|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá đất hiếm Trung Quốc tăng vọt vì vai trò quan trọng trong cuộc chiến thương mại

20:29 | 06/06/2019
Chia sẻ
Giá đất hiếm của Trung Quốc dự kiến leo lên đỉnh nhiều năm theo sau một loạt hãng truyền thông quốc gia cho biết Bắc Kinh có thể vũ khí hóa sự thống trị nguồn cung các khoáng sản, được đánh giá cao trong cuộc chiến thương mại với Washington.

Đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố xuất hiện ở nồng độ thấp trong lòng đất, được sử dụng trong một loạt các sản phẩm từ laser và thiết bị quân sự đến nam châm tìm thấy trong thiết bị điện tử tiêu dùng.

Trung Quốc đã cung cấp 80% lượng đất hiếm cho Mỹ trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong tháng trước, các hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh có thể sử dụng nó làm đòn bẩy trong tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

"(Đất hiếm liên quan đến nam châm) là nguyên liệu lí tưởng để vũ khí hóa... vì chúng rất quan trọng đối với các ngành công nghiệp có nhu cầu cao, cạnh tranh cao, nhạy cảm về giá", ông Ryan Castilloux, giám đốc công ty tư vấn theo dõi thị trường đất hiếm Adamas Intelligence, cho hay.

"(Những kim loại đất hiếm như vậy) chiếm hơn 90% giá trị nhu cầu thị trường mỗi năm... (vì vậy chúng) sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất khi bị tác động", ông Cast Castoux trả lời qua email từ Toronto. Ông cho biết thêm giá đất hiếm dự kiến tiếp tục tăng.

Giá đất hiếm Trung Quốc tăng vọt vì vai trò quan trọng trong cuộc chiến thương mại - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Giá một loạt kim loại đất hiếm leo đỉnh

Giá kim loại dysprosi, được sử dụng trong nam châm, đèn công suất cao và thanh điều khiển hạt nhân, hiện được Asian Metal đánh giá ở mức cao nhất kể từ tháng 6 năm 2015, đạt 292,98 USD/kg.

Con số này tăng gần 14% kể từ ngày 20/5, thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm một nhà máy đất hiếm, theo đó dấy lên suy đoán các nguyên liệu có thể là mặt trận tiếp theo trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Giá kim loại neodymi, quan trọng đối với việc sản xuất một số nam châm được sử dụng trong động cơ và tuabin, đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái ở 63,25 USD?kg, tăng khoảng 30% kể từ ngày 20/5, theo Asian Metal.

Giá gadolini oxit, được sử dụng trong các thiết bị hình ảnh y tế và pin nhiên liệu, tăng 12,6% so với ngày 20/5 lên 27.841 USD/tấn, mức cao nhất trong 5 năm.

Asian Metal là một cơ quan nghiên cứu và báo cáo giá bao gồm các yếu tố đất hiếm.

Theo Helen Lau, một nhà phân tích tại Argonaut Securities ở Hong Kong, giá đất hiếm Trung Quốc bắt đầu biến động ngay sau khi Bắc Kinh công bố lệnh cấm nhập khẩu đối với đất hiếm từ Myanmar.

Hôm 13/5, tờ Securities Times đưa tin hải quan phía tây nam tỉnh Vân Nam cấm nhập khẩu đất hiếm từ quốc gia láng giềng Myanmar, nhà cung cấp chính của nguyên liệu đất hiếm trung bình, từ ngày 15/5.

"Tuy nhiên, một vài ngày sau đó, giá biến động mạnh - vì vậy điều đó chủ yếu là do khả năng vũ khí hóa của các loại đất hiếm này", bà Lau nói.

"Nếu Trung Quốc thực sự vũ khí hóa các loại đất hiếm, Mỹ sẽ không có đủ nguồn cung vì họ cần thời gian để xây dựng công suất xử lý riêng, vốn hiện tại là con số 0", bà nói thêm.

Một nhà phân tích khác cho hay 6 nhà sản xuất đất hiếm lớn tại Trung Quốc nắm giữ hàng tồn kho nhiều nhất trên thị trường giao ngay, mang lại cho họ quyền lực về giá.

6 nhà sản xuất lớn gồm China Minmetals Rare Earth, Chinalco Rare Earth & Metals, Guangdong Rising Nonferrous, China Northern Rare Earth Group, China Southern Rare Earth Group và Xiamen Tungsten.

Lyly Cao