Giá lúa gạo hôm nay 24/6: Thị trường tiếp tục chững giá trên diện rộng
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 27/6
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (24/6) tiếp tục đi ngang. Cụ thể, lúa IR 50404 đang có giá là 5.500 - 5.650 đồng/kg, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá niêm yết là 5.800 - 6.000 đồng/kg, Nàng Hoa 9 dao động trong khoảng 5.900 - 6.200 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang với giá 11.500 - 12.000 đồng/kg, lúa Nhật có giá là 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Giá các loại nếp hôm nay đi ngang trên diện rộng. Theo đó, nếp AG (khô) có giá là 7.500 - 7.600 đồng/kg, nếp Long An (khô) đi ngang ở mốc 7.500 đồng/kg, nếp ruột neo trong khoảng 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 24/6 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm không có biến động. Hiện giá gạo NL IR 504 ở mức 8.200 - 8.300 đồng/kg; gạo thành phẩm 8.800 – 8.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá tấm IR 504 đứng ở mức 8.400 đồng/kg, cám khô giữ ở mức 8.900 – 9.100 đồng/kg.
Giá gạo bán lẻ tại chợ An Giang không ghi nhận điều chỉnh mới. Giá gạo thường hiện neo tại mốc 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg và cám với giá là 7.000 - 8.000 đồng/kg.
Cần Thơ: Diệt chuột theo hướng an toàn để bảo vệ mùa màng
Những năm gần đây, do nước lũ về ít, sản xuất lúa và nhiều loại cây trồng diễn ra liên tục, tạo nơi ẩn nấp và nguồn thức ăn dồi dào để chuột sinh sôi nảy nở. Đồng thời đường giao thông phát triển gắn với các hệ thống đê bao thủy lợi để sản xuất lúa 3 vụ cũng tạo thuận lợi cho chuột có nhiều nơi để đào hang ẩn nấp, rất khó tiêu diệt chúng...
Anh Võ Minh Thành ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, cho biết: "Hiện nay, nhiều khu vực trồng cây ăn trái và hệ thống đường giao thông, đê bao thủy lợi nằm liền kề và đan xen với các cánh đồng lúa nên chuột có nhiều nơi để ẩn nấp, cắn phá lúa. Tôi có 7 công ruộng, phải thường xuyên diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy chuột, tổ chức săn bắt chuột vào các thời điểm thu hoạch lúa hay dùng thuốc chuột trộn bả mồi đặt xung quanh ruộng để diệt chuột. Đối với cây lúa, chuột không chỉ cắn phá lúa ở giai đoạn mới sạ mà khi lúa chuẩn bị trổ và lúc gần chín, chuột cũng cắn phá rất dữ, có thể gây thiệt hại lớn về năng suất nếu không chủ động phòng trừ chúng".
Chuột không chỉ cắn phá lúa mà chúng còn cắn phá nhiều loại rau màu, cây ăn trái như dưa, gương sen, nhãn, xoài, mãng cầu sắp thu hoạch, dừa, chuối... Dù chuột đồng là nguyên liệu chế biến nhiều món ăn ngon, giá thịt chuột ở mức khá cao, tạo điều kiện để người dân săn bắt. Tuy nhiên, chuột là loài sinh sản rất nhanh theo cấp số nhân, có khả năng di trú, ẩn trú và đi kiếm ăn rất xa, lại rất tinh khôn nên khó tiêu diệt chúng, theo báo Cần Thơ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, những năm gần đây, chuột là đối tượng gây hại thường xuyên đối với nhiều loại cây trồng. Để tránh tình trạng nông dân sử dụng xung điện và các chất độc kết hợp với dầu nhờn để diệt chuột, ngành Nông nghiệp thành phố đã thường xuyên khuyến cáo cho bà con tuyệt đối không diệt chuột bằng những cách nguy hiểm này.
Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp vệ sinh đồng ruộng, bờ bao, bờ vườn xung quanh, đồng thời tổ chức diệt chuột theo hướng cộng đồng, diệt chuột đồng loạt trên diện rộng và thực hiện nhiều giải pháp như đặt bẫy, săn bắt chuột theo truyền thống... Thường xuyên hướng dẫn các cán bộ kỹ thuật nông nghiệp ở các địa phương và nông dân về các giải pháp diệt chuột hiệu quả, an toàn.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng trừ chuột và phối hợp với các quận, huyện triển khai nhiều hoạt động tập huấn, hỗ trợ cho nông dân. Đặc biệt, chú ý tập huấn cho cán bộ kỹ thuật tại địa phương; tập huấn nhóm nông dân về quy trình phòng trừ chuột, cách diệt chuột bằng những biện pháp an toàn và hiệu quả.
Đồng thời, hỗ trợ bẫy lồng trừ chuột cho nông dân tại 8 quận huyện (trừ quận Ninh Kiều), với tổng cộng khoảng 2.000 bẫy; hỗ trợ 120kg thuốc trừ chuột sinh học. Thực hiện xây dựng mô hình làm bẫy cây trồng để trừ chuột tại 4 quận, huyện có chuột gây hại nhiều... Qua đó, nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong phòng trừ chuột theo hướng cộng đồng, phối hợp nhiều biện pháp hiệu quả.
Những năm qua, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các địa phương cũng đã huy động cả cộng đồng cùng tham gia phòng trừ chuột, thực hiện thường xuyên, liên tục bằng nhiều biện pháp kết hợp hiệu quả, an toàn. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn và in phát các tài liệu hướng dẫn phòng trừ chuột.
Đồng thời, khuyến cáo người dân không diệt chuột bằng các biện pháp bị nghiêm cấm như dùng điện, nhớt pha thuốc trừ sâu hay các loại thuốc nằm ngoài danh mục cho phép nhằm tránh gây nguy hiểm cho con người và ô nhiễm môi trường. TP Cần Thơ cũng có nhiều hỗ trợ cần thiết cho nông dân, cụ thể như hỗ trợ bẫy chuột, thuốc sinh học và thực hiện mô hình bẫy cây trồng để diệt chuột trên quy mô lớn.