Giá lúa gạo hôm nay 23/6: Giá lúa, nếp tiếp tục chững lại, gạo thành phẩm tăng 100 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 24/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (23/6) hầu như không có điều chỉnh mới. Theo đó, lúa IR 50404 đang có giá là 5.500 - 5.650 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá niêm yết là 5.800 - 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 dao động trong khoảng 5.900 - 6.200 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Giá các loại nếp tiếp tục ổn đinh. Theo đó, nếp AG (khô) có giá là 7.500 - 7.600 đồng/kg, nếp Long An (khô) đi ngang ở mốc 7.500 đồng/kg, nếp ruột neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 23/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại và duy trì ổn định. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.200 - 8.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400 đồng/kg, cám khô giữ ở mức 8.900 – 9.100 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại chợ An Giang chưa có thay đổi cụ thể nào được ghi nhận. Giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg và cám với giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Long An: Chia sẻ khó khăn với nông dân, duy trì chuỗi sản xuất
Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và biến động của thị trường, nông dân và các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tất cả đều đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để duy trì chuỗi cung ứng nông sản, thích nghi với tình hình mới.
Cùng với những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và giá vật tư đầu vào thì thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng đã tác động không nhỏ đến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân, theo báo Long An.
Trước yêu cầu thực tiễn, ngành NN&PTNT huyện đã bám sát kế hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu theo hướng hàng hóa tập trung đối với các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế. Đồng thời, ngành tăng cường công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn trên địa bàn huyện; thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị, hội thảo để tạo sự kết nối giữa các siêu thị và đơn vị sản xuất, tạo tiếng nói chung, tiến tới hợp tác lâu dài, bền vững.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 DN tham gia thực hiện cánh đồng lớn trong vụ Hè Thu 2022 với diện tích thực hiện bao tiêu trên 9.304ha. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 25 chuỗi rau, gạo, thịt gà, thịt heo, thủy sản an toàn.
Các DN, HTX tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản an toàn nên đều chủ động trong việc nâng cấp điều kiện trang thiết bị, nhà sơ chế, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, các DN, HTX cũng cần truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thông qua tem nhận diện quét mã QR và hình ảnh logo chuỗi kiểm soát an toàn để nâng cao uy tín cho DN, HTX và xây dựng thương hiệu cho nông sản.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất, HTX xây dựng nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Thực hiện các hoạt động xúc tiến tổng hợp tiêu thụ nông sản bằng nhiều hình thức phong phú.
Tuy nhiên, quy mô sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của tỉnh gắn với phát triển các chuỗi liên kết sản xuất còn nhỏ, lẻ nên chưa tạo được chuỗi giá trị kinh tế của sản phẩm bền vững. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân và DN chưa chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với DN.
Do đó, các địa phương cần tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; đồng thời, phối hợp các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cách thức tổ chức sản xuất cho người dân và thường xuyên đánh giá, dự báo thị trường cung - cầu hàng hóa nông sản để điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh.
Song song đó, giữa DN, HTX và người dân cần bảo đảm lợi ích hài hòa, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng; cùng nhau chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần chú trọng thực hiện quy hoạch đất đai để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thu hút DN đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho các HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường để làm cầu nối liên kết giữa nông dân với DN.
Để các chuỗi cung ứng nông sản không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các DN, HTX cần chú trọng xây dựng theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom, chế biến và phân phối, tiêu thụ đều phải được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc, từ đó mới bảo đảm tính bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Từ nay đến cuối năm, dự báo sản xuất nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để tránh tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản, thực phẩm cho thị trường, nhất là vào dịp cuối năm, nông dân, HTX và DN cần nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển.