Khối ngoại quay lại bán ròng trong tháng 8, rút 32.000 tỷ đồng khỏi thị trường kể từ đầu năm
Sau nhịp điều chỉnh mạnh từ giữa tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự hồi phục trong nửa đầu tháng 8. Chỉ số dần dần lấy lại mốc 1.370 điểm nhưng nhanh chóng biến động trước tâm lý chốt lời của nhà đầu tư.
Đóng cửa tháng 8, chỉ số trên sàn HOSE hồi phục 21,42 điểm (tương đương 1,64%) lên mức 1.331,47 điểm. Diễn biến tích cực hơn, HNX-Index tăng 27,96 điểm (8,88%) lên 342,81 điểm còn UPCoM-Index tăng 6,84 điểm (7,87%) lên 93,77 điểm.
Đồng thuận với đà tăng trở lại của chỉ số, thanh khoản bình quân tại HOSE trong tháng qua đạt 23.397 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 7 và là tháng có thanh khoản lớn thứ hai trong lịch sử sau tháng 6/2021.
Là bộ phận nhà đầu tư đông đảo nhất trên thị trường, các cá nhân trong nước cũng có tháng mua ròng lớn thứ hai kể từ đầu năm hơn 12.180 tỷ đồng tại HOSE, trong đó mua khớp lệnh 11.195 tỷ đồng, chỉ sau tháng 3/2021.
Trái ngược với cá nhân, khối ngoại quay lại xả ròng trong tháng 8 sau khi tạm nghỉ trong tháng 7. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong 6/8 tháng của năm 2021, với tổng giá trị rút ròng đạt mức kỷ lục 32.005 tỷ đồng trên HOSE từ đầu năm đến nay.
Theo thống kê từ FiinPro, khối ngoại bán ròng 12/18 ngành qua kênh khớp lệnh. Nhóm này tiếp tục rút ròng mạnh nhất khỏi nhóm cổ phiếu bất động sản với giá trị 4.785 tỷ đồng. Đây là nhóm thu hút hơn 61% lực xả trong tháng 8.
Dòng tiền khối ngoại cũng đồng thời đảo chiều tại hai nhóm thực phẩm & đồ uống, dịch vụ tài chính khiến hai nhóm này lần lượt bị rút ròng 1.977 tỷ đồng và 816 tỷ đồng.
Bên phía mua ròng, cổ phiếu của các nhà băng bất ngờ thu hút hơn 1.283 tỷ đồng. Thống kê tại thời điểm cuối tháng 8, tổng giá trị vốn hóa ngành đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, giảm hơn 184.000 tỷ so với cuối tháng 5. Tỷ trọng vốn hóa so với toàn thị trường cũng giảm từ xấp xỉ 29% xuống còn 25,4%, tuy vẫn là nhóm ảnh hưởng lớn nhất tới chỉ số.
Tại HOSE: Khối ngoại quay lại bán ròng 7.027 tỷ đồng, trong đó xả ròng hàng loạt bluechip
Trái ngược với lực gom trong tháng 7, khối ngoại bán ròng trở lại hơn 7.000 tỷ đồng tại HOSE trong tháng 8, trong đó giá trị khớp lệnh là 7.815 tỷ đồng, đánh dấu một trong ba tháng rút ròng mạnh nhất trong năm.
Dẫn đầu tại chiều bán ròng là giao dịch cổ phiếu VIC của Vingroup với giá trị lên tới 1.555 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, khối ngoại bán ròng khớp lệnh cổ phiếu Vingroup trong tất cả các phiên giao dịch, với những phiên rút ròng hơn 2,4 triệu đơn vị.
Trong tháng 8, Vingroup đã phát hành 422,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tổng giá trị theo mệnh giá đạt 4.228 tỷ đồng. Lượng cổ tức này dự kiến thanh toán trong tháng 9 và tháng 10/2021, nâng vốn điều lệ VIC lên trên 38,052 tỷ đồng.
Dòng tiền ngoại rút ròng lần lượt khỏi hai ông lớn MSN và VNM của nhóm thực phẩm & đồ uống với quy mô tương ứng 905 tỷ đồng và 797 tỷ đồng. Có phần đối ứng với khối ngoại, hai tổ chức trong nước là CTCP Masan (MIC) và Xây dựng Hoa Hướng Dương đã mua vào khoảng 1,5 triệu cp MSN trong tháng 8. Đây là hai công ty có liên quan đến chủ tịch MSN.
Một bluechip khác là HPG của Hòa Phát ghi nhận giao dịch đảo chiều khi bị xả ròng 824 tỷ đồng, đối lập với lực mua tháng trước đó. Tổng cộng trong 8 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng gần 249 triệu cổ phần tại Hòa Phát, tương ứng giá trị hơn 12.900 tỷ đồng.
Giao dịch rút ròng cũng tập trung tại chứng chỉ quỹ FUEVFVND cùng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như SSI, NVL, VRE....
Ở chiều ngược lại, khối ngoại tập trung mua ròng nhiều đại diện nhóm ngân hàng như STB (993 tỷ đồng), MBB (600 tỷ đồng), HDB (197 tỷ đồng). Đáng chú ý, nhóm này gom ròng chủ yếu hơn 16,7 triệu đơn vị STB trong hai phiên 4/8 và 5/8, tương ứng giá trị hơn 500 tỷ đồng.
Mặc dù "xả" mạnh VIC và VRE, mã VHM của Vinhomes lại được mua ròng 730 tỷ đồng. Giao dịch mua được thực hiện chủ yếu qua phương thức thỏa thuận và trước khi hai cổ đông lớn tại VHM công bố ý định giảm tỷ lệ sở hữu.
Theo sau VHM, một số cổ phiếu được mua ròng còn có HSG của Tập đoàn Hoa Sen (144 tỷ đồng), DGC của Hóa chất Đức Giang (254 tỷ đồng), PLX của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (250 tỷ đồng)...
Tại HNX, chiều bán chiếm ưu thế với giá trị bán ròng 41,81 tỷ đồng
Ở phía bán ròng, PVS của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam chịu áp lực xả ròng lớn nhất với 56,4 tỷ đồng, theo sau là DXP của Cảng Đoạn Xá với 36,5 tỷ đồng.
Theo đó, trong tháng 8, Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity đã bán ra 587.400 đơn vị cp DXP, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,28% xuống 4,98% và không còn là cổ đông lớn.
Tương tự, cổ phiếu CDN của Cảng Đà Nẵng cũng bị bán ròng hơn 33,3 tỷ đồng. Cổ phiếu cảng biển đã liên tục tăng mạnh trong nửa đầu tháng 8, trước khi mất đà và quay đầu giảm điểm sau những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Chiều ngược lại, phần lớn lực cầu tập trung tại hai cổ phiếu PVI (PVI Holdings) và THD (Thaiholdings), với giá trị lần lượt là 177 tỷ đồng và 90,8 tỷ đồng.
Giao dịch tích cực tại PVI đến từ việc nhóm quỹ International Finance Corporation đã mua vào hơn 14 triệu cổ phần tại PVI, qua đó trở thành cổ đông lớn nắm giữ 6,29% vốn. Bên cạnh đó, quỹ HDI Global SE cũng hoàn tất mua vào 4,59 triệu đơn vị, nâng mức sở hữu lên 38,07% sau khi bán ra 14 triệu cp vào ngày 6/8.
Ngày 1/9, THD đã được thêm vào rổ chỉ số FTSE Frontier Index trong kỳ đánh giá danh mục tháng 9/2021. FTSE ETF sẽ thực hiện review danh mục cho đến ngày 17/9. Danh mục mới có hiệu lực từ ngày 20/9.
Tại thị trường UPCoM: Khối ngoại mua ròng hơn 320 tỷ đồng
Giao dịch có phần tích cực hơn được ghi nhận ở thị trường UPCoM khi khối ngoại mua ròng hơn 320 tỷ đồng. Lực mua lớn nhất tập trung tại CTR của Viettel Construction đạt 110 tỷ đồng sau khi khối ngoại duy trì mua ròng cổ phiếu này trong nhiều phiên liên tiếp.
Mặc dù ngành hàng không vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh kéo dài, ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam lại được mua ròng 86 tỷ đồng. Theo sau, các mã thu hút lượng lớn lực cầu gọi tên VEA (49,6 tỷ đồng), BSR (39 tỷ đồng), MCH (28,4 tỷ đồng)...
Tại phía bán ròng, BVB của Ngân hàng TMCP Bản Việt chịu áp lực bán ròng mạnh nhất 32,3 tỷ đồng. Đây là một trong những cổ phiếu nhà băng bị nhà đầu tư ngoại bán ròng mạnh nhất trong tháng 8, theo sau CTG và VPB tại sàn HOSE.
Theo sau, lực xả nhẹ hơn dưới 10 tỷ đồng được ghi nhận tại một số cổ phiếu như FOX, LTG, VGI, SIP...