|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ không được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp như quý I với các quý còn lại của năm'

14:27 | 25/05/2021
Chia sẻ
Giá dầu Brent bình quân quý I xấp xỉ với mức giá dầu Brent bình quân EIA dự báo cho cả năm 2021 (62,3 USD/thùng). Do đó, FPTS nhận định trong các quý sau của năm nay, BSR sẽ không còn được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp tương tự quý I.

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng kinh doanh của CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR).

Theo FPTS dự phóng năm 2021, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của BSR lần lượt đạt 87.161 tỷ đồng (tăng 50%) và 3.267 tỷ đồng, hoàn thành 123% kế hoạch doanh thu và 376% lợi nhuận sau thuế.

Các quý còn lại không được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp như quý I

FPTS cho biết nguyên liệu đầu vào của BSR là dầu thô, chiếm trung bình khoảng 90-95% tổng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và đặc thù BSR phải duy trì tồn kho sản xuất (khoảng 30 ngày). 

Do đó, biến động giá dầu thô ảnh hưởng mạnh và trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của BSR, đặc biệt trong giai đoạn giá dầu thô ghi nhận biến động mạnh. 

Điển hình trong năm 2020 và đầu năm 2021, giá dầu Brent giảm từ 66 USD/thùng giai đoạn đầu năm 2020 về sát mốc 20 USD/thùng tháng 4/2020 sau đó phục hồi và tăng lên khoảng 70 USD/thùng tháng 3/2021 khiến lợi nhuận bị tác động chủ yếu đến từ sự biến động của giá dầu thô (thông qua tác động của hàng tồn kho). 

Năm 2021, EIA dự báo giá dầu Brent bình quân đạt 62,3 USD/thùng (tăng 44%) trong báo cáo tháng 4/2021 của EIA.

'Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ không được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp như quý I với các quý còn lại của năm' - Ảnh 1.

Với giá dầu thô Brent EIA dự báo, năm 2021, FPTS cho rằng BSR sẽ không còn chịu những tác động tiêu cực liên quan đến giảm giá tồn kho (do giá dầu thô giảm mạnh) tương tự nửa đầu năm 2020. 

Ngược lại, đà tăng của giá dầu thô còn hỗ trợ kết quả kinh doanh của BSR năm nay nhờ hưởng lợi tồn kho giá thấp. 

Điều này đã phản ánh vào kết quả kinh doanh quý I/2021 với lợi nhuận vượt kế hoạch năm của BSR khi giá dầu thô Brent bình quân tăng từ 45,3 USD/thùng trong quý IV/2020 lên 61,3 USD/thùng vào quý I/2021.

Giá dầu Brent bình quân quý I/2021 xấp xỉ với mức giá dầu Brent bình quân EIA dự báo cho cả năm 2021, do đó, FPTS nhận định trong các quý sau của năm nay, BSR sẽ không còn được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp tương tự quý I (với giả định giá dầu thô Brent theo dự báo của EIA là 62,3 USD/thùng).

Sau thời gian bảo dưỡng định kỳ năm 2020, dự kiến nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ quay trở lại hoạt động liên tục ở mức công suất tối ưu là 108% công suất thiết kế trong năm 2021. 

Theo đó, dự kiến BSR sẽ sản xuất xấp xỉ 7 triệu tấn sản lượng xăng, dầu thành phẩm, tương ứng với mức tăng trưởng 17%.

Vẫn chưa huy động được vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy Dung Quất

Tất cả sản phẩm xăng, dầu thành phẩm của BSR đạt tiêu chuẩn EU2 và EU3, thấp hơn với mức yêu cầu của Chính phủ quy định là EU3 và EU4 (sẽ nâng lên tiêu chuẩn EU5 năm 2022). 

Do vậy, BSR đã và đang xây dựng, triển khai phương án nâng cấp, mở rộng nhà máy Dung Quất nhằm đáp ứng quy định Chính phủ. Tuy nhiên đến nay, BSR vẫn chưa huy động được nguồn vốn tài trợ dự án, trị giá 1,82 tỷ USD (tỷ lệ vay 70%). 

Theo thông tin chia sẻ của doanh nghiệp, giá trị huy động lớn hạn chế khả năng huy động vốn nhanh chóng của doanh nghiệp, do vậy, BSR đang cân nhắc hai phương án nâng cấp nhà máy.

Phương án 1, BSR sẽ triển khai kế hoạch cũ, thực hiện cả hai công việc nâng cấp chất lượng sản phẩm lên tiêu chuẩn EU5 và mở rộng thêm công suất 30%. 

Phương án 2, BSR chỉ thực hiện nâng cấp nhà máy, nâng toàn bộ chất lượng xăng dầu thành phẩm lên chất lượng EU5. 

FPTS cho hay công tác huy động vốn vay vẫn đang được BSR thực hiện. Tùy thuộc vào khả năng thu xếp vốn giữa BSR và đơn vị cho vay mà công ty sẽ lựa chọn phương án phù hợp.

Tiêu thụ xăng dầu nội địa dự báo tăng trưởng 8% năm 2021  

Năm 2021, kỳ vọng Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, tiến hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu nội địa phục hồi. 

Theo Fitch Solutions dự báo, năm 2021 nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu ở Việt Nam sẽ tăng 8% và duy trì mức tăng ổn định trung bình khoảng 4%/năm trong giai đoạn 2022 - 2025.

'Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) sẽ không được hưởng lợi từ tồn kho giá thấp như quý I với các quý còn lại của năm' - Ảnh 2.

Hiện nay, xăng dầu thành phẩm sản xuất tại nội địa mới chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu trong nước và nguồn xăng, dầu của BSR có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với nhập khẩu nhờ chi phí vận chuyển thấp. 

Do vậy, FPTS nhận định việc kiểm soát tốt dịch bệnh kỳ vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ sẽ hỗ trợ BSR tiêu thụ sản phẩm nhanh chóng, hạn chế tồn kho cao gây nên tình trạng quá tải tổng kho dự trữ và phải thuê thêm các kho chứa ngoài tương tự đầu năm 2020. 

BSR cũng chủ trương điều chỉnh linh hoạt chế độ vận hành nhà máy để tối đa sản lượng xăng RON95, RON92 và dầu Diesel, hạn chế sản lượng thành phẩm xăng JetA1 do tác động của dịch bệnh, số lượng chuyến bay nội địa lẫn quốc tế vẫn còn hạn chế. 

Chênh lệch giá bán xăng dầu thành phẩm và giá dầu thô đã cải thiện 

Trong 4 tháng đầu năm, sự lây lan dịch bệnh đã được giảm thiểu, các nền kinh tế dần quay lại trạng thái bình thường thúc đẩy nhu cầu vận chuyển, vận tải, qua đó, nhu cầu về nhiên liệu xăng, dầu cũng cải thiện tích cực. 

Giá bán xăng dầu thành phẩm và khoảng chênh lệch so với giá dầu Brent đều ghi nhận tăng so với cùng kỳ. 

Dự báo trong năm 2021, khoảng chênh lệch bình quân của xăng RON95, RON92 và dầu Diesel so với dầu thô Brent sẽ dao động trong khoảng 5 - 7 USD/thùng, tăng khoảng 50%.

FPTS đánh giá, sự phục hồi của chênh lệch giá bán thành phẩm và giá dầu thô tuy cải thiện nhưng vẫn sẽ vẫn bị hạn chế bởi tác động lâu dài và phức tạp của dịch bệnh COVID-19, công suất các nhà máy lọc dầu Trung Quốc duy trì ổn định sau khi đi qua đỉnh dịch đầu năm 2020 và yếu tố nhiều nhà máy lọc dầu mở mới ở Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á chuẩn bị đi vào hoạt động. 

Hoàng Kiều