội tại của hạt tiêu Ấn Độ đã thu hút những khách hàng khó tính nhất từ Mỹ, Canada và Châu Âu, là những nước có sự ưa chuộng đặc biệt đối với hạt tiêu đen Malabar hoặc Tellicherry Garbled Extra Bold và Malabar Tellicherry Special Extra Bold. 

“Không thể khẳng định giá tiêu loại nào cũng tăng lên trên thị trường quốc tế. Giá tiêu chất lượng thấp trước đây giảm còn 1.800 USD, thì giờ đây đang dần hồi phục khi sản lượng tiêu xuất khẩu sang Trung Quốc tương đối lớn như sản lượng tiêu xuất khẩu sang Mỹ”, ông Shamji cho biết thêm. 

Hàm lượng piperine cao có trong hạt tiêu Sri Lanka, chiếm hơn 10%, đã khiến cho hàng hóa từ quốc đảo này trở thành lựa chọn ưu tiên cho ngành công nghiệp chiết xuất gia vị. 

Giá tiêu ở Việt Nam tăng

 Prakash Namboothiri, cựu chủ tịch của Diễn đàn xuất khẩu gia vị Ấn Độ cho hay, giá tiêu Việt Nam tăng vọt nhờ sức mua lớn từ Trung Quốc và các thị trường khác, trong bối cảnh các hoạt động kinh doanh dần ổn định sau đại dịch COVID-19.

Theo ông Namboothiri, thị trường hồ tiêu toàn cầu tuần trước đã chứng kiến một vài biến động khi giá cả đạt được sự kì vọng của một số nhà đầu cơ. Tuy nhiên, giá tiêu vẫn tăng 13,4% trong vòng một tuần từ ngày 25 đến 31 tháng Năm.

Giá tiêu Ấn Độ luôn cao hơn 50-60% giá tiêu các nước xuất khẩu khác khi so sánh cùng một loại tiêu. Vì vậy, Ấn Độ cần nỗ lực giảm chi phí sản xuất hơn nữa để đảm bảo nông dân kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, ông Namboothiri cho hay.

Viễn cảnh tươi sáng 

Một chuyên gia trong lĩnh vực hồ tiêu cho biết sự vắng mặt của thị trường nội địa đã buộc nông dân ở Việt Nam và Indonesia phải xuất khẩu tiêu ra thị trường quốc tế với mức giá thấp hơn trước. 

Giá tiêu Ấn Độ luôn ở mức cao do thị trường nước này phụ thuộc vào nguồn tiêu thụ nội địa ổn định, vì vậy khách hàng quốc tế phải tìm kiếm các nước xuất khẩu khác với giá rẻ hơn. 

Sự gia tăng nhu cầu trong nước cũng có khả năng dẫn đến việc nhập khẩu tiêu từ các quốc gia như Nepal và Sri Lanka.

Tuy nhiên, viễn cảnh tươi sáng đang mở ra cho ngành sản xuất gia vị khi mà các mặt hàng như hạt tiêu, gừng và nghệ đang được ứng dụng trong các liệu pháp miễn dịch. 

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Ấn Độ là thị trường tiêu thụ tiêu lớn lớn thứ 4 Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, lượng tiêu xuất khẩu sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm đạt 5.900 tấn, tương đương 12,7 triệu USD giảm mạnh gần 41% lượng và giảm 48,6% về giá trị so với cùng kì năm ngoái.

Chỉ tính riêng trong tháng 4, mức sụt giảm cũng lên tới trên 50% xét trên cả lượng và kim ngạch xuất khẩu.

H.Mĩ