|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tổ hợp lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam dự kiến vận hành thương mại vào năm 2024

10:45 | 31/10/2023
Chia sẻ
Sau 5 năm xây dựng, tổ hợp lọc hóa dầu Long Sơn dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2024, đóng góp khoảng 1,5 tỷ USD doanh thu.

Tại buổi công bố kế hoạch vận hành tổ hợp hóa dầu Long Sơn, ông Kulachet Dharachandra, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP-là công ty thành viên của SCG Chemicals) cho biết tổ hợp là dự án đầu tư quan trọng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư nước ngoài 5,1 tỷ USD, theo báo Người Lao động.

Sau 5 năm xây dựng, dự án đang trong giai đoạn chạy thử và dự kiến vận hành chính thức từ năm 2024.

Tổ hợp hóa dầu Long Sơn bao gồm các nhà máy polyolefin, cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và nhà máy tiện ích trung tâm.

Khi đi vào hoạt động ổn định, nhà máy olefins của dự án có thể cung cấp khoảng 1,4 triệu tấn polyolefin, nguyên liệu sản xuất của sản phẩm nhựa như: chai, lọ, ống, bình nhiên liệu, màng bọc, nắp chai, phụ tùng ô tô, máy giặt, lưới công nghiệp…

LSP là doanh nghiệp dẫn đầu vốn FDI tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, đồng thời nằm trong top doanh nghiệp có vốn FDI cao nhất tại Việt Nam. Dự kiến trong năm 2024, LSP sẽ đóng góp khoảng 1,5 tỷ USD doanh thu.

Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn được cấp giấy chứng nhận đầu tư tháng 7/2008, có tổng vốn đầu tư ban đầu là gần 3,8 tỷ USD, sau đó tăng lên 4,5 tỷ USD và tăng lên hơn 5 tỷ USD vào giai đoạn cuối, theo tạp chí Công Thương.

Ở thời điểm được cấp phép, chủ đầu tư của dự án này là liên doanh giữa Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan chiếm 53%; Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan (thuộc SCG) chiếm 18%; Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) chiếm 18%; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 11%.

Sau các thương vụ thoái vốn, mua lại cổ phần, Tập đoàn SCG đã nắm giữ 100% cổ phần và trở thành chủ đầu tư duy nhất của dự án vào năm 2018. Sau 5 năm xây dựng, tổ hợp dự kiến vận hành thương mại vào năm sau.

Hoàng Anh

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).