Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) cầu cứu Thủ tướng khi có nguy cơ phải dừng hoạt động nhà máy Dung Quất
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết kiến nghị của CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR).
UBND tỉnh cho biết từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát bắt đầu từ các tỉnh miền Trung vào tháng 5, 6 năm nay, công tác tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất đã bị chững lại và đi xuống khi nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa bị giảm sút bởi dịch bệnh.
Đợt dịch lần 4 thứ với biến chủng Delta đang diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành và dự báo sẽ kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Các tỉnh phía Nam và các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng đang phải thực hiện giãn cách xã hội từ khiến cho nhu cầu tiêu thụ xăng dầu nội địa thời gian qua sụt rất mạnh và dự kiến sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuối năm nay.
Với sản lượng tiêu thụ giảm mạnh và thiếu sức chứa do nhu cầu giảm đột ngột nên các thương nhân đầu mối đã giảm/dừng nhận hàng tại nhà máy với khối lượng rất lớn (riêng tháng 7 khoảng 230.000 m3).
Việc giãn lịch nhận hàng đã làm tồn khi của nhà máy tăng lên rất nhanh giai đoạn cuối tháng 7 và đầu tháng 8.
Phía UBND tỉnh cho biết qua trao đổi và cập nhật kế hoạch nhận hàng thì dự kiến lượng hàng nhận trong tháng 8 chỉ khoảng 50% - 60% sản lượng của hợp đồng kì hạn, nhiều thương nhân đầu mối không có kế hoạch nhận hàng từ BSR.
Hiện nay, tại kho nhà máy đang tồn khoảng 200.000 m3 sản phẩm xăng dầu các loại (tương đương 1,2 triệu thùng) và gần 400.000 m3 dầu thô (khoảng 2,4 triệu thùng).
Phía BSR đã giảm công suất nhà máy xuống còn 90% (mức công suất kỹ thuật tối thiểu) từ ngày 3/8 (trước đó đã giảm xuống 98% công suất).
Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiến hành gửi kho 25.000 m3 xăng 95 và có kế hoạch triển khai gửi thêm khoảng 100.000 đến 120.000 m3 ngay trong tháng 8 để đảm bảo duy trì vận hành nhà máy,
Bên cạnh việc giảm hiệu quả kinh tế do phải giảm công suất nhà máy, tồn kho sản phẩm tăng rất cao thì BSR phải đối diện với rủi ro không còn sức tồn chứa, kể cả việc đưa hàng đi gửi kho do hệ thống kho trên thị trường hầu như đã đầy, dẫn đến nguy cơ phải dừng nhà máy.
Báo cáo của UBND tỉnh cho biết thêm qua trao đổi, tìm hiểu thì nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng bị ảnh hưởng tương tự.
Văn bản nêu rõ, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa sụt mạnh nhưng lượng nhập khẩu vẫn ở mức cao gây khó khăn trong công tác tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu trong nước.
Theo đánh giá của Chính phủ thì tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường dẫn tới nhu cầu xăng dầu trong nước tiếp tục giảm rất mạnh trong khi nguồn cung đã vượt khả năng tiêu thụ. Trong các tháng tới, nếu các đầu mối tiếp tục nhập khẩu thì sẽ gây áp lực thừa cung rất lớn và gây tồn ứ xăng dầu trên diện rộng.
Với tình hình cấp bách như trên, để nhà máy lọc dầu Dung Quất được vận hành liên tục, ổn định, giảm sức ép thừa cung, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề nghị Thủ tướng quan tâm, xem xét cho chủ trương ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để đảm bảo cân đối cung cầu thị trường, giảm thiểu nguồn nhập khẩu xăng dầu nhằm hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhà máy lọc dầu nội địa.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đi vào vận hành thương mại từ đầu năm 2011, cũng là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm với.
Nhà máy có tổng diện tích xây dựng lên tới 956 ha và dự kiến mở rộng trong tương lai thêm 140 ha.
Trong báo cáo thường niên năm 2020, BSR cho biết dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất gặp khó về tiến độ thực hiện do khó khăn trong công tác thu xếp nguồn vốn tài trợ cho dự án cũng như biến động tiêu cực của thị trường dầu mỏ trong thời gian vừa qua.
Về tình hình kinh doanh, trong bối cảnh giá dầu liên tục tăng cao, đã vượt 70 USD/thùng trong khi năm 2021, các doanh nghiệp dầu khí trong nước đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh dựa trên giả định giá dầu ở mức 45 USD/thùng.
Là một doanh nghiệp hạ nguồn thuộc nhóm hưởng lợi nhất và cũng nhạy cảm nhất với giá dầu đã giúp BSR vượt 305% mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng.
Nửa đầu năm, BSR đạt 48.909 tỷ đồng doanh thuần, tăng 54% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.527 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái lỗ 4.257 tỷ đồng vì giá dầu xuống thấp kỷ lục gần hai thập kỷ.
Cuối quý II, giá trị hàng tồn kho của BSR khoảng 11.207 tỷ đồng, chiếm 17,5% tài sản và đã tăng khoảng 7,3% so với cuối quý I và tăng khoảng 34% so với đầu năm.