Giá quặng sắt, giá đồng lao dốc vì lo sợ 'bom nợ' Evergrande vỡ tung
Thị trường hàng hóa chao đảo
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại công ty thương mại hàng hóa The Price Futures Group, cho biết những lo sợ không dứt quanh "bom nợ" Evergrande đang "làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc, từ đó có thể gây áp lực đối với rất nhiều hàng hóa mà nước này tiêu thụ".
Hôm 20/9, trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), giá quặng sắt 62% Fe dự kiến giao đến Trung Quốc vào tháng 12 năm nay có lúc dao động quanh mức 91,75 USD/tấn, giảm 8,3%. Theo dữ liệu của Dow Jones, tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá của hợp đồng quặng sắt này đã lao dốc khoảng 37%.
Giá đồng giao tháng 12 mất 3,1% xuống còn khoảng 4.115 USD/tấn và tính từ đầu tháng 9 thì giá đã sụt giảm khoảng 6%. Trái ngược với quặng sắt và đồng, giá vàng - kim loại được cho là tài sản trú ẩn trong thời kỳ bất ổn, lại được đà tăng lên.
Cùng phiên giao dịch ngày 20/9, giá dầu thô thế giới cũng lao dốc. Giá dầu WTI giao tháng 10 mất 1,68 USD, tương đương 2,3%, xuống còn khoảng 70,29 USD/thùng; còn giá dầu Brent giao tháng 11 tụt khoảng 1,9% xuống còn 73,92 USD/thùng.
Rủi ro khó lường cho các kim loại công nghiệp
Chủ tịch Adam Koos của Libertas Wealth Management Group cảnh báo: "Nếu Evergrande hoàn toàn sụp đổ, cán cân cung - cầu trên thị trường kim loại có thể bị lũng đoạn".
Các nhà đầu tư đang "tự hỏi liệu đây có phải là sự kiện chỉ xảy ra một lần hay không", ông Koos chia sẻ với MarketWatch. "Nếu các công ty bất động sản khác cũng công bố những thông tin tồi tệ như vậy, thị trường tài chính Trung Quốc có thể rơi vào hoảng loạn, có nguy cơ tạo ra một cuộc bán tháo thảm họa".
Ông Jay Hatfield, CEO kiêm nhà sáng lập của hãng tư vấn Infrastructure Capital Advisors, nhận định rằng nếu Evergrande vỡ nợ, có thể nền kinh tế tỷ dân sẽ chững lại trong năm 2022.
"Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô và quặng sắt lớn nhất thế giới, vì vậy bất kì nguy cơ suy thoái kinh tế nào ở nước này đều sẽ làm giảm nhu cầu đối với những mặt hàng đó", ông Hatfield tiếp tục.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bê bối nợ của Evergrande có thể khiến thị trường nhà ở trở nên thận trọng hơn, hoạt động xây dựng từ đó sẽ sụt giảm và nhu cầu đối với các kim loại công nghiệp sẽ đi xuống, chiến lược gia Rob Haworth của U.S. Bank Wealth Management giải thích rõ hơn.
Dù vậy, nhà phân tích Flynn của The Price Futures Group cho rằng "còn quá sớm để gọi đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng" và thị trường có thể đang làm quá rủi ro đối với nhu cầu hàng hóa công nghiệp. "Chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết rõ cục diện", ông Flynn nhấn mạnh.
Evergrande hiện có khoảng 300 tỷ USD nợ phải trả, nhiều hơn bất kỳ công ty bất động sản nào trên thế giới. Ngày 23/9 tới, "chúa nợ" này phải thanh toán 83,5 triệu USD tiền lãi trái phiếu. Nếu không trả được trong vòng 30 ngày thì ông lớn bất động sản Trung Quốc có thể phải tuyên bố vỡ nợ.
Ngoài ra, trong cùng ngày, Evergrande còn cần phải thanh toán một khoản nợ trị giá 232 triệu nhân dân tệ (tương đương 36 triệu USD) cho lượng trái phiếu phát hành trong nước.
Theo chuyên gia Flynn, một trong những câu hỏi lớn nhất lúc này là liệu "khoảnh khắc Lehman" có tái hiện và liệu Bắc Kinh có thể kiềm chế hậu quả từ cuộc khủng hoảng mà Evergrande tạo ra hay không.
Hôm 20/9, đà bán tháo không chỉ dừng lại ở thị trường hàng hóa mà còn lan rộng trên thị trường tài chính toàn cầu. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong có thời điểm giảm hơn 3%, dẫn đầu là các công ty bất động sản. Các chỉ số chứng khoán ở Đức và Italy có lúc mất hơn 2%, trong khi S&P 500 tụt khoảng 1,7%, là mức giảm mạnh nhất trong 4 tháng.
Mức giá trung bình của các trái phiếu đồng USD được xếp hạng rác từ nhiều doanh nghiệp Trung Quốc giảm mạnh nhất trong khoảng một năm.