|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê tiến sát ngưỡng lịch sử 50.000 đồng/kg do nguồn cung thắt chặt?

20:04 | 15/08/2022
Chia sẻ
Nguồn cung nội địa thắt chặt trong khi nhu cầu tiếp tục tăng cao đã đẩy giá cà phê trong nước tiến sát mức kỷ lục 50.000 đồng/kg đạt được vào năm 2011. Trong 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu cà phê của nước ta đạt chơn 1,1 triệu tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 4 năm qua.

Giá cà phê tiến sát ngưỡng 50.000 đồng/kg do nguồn cung thắt chặt

Từ cuối tháng 7 đến nay giá cà phê liên tục tăng cao. Tính đến phiên giao dịch ngày 15/8, giá cà phê trong nước đã tăng vọt lên mức 48.500 – 49.000 đồng/kg, tăng mạnh 11 – 12% (tương ứng gần 6.000 đồng/kg) so với cuối tháng trước.

Mức giá này vượt xa mức kỳ vọng 45.000 đồng/kg của các chuyên gia cũng như tiến sát đến mức 50.000 đồng/kg, mức cao lịch sử đạt được vào năm 2011. Nhu cầu tăng cao trong khi nguồn cung vào thời điểm cuối vụ không còn nhiều được cho là nguyên nhận chính đẩy giá cà phê tăng cao.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 113.852 tấn, giảm 17,1% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu cà phê của nước ta đạt cao nhất trong 4 năm qua với hơn 1,1 triệu tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhìn chung xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn đều tăng trong 7 tháng đầu năm nay do nhu cầu tiêu dùng cà phê của các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn và chi phí logistic tăng cao.

Trong tháng 7, giá xuất khẩu cà phê tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước nhưng tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 2.299 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đạt 2.261 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ.   

  Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Còn theo Reuters đưa tin, giá cà phê tăng cao tại Việt Nam, nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới, trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, các nhà xuất khẩu cho biết họ đã phải chật vật để tìm mua cà phê trong vài tháng qua. 

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết sản lượng cà phê năm 2022 thấp hơn năm 2021 do năng suất thấp. Sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 của cả nước chỉ đạt 1,5 triệu tấn (hơn 95% tổng sản lượng vẫn là robusta), thấp hơn khoảng 120.000 tấn so với niên vụ 2020-2021.

Trong quý III, tuy không có cà phê để thu hoạch, nhưng giới thương nhân Việt Nam vẫn còn khoảng 500 nghìn tấn cà phê để xuất khẩu. Đến tháng 11 sẽ có cà phê vụ mới được thu hoạch.

Mới đây, Citigroup cũng cắt giảm dự báo vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 triệu bao và 2 triệu bao cho niên vụ 2021-2022 và 2022-2023, do các cuộc khảo sát cho thấy sự phát triển của cà phê bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu phân bón trong năm nay. 

Trong khi đó, ngân hàng Rabobank cho biết các nhà rang xay Brazil đang mua hầu hết lượng robusta trong nước để cắt giảm chi phí phối trộn của họ. Điều này khiến cho xuất khẩu robusta của Brazil thấp hơn 60% so với mùa trước.

Lo ngại nguồn cung thắt chặt ở nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam và xuất khẩu giảm từ Brazil đã đẩy giá cà phê robusta tăng mạnh trên thị trường thế giới, lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 năm nay.

Ngày 15/8, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 11 trên sàn ICE đã tăng 252 USD/tấn, tương đương 12,5% so với cuối tháng 7, ở mức 2.261 USD/tấn đối với hợp đồng giao tháng 11.

  Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Trong khi giá cà phê robusta trên sàn London đang tăng mạnh thì cà phê arabica trên sàn New York lại chỉ biến động nhẹ với mức tăng 1,5% so với cuối tháng trước,  lên 222,4 US cent/pound đối với hợp đồng giao tháng 12.

Cà phê robusta được sử dụng rộng rãi để làm cà phê hòa tan cho các nhãn hiệu cà phê uống liền như Nescafe của Nestle hoặc sử dụng để pha thêm vào cà phê espresso.

Người tiêu dùng trên toàn cầu vẫn uống nhiều cà phê làm từ arabica hơn. Nhưng trong bối lạm phát tăng cao, ngày càng nhiều người mua cà phê robusta có giá rẻ hơn và họ bắt đầu có cái nhìn khác về loại cà phê này.

Khoảng cách về giá giữa arabica và robusta tăng lên trong những năm gần đây, phần lớn là do vấn đề mùa vụ. Năm ngoái, sản lượng cà phê arabica của Brazil đã sụt giảm mạnh do hạn hán và sương giá. Colombia, nước trồng cà phê arabica lớn thứ hai thế giới, đã mất khoảng 20% ​​sản lượng trong hai năm qua do thời tiết mưa nhiều, theo Bloomberg.

Trong báo cáo mới đây của Tổng chức cà phê Quốc tế (ICO), cơ quan này cho biết nhu cầu cà phê hoà tan thế giới đang tăng trưởng khá tích cực.

Trong 9 tháng đầu niên vụ 2021-2022 (tháng 10/2021 đến tháng 6/2022), xuất khẩu cà phê hoà tan toàn cầu đạt 9 triệu bao, tăng 4,3% so với cùng kỳ niên vụ trước và chiếm 10% trong tổng xuất khẩu cà phê thế giới.

Số liệu tổng hợp. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)  

Ngành cà phê có thể tăng trưởng 40% trong năm 2022?

Vào tháng 3 năm nay, ông Phan Minh Thông, CEO Phúc Sinh Group đánh giá triển vọng thị trường cà phê năm 2022 khá tươi sáng, giá sẽ tiếp tục đi lên.

"Tôi nghĩ ngành cà phê năm 2022 sẽ tăng trưởng 30 – 40% vì cả thế giới đang thích ứng với COVID-19, nhu cầu lớn trong khi nguồn cung giảm. Và giá xuất khẩu cà phê có thể cán mốc 2.400 – 2.600 USD/tấn trong năm 2022 và đà tăng có thể kéo dài sang năm 2023", ông Thông nhận định.

CEO Phúc Sinh cho rằng giá cà phê xuất khẩu khởi sắc sẽ mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường cà phê trong nước.

Khi đó ông Thông đã dự báo vào cuối vụ thu hoạch, giá mặt hàng này có thể trở lại thời hoàng kim, tức khoảng 50.000 đồng/kg.

Ngoài cung – cầu, ông Thông cho rằng một yếu tố khác giúp giá cà phê xuất khẩu khởi sắc là chất lượng. Cà phê robusta của Việt Nam được khách hàng đánh giá cao, có sức cạnh tranh so với các nhà cung cấp lớn trên thế giới như Brazil, Ấn Độ, Nam Mỹ, Colombia…

"Các doanh nghiệp Việt Nam đang quay trở lại xây dựng chất lượng cà phê, không quá tập trung số lượng và đó là một tin vui. Tôi hy vọng 10 năm sau người ta nhớ đến thương hiệu cà phê Việt Nam bằng chất lượng không phải bằng số lượng nữa", ông Thông cho biết.

Được biết, Công ty Cổ Phần Phúc Sinh là đơn vị xuất khẩu cà phê lớn thứ 8 của Việt Nam trong nửa đầu năm nay với kim ngạch vào khoảng 76,5 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của công ty đạt 94,2 triệu USD, tăng 10% so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu cà phê của Công ty Cổ Phần Phúc Sinh năm 2021-2022, ĐVT: USD. (Tổng hợp: Hoàng Hiệp) 

Hoàng Hiệp

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.