Giá lúa gạo hôm nay 20/4: Biến động 100 - 150 đồng/kg tại một số giống lúa và nếp
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (20/4) có xu hướng tăng trở lại trên một số giống lúa được khảo sát. Theo đó, lúa Đài thơm 8 tăng 100 đồng/kg lên khoảng 5.800 - 5.900 đồng/kg. Các giống lúa khác không ghi nhận biến động mới, lúa IR 50404 giữ nguyên ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg, Nàng Hoa 9 thu mua tại mốc 5.900 - 6.000 đồng/kg, Nàng Nhen (khô) đi ngang ở mức 11.500 - 12.000 đồng/kg và lúa Nhật có giá từ 8.000 - 8.500 đồng/kg.
Các giống lúa OM tiếp tục đi ngang trong thứ Tư này. Cụ thể, OM 5451 giữ nguyên trong khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg, OM 380 duy trì giá 5.500 - 5.600 đồng/kg và OM 18 giữ mốc 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Giá nếp hôm nay có một số thay đổi so với hôm qua. Trong đó, giá nếp AG (tươi) điều chỉnh giảm 150 đồng/kg xuống còn 5.600 - 5.700 đồng/kg. Trong khi đó, nếp Long An (tươi) và nếp ruột giữ nguyên giá thu mua, lần lượt có giá là 5.600 - 5.850 đồng/kg và 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 20/4 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Giá gạo hôm nay tại chợ An Giang không biến động. Gạo thơm Jasmine đang có giá là 15.000 - 16.000 đồng/kg, Sóc thường tiếp tục giữ mốc 13.500 - 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài đi ngang khi thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo nàng Nhen duy trì ở mốc 20.000 đồng/kg, gạo Hương Lài chững lại, giữ mức 19.000 đồng/kg và gạo trắng thông dụng đang có giá 14.000 đồng/kg.
Chi phí phân bón tăng đe dọa nguồn cung gạo thế giới
Chi phí phân bón tăng cao khiến nông dân trồng lúa trên khắp châu Á đang phải thu hẹp diện tích sản xuất lúa, theo báo Nông nghiệp Việt Nam.
Đây là một động thái được các chuyên gia lương thực nhìn nhận đang có nguy cơ đe dọa mùa màng của một loại lương thực quan trọng đang nuôi sống một nửa nhân loại, và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện nếu giá cả không được kiềm chế.
Việc nông dân sử dụng phân bón tiết giảm đồng nghĩa với cả diện tích và sản lượng lúa đều sụt giảm, trong bối cảnh giá cả tất cả các loại lương thực trên thế giới đều tăng cao.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) dự đoán rằng sản lượng lúa gạo toàn cầu có thể giảm 10% trong vụ mùa tới, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt 36 triệu tấn gạo, hoặc tương đương với việc mất đi nguồn cung lương thực cho 500 triệu người.
Giá phân bón vẫn đang tăng trên toàn cầu do nguồn cung eo hẹp cộng với nhiều yếu tố bất lợi trong sản xuất và nhất là diễn biến xung đột giữa Nga và Ukraine, làm gián đoạn dòng chảy thương mại của mọi loại chất dinh dưỡng chính cho cây trồng.
Chi phí phân bón tăng cao đang đe dọa gây ra lạm phát lương thực toàn cầu một khi nông dân tiếp tục cắt giảm và dẫn đến năng suất cây trồng bị ảnh hưởng. Nếu điều đó xảy ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu có khả năng bị tác động mạnh: Trên thực tế, tất cả chuỗi lương thực- thực phẩm của nhân loại đều không thể thiếu vắng sự hỗ trợ của phân bón.
Theo IRRI, nông dân trồng lúa đang ở trong tình thế “đặc biệt dễ bị tổn thương”. Không giống như lúa mì và ngô, vốn đã chứng kiến giá cả tăng vọt do chiến tranh tác động nguy hiểm đến vựa lúa mì lớn trên thế giới, giá gạo thế giới vẫn khá bình ổn, thậm chí giảm do sản lượng dồi dào và việc dự trữ tương đối tốt. Điều đó có nghĩa là người trồng lúa đang phải đối phó với chi phí vật tư đầu vào tăng cao, trong khi họ lại không thu được lợi nhuận nhiều hơn.
Ông Nguyễn Bình Phong, chủ một đại lý phân bón và thuốc trừ sâu ở tỉnh Kiên Giang, địa phương sản xuất lúa trọng điểm ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nói: Giá một bao phân urê loại 50kg đã tăng gấp ba lần trong năm qua.
Ông Phong còn cho biết, một số nông dân trong vùng đã cắt giảm sử dụng phân bón từ 10% đến 20% vì giá tăng cao, dẫn đến sản lượng lúa thấp hơn. “Khi nông dân tiết giảm phân bón, họ đã chấp nhận rằng sẽ thu được lợi nhuận thấp hơn”, ông Phong nói.
Các chính phủ ở châu Á, châu lục sản xuất nhiều lúa gạo nhất thế giới rõ ràng rất muốn tránh viễn cảnh này. Theo giới phân tích, việc giữ giá cả trong tầm kiểm soát là điều quan trọng đối với các chính trị gia, vì gạo vẫn được coi là loại lương thực chính của hàng trăm triệu người, đặc biệt là các nhóm có thu nhập thấp hơn.