Cổ phiếu PVD bị cắt margin
Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa bổ sung cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Lý do là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên trên báo cáo hợp nhất soát xét 6 tháng năm 2021 âm gần 98 tỷ đồng.
PVD thua lỗ nửa đầu năm do quý I công ty lỗ ròng gần 104 tỷ đồng trong khi quý II chỉ lãi ròng hơn 8 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty mẹ và hợp nhất giảm tương ứng 60,7% và 47,4% so với cùng kỳ, chủ yếu do không có doanh thu giàn khoan thuê trong khi cùng kỳ có 2,39 giàn.
Bên cạnh đó, đơn giá giàn thuê tự nâng giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước và hiệu suất sử dụng giàn khoan sở hữu 6 tháng năm nay là 74% so với 6 tháng 2020 là 89%. Ngoài ra, doanh thu dịch vụ kỹ thuật giếng khoan cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu giảm sâu trong khi chi phí dự phòng lại tăng mạnh khiến công ty thua lỗ nửa đầu năm.
Chứng khoán VNDirect nhận định hiệu suất sử dụng giàn tự nâng (JU) đang trên đà hồi phục trong nửa cuối năm 2021.
Theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 4/8, cả 4 giàn khoan JU đã ký hợp đồng cho các chương trình khoan.
Nhìn chung, các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi của PVD trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là từ năm 2022 trở đi nhờ hai yếu tố bao gồm giá dầu Brent kỳ vọng sẽ dao động trên một mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021 - 2023 (quanh 70 USD/thùng) do nguồn cung có thể sẽ không bắt kịp đà phục hồi dự kiến của nhu cầu dầu.
Bên cạnh đó, việc giàn khoan TAD dự kiến khởi động lại từ quý IV và hiệu suất sử dụng giàn JU cải thiện lên 90% trong năm 2022 - 2023 với giả định rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát nhờ vào việc tiêm chủng sẽ giúp PVD có kết quả khả quan hơn.
Từ đầu tháng 6 tới nay, cổ phiếu PVD giảm khoảng 35% xuống còn 19.200 đồng/cp kết phiên 1/9. Vốn hoá thị trường tương đương khoảng 8.086 tỷ đồng.