Giá lúa gạo hôm nay 7/6: Một số giống lúa điều chỉnh trái chiều
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 8/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (7/6) đã có một số điều chỉnh mới so với hôm qua. Cụ thể, OM 5451 đang được thu mua với giá là 5.600 - 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Sau khi giảm 200 đồng/kg, Đài Thơm 8 điều chỉnh xuống mốc 5.700 - 5.900 đồng/kg. Trái lại, Nàng Hoa 9 tăng 100 đồng/kg lên mốc 5.900 - 6.100 đồng/kg.
Các giống lúa khác không ghi nhận biến động mới trong hôm nay. Theo đó, lúa IR 50404 đang có giá là 5.500 - 5.600 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, lúa OM 18 thu mua trong khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg, lúa Nhật giữ nguyên mức 8.000 - 8.500 đồng/kg và Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Cùng đi ngang trong hôm nay còn có các loại nếp. Trong đó, nếp AG (khô) giữ nguyên mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 7/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, đã nhiều tuần liền giá gạo không có biến động mới. Theo đó, gạo thường có giá 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Long An: Tập trung chăm sóc lúa Hè Thu 2022
Theo ghi nhận, vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn: Thời tiết bất lợi, giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao,... Những điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa và lợi nhuận của nông dân. Do đó, trước khi gieo sạ, nông dân đã phải “cân đo đong đếm” thật kỹ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, những ngày qua, tình hình sâu, bệnh bắt đầu xuất hiện: Bệnh đạo ôn lá có 7.252ha nhiễm, tăng 4.092ha so với tuần trước, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5 - 10%, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở hầu hết các huyện và thị xã Kiến Tường; rầy nâu có 2.350ha, tăng 2.280ha so với tuần trước, tập trung chủ yếu trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh ở huyện Mộc Hóa và Tân Thạnh.
Ngoài ra, còn có các đối tượng như sâu đục thân (835ha), ốc bươu vàng (672ha), bệnh cháy bìa lá (2.250ha), chuột (298ha), bọ trĩ (184ha), ngộ độc phèn (14ha),... xuất hiện trên lúa giai đoạn mạ - đẻ nhánh ở hầu hết các huyện, thị xã Kiến Tường và TP Tân An, theo báo Long An.
Ông Lê Văn Điệp (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 2,5ha lúa Hè Thu đang trong giai đoạn đẻ nhánh. Đây là giai đoạn rất dễ bùng phát bệnh nhưng do được hướng dẫn, khuyến cáo từ ngành chức năng nên tôi chủ động phun thuốc để phòng bệnh.”.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộc Hóa, ông Lê Văn Tùng thông tin, hiện nay, diện tích lúa Hè Thu toàn huyện là trên 21.000ha (đạt 98,5% kế hoạch), các trà lúa hầu hết ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh.
Vụ này, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, trong khi giá lúa vẫn "giậm chân tại chỗ". Ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo người dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và tăng cường ứng dụng các loại phân hữu cơ vào sản xuất để vừa cải tạo đất, vừa giảm chi phí.
Trước nhiều yếu tố bất lợi cho sản xuất lúa vụ Hè Thu, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả và giảm tối đa các chi phí.
Ðặc biệt, các địa phương đã hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua các buổi tập huấn, mô hình cụ thể nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng hạt lúa, tăng lợi nhuận.
Mặt khác, tăng cường hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi các diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả trong vụ Hè Thu sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng tốt hơn.
Ðể nâng cao hiệu quả sản xuất trong vụ Hè Thu 2022, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Thanh Truyền đề nghị các địa phương cần vận động nông dân chủ động chuyển đổi cây trồng trên nền lúa kém hiệu quả.
Ðối với những nơi không xuống giống được vụ màu, cần khuyến cáo, hướng dẫn nông dân chủ động vệ sinh đồng ruộng và làm đất ngay sau thu hoạch lúa để bảo đảm thời gian cách ly giữa vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu ít nhất 3 tuần.
Các hộ dân cần thực hiện cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng, giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ, chú ý lựa chọn các giống lúa phù hợp trên từng cánh đồng, trong đó tập trung sản xuất các giống lúa cho gạo chất lượng cao để tạo thuận lợi về đầu ra và tăng cường kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ ngay từ đầu vụ.