Cửa sáng cho PVD nửa cuối năm
Chứng khoán VNDirect vừa có báo cáo cập nhật về tình hình kinh doanh của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) sau nửa đầu năm lỗ ròng tới 95 tỷ đồng.
Chuyên gia nhận định hiệu suất sử dụng giàn tự nâng (JU) đang trên đà hồi phục trong nửa cuối năm 2021. Cụ thể, hiệu suất sử dụng trung bình giàn JU đã được cải thiện lên 92% trong quý II vừa qua từ mức 78% của cùng kỳ năm trước và từ 52% trong quý I.
Tuy nhiên, giá thuê trung bình giàn JU trong quý II đã giảm 21% so với cùng kỳ xuống còn khoảng 50.000 USD/ngày cùng với việc không có giàn khoan thuê ngoài trong quý so với mức trung bình 2,44 giàn khoan thuê ngoài của cùng kỳ đã dẫn đến doanh thu thuần của PVD giảm 24,3%.
Theo thông tin từ Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra ngày 4/8 tuần trước, cả 4 giàn khoan JU đã ký hợp đồng cho các chương trình khoan.
Cụ thể, giàn khoan PVD I đang phục vụ cho chương trình khoan của Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (CLJOC) trong quý III. Sau đó, giàn khoan này dự kiến sẽ được ký hợp đồng với một khách hàng khác trong nước, bắt đầu dự án khoan mới từ tháng 9.
Trong khi đó, PVD II phụ trách chương trình khoan của Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long (HLJOC) từ ngày 15/7 với kế hoạch khoan 4 giếng tại mỏ Tê Giác Trắng.
Còn PVD III bắt đầu khoan cho Công ty Dầu khí Nhật Việt (JVPC) vào ngày 19/7. Sau đó, giàn khoan này dự kiến sẽ hoạt động tại Malaysia từ tháng 10 với hợp đồng dài hạn cho Repsol Malaysia (hợp đồng trên 1 năm).
Đối với PVD VI, giàn này sẽ khoan cho Công ty Liên doanh Điều hành Thăng Long (TLJOC) từ tháng 9 sau khi hoàn thành chương trình khoan cho ENI.
Tuy nhiên, giàn PVD 5 (giàn TAD) đã bị hoãn kế hoạch tái khởi động sang quý IV do tình hình phức tạp của dịch COVID-19.
Ngoài ra, PVD cũng đang tích cực tham gia đấu thầu cho các dự án khoan trong năm 2022 tại Malaysia và Thái Lan.
Nhìn chung, các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng phục hồi của PVD trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là từ năm 2022 trở đi nhờ hai yếu tố bao gồm giá dầu Brent kỳ vọng sẽ dao động trên một mặt bằng giá mới trong giai đoạn 2021 - 2023 (quanh 70 USD/thùng) do nguồn cung có thể sẽ không bắt kịp đà phục hồi dự kiến của nhu cầu dầu.
Bên cạnh đó, việc giàn khoan TAD dự kiến khởi động lại từ quý IV và hiệu suất sử dụng giàn JU cải thiện lên 90% trong năm 2022 - 2023 với giả định rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát nhờ vào việc tiêm chủng sẽ giúp PVD có kết quả khả quan hơn.