Tự doanh CTCK giảm mạnh bán ròng trong tháng 8, tâm điểm giao dịch IJC
Tự doanh giảm mạnh bán ròng trước đà hồi phục của thị trường
Bước sang tháng 8, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp hồi phục sau những phiên giảm sâu từ giữa tháng 7. VN-Index từng bước lấy lại những điểm số đã mất trong 15 phiên giao dịch đầu tháng 8, tuy nhiên hai phiên 'đổ đèo' ngày 20 và 23/8 đã lấy đi gần 76 điểm của chỉ số.
Phần lớn thành quả giao dịch bị xô đổ trong hai ngày ngắn ngủi khiến trạng thái giao dịch nhà đầu tư trở nên bi quan. Thanh khoản trùng xuống tuy nhiên điểm tích cực là dòng tiền không hoàn toàn rút khỏi thị trường mà luân phiên dịch chuyển giữa các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Tâm lý FOMO đã chiến thắng nỗi lo ngại của nhà đầu tư giúp thị trường tăng điểm trở lại trong những phiên cuối của tháng 8. Từ vùng đáy ngắn hạn tại ngày 31/7, VN-Index tăng 21,42 điểm, tương đương 1,64%, đóng cửa tháng ở 1.331,47 điểm.
Với thanh khoản kỷ lục 38.350 tỷ đồng trong phiên VN-Index giảm sâu nhất tháng 8, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE trong tháng qua đạt 23.397 tỷ đồng, tăng 14,7% so với tháng 7 và là tháng có thanh khoản lớn thứ hai trong lịch sử sau tháng 6/2021.
Bất chấp những tín hiệu khởi sắc từ thị trường, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HOSE. Giao dịch cùng chiều với nhà đầu tư nước ngoài, bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán cũng rút ròng trong tháng 8. Tuy nhiên, quy mô rút vốn đã thu hẹp đáng kể, từ 1.227 tỷ đồng tháng trước còn gần 120 tỷ đồng tháng này.
Thống kê cho thấy khối tự doanh chủ yếu 'mua đỏ - bán xanh' theo diễn biến của VN-Index. Hoạt động mua ròng mạnh nhất diễn ra trong phiên chỉ số sàn HOSE bốc hơi 45 điểm (giảm 3,3% so với phiên trước), giá trị vào ròng trong phiên 20/8 lên tới 750 tỷ đồng.
Phiên 18/8 cũng ghi nhận giá trị mua ròng hơn 650 tỷ đồng. Chiều ngược lại, khối tự doanh bán ròng dàn trải 16/22 phiên, với giá trị rút ròng mạnh nhất ở phiên 19/8 gần 370 tỷ đồng.
Tự doanh mua ròng hơn 800 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, chủ yếu gom cổ phiếu chứng khoán
Theo thống kê từ Fiinpro, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 813 tỷ đồng. Trong đó, họ gom ròng 6/18 ngành.
Tại chiều mua ròng, cổ phiếu dịch vụ tài chính với đại diện là nhóm chứng khoán được tự doanh giải ngân mạnh nhất với giá trị 705,5 tỷ đồng. Trong tháng 7, nhóm này bị tự doanh xả 124,7 tỷ đồng.
Tự doanh cũng đảo vị thế gom ròng 371,9 tỷ đồng cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản và 248 tỷ đồng ngành thực phẩm & đồ uống. Dòng tiền tự doanh cũng hướng đến nhóm bán lẻ, công nghệ thông tin, du lịch & giải trí.
Bên phía bán ròng, cổ phiếu của các nhà băng chịu áp lực xả mạnh nhất từ khối tự doanh. Về giá trị cụ thể, khối này rút ròng 471,1 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Nhóm tài nguyên cơ bản (thép) cũng nằm trong danh mục rút vốn của khối tự doanh, tuy nhiên quy mô bán ròng đã được thu hẹp. Từ việc bị xả mạnh nhất trong tháng 7 với hơn 751,2 tỷ đồng, khối tự doanh chỉ còn thoái ròng 34 tỷ đồng ngành thép trong tháng 8.
Cùng chiều, khối tự doanh chuyển hướng chốt lời nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp, hàng cá nhân & gia dụng, xây dựng & vật liệu...
Tâm điểm giao dịch chứng chỉ quỹ FUEVFVND
Nổi bật tại chiều mua ròng là giao dịch chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị lên tới 690,8 tỷ đồng. Nếu tính riêng khớp lệnh thì nhóm này mua ròng hơn 770 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, khối tự doanh công ty chứng khoán liên tục gom chứng chỉ quỹ của quỹ hoán đổi danh mục ETF VFMVN DIAMOND trong ba tuần gần đây.
Tại thị trường cổ phiếu, VNM và VHM được khối tự doanh mua ròng lần lượt 251,7 tỷ và 248 tỷ đồng. Thông tin về hoạt động của Vinhomes, doanh nghiệp vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2020 bằng tiền và cổ phiếu là ngày 16/9 tới đây. Ngày thanh toán dự kiến là ngày 1/10.
Công ty sẽ chia cổ tức năm 2020 với tổng tỷ lệ 45% gồm 15% tiền mặt (1.500 đồng/cp) và 30% cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vinhomes dự kiến tăng từ 33.495 tỷ đồng lên gần 43.543 tỷ đồng.
Trở lại với giao dịch tự doanh, khối này rót ròng hơn trăm tỷ vào các cổ phiếu FPT, MWG và KDH. Cùng chiều, dòng tiền tự doanh tìm đến các mã VIC, VCI, HPG và VRE với giá trị thấp hơn.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu IJC của Becamex IJC đứng đầu trong top 10 cổ phiếu bị khối tự doanh CTCK bán ròng mạnh nhất tháng 8 với hơn 283,2 tỷ đồng. Tháng trước đó, mã này đứng thứ hai trong danh mục cổ phiếu được khối tự doanh mua ròng với giá trị hơn 122,4 tỷ đồng. Động thái chốt lời cổ phiếu của Becamex IJC diễn ra trong bối cảnh IJC có nhịp tăng 12,3% trong vòng một tháng qua.
Theo sau, cổ phiếu VPB của VPBank bị xả ròng 253,1 tỷ đồng. Giao dịch đồng thuận với tự doanh, nước ngoài cũng gia tăng lực bán tại mã này trong khi cá nhân và tổ chức trong nước gom mua.
Phía bán ròng còn có sự góp mặt của PNJ (147,6 tỷ đồng), NLG (138,4 tỷ đồng), REE (114 tỷ đồng) và loạt mã ngân hàng như CTG (112 tỷ đồng), BID (110 tỷ đồng), MBB (105 tỷ đồng) và LPB (63 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn còn rút khỏi chứng chỉ quỹ E1VFVN30 với giá trị 100 tỷ đồng.