Giá giảm mạnh, cà phê Việt tìm đường trở lại nội địa
Xuất khẩu cà phê thô là thiệt thòi lớn với người Việt? |
Giá cà phê giảm mạnh
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đưa dự báo, trong ngắn hạn, thị trường cà phê khó khởi sắc do Việt Nam chỉ một vài tuần nữa là bước vào vụ thu hoạch mới.
Số liệu từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho thấy, 9 tháng đầu năm 2018, giá cà phê trong nước tiếp tục biến động giảm mạnh với mức giảm 2.100 – 2.400 đồng/kg.
Giá cà phê xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1.913 USD/tấn, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện thị trường cà phê toàn cầu đang chịu áp lực dư thừa nguồn cung và nhu cầu mua thấp.
Tính riêng tháng 9.2018, thị trường cà phê trong nước biến động giảm theo xu hướng thị trường thế giới. So với tháng trước, cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 700 đồng/kg xuống còn 31.900 – 32.500 đồng/kg.
Thị trường cà phê đang chịu sức ép giảm giá rất lớn. Sản lượng cà phê thế giới tiếp tục tăng do được mùa ở cả Brazil, Việt Nam và các nước sản xuất cà phê lớn khác như Colombia, Ấn Độ, Indonesia...
Hơn nữa, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản đồng đô la đã dẫn đến đồng đô la mạnh lên so với đồng tiền của các nước xuất khẩu lớn, mà giao dịch cà phê trên thị trường thế giới được định giá bằng đô la, nên dẫn đến sức ép giảm giá cà phê.
Tìm cơ hội ở thị trường nội địa
Xuất khẩu ngày một khó, một số doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê đang nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, thị trường ngách, thì một số công ty chuyên xuất khẩu, trong đó có Công ty cổ phần Phúc Sinh, chọn cách trở lại thị trường nội địa, với tuyên bố 100% nguyên chất.
Tuy chọn hướng đi khác biệt, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho cà phê nguyên chất 100% không dễ. Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, cho biết: "Để có sản phẩm chất lượng tốt nhất, giá hợp lý, chúng tôi phải đầu tư sản xuất với chi phí không nhỏ".
“Chúng tôi đã có chiến lược cho người uống cà phê dùng thử và phân biệt hương vị cà phê pha với cà phê nguyên chất, từ từ ngấm và dẫn đến đổi "gu". Tất nhiên, con đường này không nhanh và dễ dàng", ông Thông nói.
Có thể chiến lược và kinh nghiệm 10 năm làm cà phê xuất khẩu không hỗ trợ nhiều cho Phúc Sinh tiếp cận thị trường nội địa. Công ty này mới chỉ bắt đầu phân phối vào hệ thống siêu thị trương nước từ hai năm gần đây, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc qua UTZ trên nhãn hiệu Kcoffee.
"Thế nhưng, ngon là ý kiến của mình, bán ra thị trường là một câu chuyện khác”, ông Thông cho biết, khi tiêu thụ nội địa của Phúc Sinh đến nay chỉ chưa đầy 1% so với lượng cà phê xuất khẩu.
Phúc Sinh vẫn áp dụng phương thức kinh doanh hiệu quả bằng chất lượng sản phẩm và uy tín trên thị trường thế giới. Ông Thông tin rằng đó là cách để Phúc Sinh hòa vốn vào 5 năm tới.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội cà phê Việt Nam, cả nước có hơn 150 doanh nghiệp xuất khẩu và 3.000 đại lý thu mua cà phê, nhưng chỉ 1/3 doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu.
Việt Nam, nước đứng thứ hai thế giới về cà phê phụ thuộc vào giá thị trường thế giới. Nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, chỉ 10% sản lượng cà phê của nước ta dùng để chế biến sâu tại thị trường trong nước, 90% còn lại là xuất khẩu thô ra thị trường thế giới.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu chiếm lĩnh thị trường cà phê nội địa của các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu là không dễ dàng. Khó khăn đến cả với Phúc Sinh, một công ty xuất khẩu 65.000-70.000 tấn cà phê mỗi một năm theo chuẩn châu Âu và Mỹ.