Giá cổ phiếu biến động ra sao khi ở trong tâm điểm mua bán của khối ngoại?
Tính từ đầu năm đến hết phiên giao dịch 1/9, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ 32.600 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, khối ngoại bán ròng 46.437 tỷ qua kênh khớp lệnh và mua ròng 13.841 tỷ theo kênh thỏa thuận.
Giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 7,5% thanh khoản toàn thị trường.
Không phải cứ "bán ròng" là chắc chắn xấu còn cứ "mua ròng" là yếu tố tích cực, bởi thị trường là một hệ sinh thái cân bằng, phải có người mua thì mới có người bán. Khối ngoại bán ròng 32.600 tỷ đồng nghĩa với việc "khối nội" đã mua ròng 32.600 tỷ.
Top 10 mua/bán ròng của khối ngoại
Theo thống kê của Chứng khoán SSI, cổ phiếu VHM của Vinhomes là mã được nhà đầu tư ngoại gom nhiều nhất tính đến ngày 1/9 với giá trị 4.440 tỷ đồng. So với ngày đầu năm, giá VHM đã tăng gần 20%.
Cổ phiếu VIC của Vingroup – công ty mẹ của Vinhomes – lại bị bán ròng gần 3.200 tỷ, giá hiện thấp hơn 2% so với đầu năm.
Xét về kết quả kinh doanh, Vingroup không khả quan bằng Vinhomes. Nửa đầu năm nay, công ty con báo lãi sau thuế 15.781 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ và đứng thứ 2 toàn thị trường chứng khoán. Trong khi đó, công ty mẹ ghi nhận lãi thuần chỉ gần 1.500 tỷ, tăng 4,8%.
Chứng chỉ quỹ FUEVFVND cũng được gom thêm gần 3.300 tỷ. Theo dữ liệu từ Algo Platform, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tới trên 98% số chứng chỉ quỹ này.
Đây là quỹ mở do Dragon Capital quản lý, hoạt động theo chiến lược thụ động và mô phỏng biến động chỉ số VN Diamond. Chỉ số này hiện có 18 cổ phiếu thành viên gồm các bluechip như ACB, CTG, MWG, FPT, PNJ, ...
Cổ phiếu PLX của Petrolimex cũng được mua ròng hơn 1.400 tỷ, chủ yếu đến từ việc cổ đông chiến lược ENEOS Corporation (Nhật Bản) mua vào tổng cộng 58 triệu đơn vị, hấp thụ toàn bộ ba đợt bán cổ phiếu quỹ của Petrolimex. Giá PLX hiện nay thấp hơn so với các mốc một, ba, sau tháng cũng như ngày đầu năm 2021.
Ba mã ngân hàng nằm trong top 10 mua ròng của khối ngoại là STB của Sacombank (thứ 2), HDB của HDBank (thứ 9) và OCB của Ngân hàng Phương Đông (thứ 10). Cả ba đều tăng giá so với 6 tháng trước với tỷ lệ từ 24 đến 42%.
Các cổ phiếu này được gom thêm bất chấp việc ngành ngân hàng nói chung bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 11.800 tỷ trong hơn 8 tháng đầu năm nay, xả mạnh nhất là CTG của VietinBank (gần 7.000 tỷ), VPB của VPBank (hơn 5.800 tỷ) và BID của BIDV (gần 1.300 tỷ).
Nhóm cổ phiếu kim loại thậm chí còn bị nhà đầu tư nước ngoài xả mạnh hơn so với nhóm ngân hàng với giá trị gần 12.900 tỷ, số liệu từ Algo Platform cho thấy.
Riêng đại gia thép Hòa Phát (Mã: HPG) đã bị bán ròng 12.936 tỷ, đứng đầu toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Khối ngoại từng mua ròng HPG trong tháng 7 nhưng sang tháng 8 đã xả trở lại và triệt tiêu kết quả của tháng 7.
Trong top 10 giá trị mua ròng, chỉ có một mã hiện có giá thấp hơn so với đầu năm là PLX của Petrolimex. Trong khi đó ở top 10 bán ròng, có tới 4 mã giảm giá so với đầu năm là VNM của Vinamilk, VIC của Vingroup, POW của PV Power và BID của BIDV.
Nếu tính thêm cả những khung thời gian một, ba và sáu tháng, màu đỏ chỉ xuất hiện 14 lần ở top 10 mua mua ròng nhưng lại xuất hiện tới 20 lần ở nhóm 10 mã bị xả mạnh. Dù vậy, vẫn có những ngoại lệ mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư như HPG, VCI, VPB.