Giá heo hơi rơi từ đỉnh xuống đáy, TP HCM sẽ thiếu thịt heo vào dịp Tết?
Giá heo hơi chạm đáy 2 năm, TP HCM sẽ thiếu cục bộ vào dịp Tết
Kể từ tháng 7, nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm mạnh, kéo giá heo hơi chạm đáy 2 năm.
Đến cuối tháng 9, nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội nhưng giá heo hơi vẫn rất thấp so với năm 2020.
Theo khảo sát ngày 27/9, giá heo hơi 3 miền dao động 43.000 – 53.000 đồng/kg, giảm 20 – 30% so với tháng 7 và giảm một nửa so với tháng 5/2020, thời kỳ giá heo hơi chạm mốc gần 100.000 đồng/kg.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết dù các địa phương nới lỏng nhưng các nhà hàng, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể vẫn chưa hoạt động trở lại trong khi đây là điểm tiêu thụ thịt lợn lớn ở các thành phố lớn. Do đó, giá heo hơi vẫn ở mức thấp.
"Bên cạnh đó, đầu ra bị "tắc" trong suốt 2 tháng qua khiến lượng heo trên 120kg tồn đọng khoảng 30% kéo giá heo hơi giảm sâu. Trong đó, miền Bắc, miền Nam chịu ảnh hưởng nặng nề hơn, còn giá heo miền Trung vẫn cao hơn 2.000 – 4.000 đồng/kg", ông Trọng nói.
Thời điểm này, người nuôi cần tái đàn gấp để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cho dịp Tết Nguyên đán. Nếu bước vào tháng 10 âm, người dân mới tái đàn thì có thể đến cuối năm có thể bán non khi heo đạt 70 – 80 kg vì nhu cầu Tết tăng 10 – 15%.
Khó khăn nhất vẫn ở TP HCM vì địa phương này chỉ chủ động được 5% thịt, phụ thuộc hoàn toàn vào các tỉnh lân cận. Do đó, nguy cơ TP HCM sẽ thiếu thịt heo cục bộ vào dịp Tết và giá heo hơi sẽ tăng trong thời gian ngắn.
Cũng theo đại diện Cục Chăn nuôi, hiện nay vấn đề vận chuyển, lưu thông không phải là vấn đề đáng ngại, song nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp khiến giá heo quá lứa trượt dốc trong thời gian này. Điều cần giải quyết sớm là tiêu thụ heo quá lứa để người dân tái đàn, đáp ứng nguồn cung cho Tết Nguyên đán.
Người nuôi lỗ tiền tỷ
Việc xuất chuồng heo quá lứa cũng cần thời gian, không thể ngày một ngày hai vì hoạt động kinh tế ở các địa phương vẫn chưa khôi phục hoàn toàn.
Heo đến tuổi không thể xuất chuồng, người nuôi phải tiêu tốn tiền triệu mỗi ngày nuôi cầm cự, cũng không đủ vốn và diện tích chuồng để tái đàn.
Người nuôi bỏ cuộc chơi khiến heo giống cũng tồn lại, buộc các trang trại sản xuất giống phải chuyển sang nuôi thương phẩm trong tâm trạng nơm nớp lo sợ.
Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đồng Tiến (Đăk Nông) cho biết HTX chuyên sản xuất heo giống nhưng tỉnh Đăk Nông chịu ảnh hưởng kép từ dịch tả heo châu Phi và dịch COVID-19 khiến các hộ dân giảm tái đàn, lượng giống heo tồn lại 1.800 con.
Trong bối cảnh giá heo giảm sâu, HTX vẫn phải sửa sang chuồng trại để nuôi thương phẩm 1.800 con heo dù biết nắm chắc phần lỗ trong tay, nhưng không còn cách nào khác.
Đến nay, đàn heo đã được 40 – 50 kg, chỉ chưa đầy 2 tháng nữa đàn heo sẽ đến ngày xuất chuồng. Các thành viên HTX vẫn mong mỏi hằng ngày giá heo sẽ lên nhưng càng mong, giá càng giảm.
Đặc biệt, tỉnh Đăk Nông không sẵn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu, đạm cá… Do đó, thức ăn cho heo phải nhập hoàn toàn từ doanh nghiệp trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng 8 – 9 lần, trung bình khoảng 4.000 đồng/kg.
Trong bối cảnh vật giá leo thang, giá heo hơi phải đạt mức 55.000 đồng/kg thì mới hòa vốn, chứ giá chỉ 43.000 – 50.000 đồng/kg, khoản lỗ hơn 1 tỷ đồng đang đè nặng các thành viên.
Ở các tỉnh ĐBSCL, gà, heo, cá tra đều đang rớt giá thảm hại. Cứ tình hình này, người dân sẽ rời bỏ ngành nông nghiệp vì lãi được 1 năm lại gồng lỗ cho 2 – 3 năm", ông Hưởng nói.
Trước mắt, ông Hưởng bắt đầu tìm kiếm các khách hàng ở địa phương, Đồng Nai, Bình Dương để tiêu thụ hơn 1.800 con heo.
Đại diện HTX Đồng Tiến xác định cho dù heo chỉ đạt 80 – 90 kg mà có khách ông cũng bán vì không ai lường trước được dịch COVID-19 sẽ diễn biến như thế nào, nếu không bán nhanh, đàn heo quá lứa, khó lưu thông lại càng khó tiêu thụ.
Hiện nay, HTX vẫn đang trích khoản lợi nhuận từ năm 2020 để chi trả, giảm lỗ cho năm 2021. Song nếu nguồn vốn lưu động không đủ, HTX sẽ phải vay ngân hàng để tiếp tục duy trì sản xuất.
Giá nguyên liệu giảm 40%, sao giá TACN vẫn tăng?
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 nhập khẩu ngô đạt 464 nghìn tấn, tương đương 142 triệu USD, giảm 60% về lượng và giá trị. Tương tự, trong tháng 8 nhập khẩu đậu tương đạt 113 nghìn tấn, trị giá gần 70 triệu USD, giảm 40% so với tháng 7.
Giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi này bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt, giảm khoảng 5% so với tháng trước. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, khiến người chăn nuôi khốn đốn.
Ông Hưởng cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ và công thức làm thức ăn chăn nuôi tốt nên họ có quyền áp giá và người chăn nuôi phải chịu.
"Muốn cho người dân ổn định nguồn thức ăn đầu vào thì Nhà nước cần giải quyết bài toán tự chủ nguyên liệu trong nước và doanh nghiệp Việt tự sản xuất", ông Hưởng nói.
HTX cũng rất nhiều lần thay đổi, chuyển sang dùng cám của doanh nghiệp Việt cho heo ăn nhưng xảy ra vấn đề chất lượng không đồng đều, thành phần biến động khi giá nguyên liệu tăng cao.
Cuối cùng, người chăn nuôi vẫn phải dùng thức ăn hỗn hợp của ông lớn nước ngoài và chịu giá cao.
Nói về điều này, ông Nguyễn Văn Trọng cho biết doanh nghiệp lý giải rằng giá nguyên liệu giảm nhưng giá thức ăn hỗn hợp chưa giảm do thời gian vừa rồi họ phải nhập nguyên liệu đắt, chưa kéo lại mức hòa vốn giai đoạn trước.
Mới đây, Thủ tướng đang xem xét việc giảm thuế nhập khẩu thức ăn song việc sửa đổi thuế có độ trễ mới đi vào thực tế.
"Ngày 1 ngày 2 không thể hạ thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo doanh nghiệp theo tinh thần chia sẻ với nông dân, còn rất khó khống chế giá vì nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi không phải mặt hàng bình ổn giá", ông Trọng nói.