|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá tiêu Campuchia tăng gần gấp đôi nhờ sức mua lớn từ Việt Nam

18:59 | 03/06/2020
Chia sẻ
Giá tiêu của Campuchia tăng sau khi có thông tin giá tiêu của Việt Nam tuần trước tăng tới 30% so với thời điểm trước đó một tháng lên hơn 2 USD/kg. Hiện 80 - 85% tiêu của Campuchia được thương lái Việt Nam mua lại rồi bán đi.

Giá tiêu Campuchia tăng gần gấp đôi

Theo tờ Khmer Times, giá tiêu của Campuchia thời gian gần đây tăng gần gấp đôi do Trung Quốc tăng cường mua vào trong bối cảnh nước này đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. 

Giá tiêu Campuchia tăng gần gấp đôi nhờ sức mua lớn từ Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh: Khmer Times

Giá tiêu của Campuchia tăng sau khi có thông tin giá tiêu của Việt Nam tuần trước tăng tới 30% so với thời điểm trước đó một tháng lên hơn 2 USD/kg.

Ông Mak Ny, Chủ tịch Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia cho biết nhu cầu tăng cao ở thị trường Trung Quốc và Việt Nam đã tác động lớn đối với thị trường tiêu của Campuchia.

“Giá tiêu tại thị trường trong nước đang ở mức 2,67 USD/kg, tăng từ mức 1,46 USD/kg”, ông Mak Ny cho biết.

Vị này thông tin thêm năm ngoái giá tiêu chỉ ở mức khoảng 1,7 - 2,2 USD/kg và người dân phải chịu lỗ do chi phí đã lên tới 2,5 USD/kg.

“Giá tiêu quá thấp khiến một số hộ phải bỏ vườn”, ông Mak Ny nói. 

Ông Por Koung, CEO của công ty sản tiêu organic  Orchel Farm Co cho biết có tới 80% người nông dân trồng tiêu phải bỏ loại cây này do phải chịu thua lỗ.

Phần lớn tiêu của Campuchia được bán sang Việt Nam

Ông Chan Sophal, một chuyên gia về kinh tế nông nghiệp cho biết ngành tiêu của Campuchia phụ thuộc rất lớn vào thương lái của Việt Nam. Nếu giá tiêu tại Việt Nam tăng kéo theo nhu cầu thu mua tiêu tại Campuchia tăng theo, tác động lớn đến người nông dân.

Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Tấn Hiên Phó TGĐ Công ty Cổ phần TM DV XNK Trân Châu, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết tiêu của Campuchia chủ yếu được thương lái Việt Nam mua rồi bán sang Trung Quốc. 

“80 - 85% tiêu của Campuchia được thương lái Việt Nam mua lại rồi bán đi”, ông Hiên nói. 

Tuy nhiên, ông Hiên cho biết thêm hiện nay Trung Quốc đã ngừng mua từ thời điểm giá tiêu ở Việt Nam tăng mạnh. Thậm chí họ còn bán ngược trở lại những lô hàng đã mua trước đó để kiếm lời.

Theo Liên đoàn Hồ tiêu và Gia vị Campuchia sản lượng tiêu của nước này hàng năm đạt 20.000 tấn và phần lớn được xuất khẩu sang Việt Nam. 

Ông Sophal cho biết hiện mùa vụ tiêu của Campuchia đang đối mặt với hạn hán và có thể năng suất năm nay sẽ không cao.  Trong khi đó, tồn kho trong tháng 3 và 4 gần như đã bán hết do giá quá thấp. 

Theo Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia hạt tiêu của nước này được xuất khẩu sang 13 thị trường trong 4 tháng đầu năm 2020 với số lượng khoảng 2.250 tấn. 

Sản lượng tiêu toàn cầu hàng năm tăng khoảng 8% trong khi tốc độ tăng trưởng tiêu thụ chỉ khoảng 2%.

Do đó, về dài hạn, giá tiêu khó lòng phục hồi như trước đây, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VPA cho biết.

Trên thực tế, giá tiêu Việt Nam thời gian gần đây đã có dấu hiệu giảm. Theo dữ liệu từ tintaynguyen.com, hôm thứ Bảy (30/5), giá tiêu tại Vũng Tàu giảm còn 56.000 đồng/kg, sau khi lập đỉnh 60.000 đồng/kg, mức giá được nhìn thấy lần cuối vào tháng 11/2018.

Tại Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai giá tiêu giảm 4.000 đồng/kg xuống 52.000 - 55.000 đồng/kg. Đồng Nai giảm ít hơn, 3.000 đồng/kg, xuống 54.000 đồng/kg.

Tính đến sáng ngày 3/6, giá tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4.000 đồng/kg giảm xuống 51.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Bình Phước giảm xuống 4.500 đồng/kg xuống mức 50.500 đồng/kg.

Ông Mak Ny cho biết Campuchia đang gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với Việt Nam. Trong khi Việt Nam có những đối tác mua hàng lớn thì Campuchia khó lòng thỏa thuận trực tiếp với bên mua.

“Một số yếu tố khác như chi phí logistic vẫn cao hơn so với Việt Nam cũng ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của chúng tôi. Do đó, chúng tôi mong muốn chính phủ hỗ trợ ngành tiêu giống như ngành gạo để cải thiện tình hình”, ông Mak Ny nói. 

H.Mĩ