Giá lúa gạo hôm nay 6/6: Tiếp tục không biến động trong ngày đầu tuần
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 7/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (6/6) tiếp tục chuỗi ngày đi ngang. Cụ thể, lúa IR 50404 đang có giá là 5.500 - 5.600 đồng/kg, OM 5451 neo trong khoảng 5.600 - 5.800 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 có giá 5.900 - 6.100 đồng/kg, lúa OM 18 thu mua trong khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg, Nàng Hoa 9 hiện có giá 5.900 - 6.000 đồng/kg, lúa Nhật giữ nguyên mức 8.000 - 8.500 đồng/kg và Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg.
Cùng với đó, giá các loại nếp vẫn chững lại ở mức giá cũ. Trong đó, nếp AG (khô) giữ nguyên mốc 7.600 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 6/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, giá gạo ổn định và hầu như không điều chỉnh trong suốt thời gian qua. Theo đó, gạo thường có giá 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Sản xuất ở ĐBSCL, những trở ngại: Liên kết trên cánh đồng lớn nhưng chưa hiệu quả
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm lớn nhất cả nước, được thiên nhiên ưu đãi và có nhiều lợi thế về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Ở nơi được xem vựa lúa cả nước, nhờ đất đai phì nhiêu, đồng ruộng bạt ngàn “cò bay thẳng cánh”, với hàng trăm năm định hình nghề trồng lúa nước của hàng triệu nông dân.
Tuy nhiên, trải qua quá trình lịch sử kiến tạo và phát triển kinh tế xã hội, quy mô sản xuất nông hộ trên trên đơn vị diện tích đất đã dần thu hẹp lại. Trên tổng diện tích đất trồng lúa của cả vùng khoảng 1,5 triệu ha, diện tích bình quân nông hộ có đất trồng lúa chỉ khoảng 0,4 - 0,5 ha/hộ.
Đất sản xuất lúa cắt xẻ thành ra nhiều thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ. Từ đó dẫn đến nhiều trở ngại khi triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và kết quả năng suất, chất lượng nông sản không đồng đều, hiệu quả sản xuất chưa đạt như kỳ vọng, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Tháng 3/2011, Bộ NN&PTNT chính thức phát động phát triển cánh đồng lớn trong sản xuất lúa gạo theo xu hướng liên kết, doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đây được xem là một trong những giải pháp cốt lõi nhằm nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, khắc phục yếu điểm sản xuất nhỏ lẻ.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế nông nghiệp, trong những năm đầu thực hiện liên kết sản xuất phát triển cánh đồng lớn ở ĐBSCL là khá thành công. Mô hình mới không chỉ tăng số lượng, hợp đồng tiêu thụ lúa gạo mà chất lượng lúa gạo cũng tăng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, dù cho những năm phong trào liên kết sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn phát triển rầm rộ, nếu tính cả số doanh nghiệp thành viên trong Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) ký kết hợp đồng riêng lẻ với các hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương, tổng diện tích cánh đồng lớn ở ĐBSCL vẫn chưa vượt 200.000ha.
Những năm sau này, các địa phương luôn khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp liên kết sản xuất nhưng tiến trình phát triển xây dựng cánh đồng lớn có dấu hiệu chậm lại, không tăng lên được nhiều hơn.
Một cán bộ Sở NN&PTNT Sóc Trăng nhận xét, điểm yếu nhất khiến cánh đồng lớn chậm mở rộng là từ khâu hợp đồng liên kết không chặt chẽ. Mặc dù có ký kết đàng hoàng nhưng điều khoản lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc về mặt pháp lý nên dần dà về sau hợp đồng xem ra giản lược dần.
Phần nhiều cách thức hợp đồng tiêu thụ lúa cuối vụ thường không ràng buộc, không đòi hỏi nhiều vào điều kiện kỹ thuật canh tác, yêu cầu thu hoạch nên một trong hai bên rất dễ viện cớ dẫn tới đổ bể, không thực hiện như cam kết ban đầu.
Mặt khác, tính liên kết sản xuất kém bền vững, còn tùy theo tình hình thị trường lúa gạo tiêu thụ mạnh - yếu, vụ lúa Đông Xuân hay Hè Thu nên số doanh nghiệp tham gia nhiều hay ít. Như trên địa bàn TP Cần Thơ tập trung trên 40 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo quy mô lớn lớn, nhưng hiện chỉ có 20 doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp buôn bán vật tư nông nghiệp) thường xuyên tham gia liên kết sản xuất, đa phần dưới dạng hợp đồng mua bán, tiêu thụ sản phẩm cuối vụ.
Vì lẽ đó, cho dù nhiều địa phương đã hình thành được hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân muốn nâng cao quy mô sản xuất lúa trên cánh đồng lớn hiện vẫn đối mặt tình trạng thụ động chờ doanh nghiệp liên kết theo thời vụ. Làm thế nào doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác của nông dân tìm gặp tiếng nói chung, giữ chữ tín và cùng phân chia lợi ích hài hòa, cùng chia sẻ rủi ro, để hướng tới làm ăn lâu bền còn cần thời gian trả lời.