Giá cà phê tăng mạnh khiến người tiêu dùng phải trả thêm tiền
Theo nhật báo Les Echos số ra này 6/2, giá cà phê Robusta (cà phê vối) và Arabica (cà phê chè) trên thị trường thế giới đã tăng lần lượt 70% và 90% trong vòng một năm qua. Mất mùa cà phê ở Brazil trong năm 2021 cùng những khó khăn về vận tải và logistics đã khiến giá cà phê tăng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc những người nghiền cà phê sẽ phải trả thêm 2 xu cho mỗi ly Espresso của họ.
Trên thị trường giao chậm, giá cà phê Arabica hiện đã tăng 90% trong hơn một năm với mức bán dao động trong khoảng 2,35 USD/lb (1 lb = 0,454 kg), cao ngang mức giá thời kỳ năm 2011. Bên cạnh đó, Robusta, một loại cà phê ít cao cấp hơn nhưng lại được sử dụng rộng rãi cho cà phê Espresso, cũng đã tăng 70%, lên 2.192 USD/tấn.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá này, Carsten Fritsch thuộc ngân hàng Commerzbank cho rằng: “Tình trạng mất mùa ở Brazil vào năm 2021 đã làm giảm đáng kể nguồn cung cho các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và khiến thị trường rơi vào cảnh hỗn loạn”. Điều kiện thời tiết đặc biệt khắc nghiệt do hạn hán và sương giá đã khiến các đồn điền ở Brazil phải chịu thất thu nặng nề. Do đó, theo ước tính mới nhất từ Conab, Cơ quan chính phủ phụ trách dự báo nông nghiệp Brazil, nước này sẽ chỉ sản xuất được 47,7 triệu bao (1 bao tương đương với 60 kg), so với 63,1 triệu bao vào năm 2020.
Thông thường chu kỳ thu hoạch cà phê được tính hai năm một lần, một năm năng suất cao xem kẽ với một năm năng suất thấp. Do đó, năm 2021 được coi là năm năng suất thấp. Nhưng ngay cả so với năm 2019, cũng là năm năng suất thấp theo chu kỳ, thì sản lượng năm 2021 cũng đang giảm hơn. Trước đại dịch, Brazil đã thu hoạch 49,3 triệu bao cà phê.
Vụ thu hoạch tiếp theo (năm 2022), được coi là năm năng suất cao theo chu kỳ, cũng có thể gây thất vọng với sản lượng ước tính chỉ là 49 triệu bao, theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Brazil, do hạn hán và sương giá sẽ ảnh hưởng lâu dài đến các đồn điền cà phê.
Tuy nhiên, theo Florent Gout, Giám đốc mua hàng của nhóm MySpresso, không nên phóng đại nỗi lo sợ về sự khan hiếm hàng vì “khả năng dư thừa tuy không cao, nhưng cũng vẫn có đủ". Nói cách khác, sẽ vẫn có cà phê cho tất cả mọi người. Ông cho rằng cà phê Arabica chắc chắn đã bị ảnh hưởng, nhưng việc sản xuất cà phê Robusta hứa hẹn đủ để đáp ứng cho những người yêu thích cà phê Espresso nhờ nguồn cung rất dồi dào từ Việt Nam, quốc gia xuất khẩu chính của giống cà phê này.
Gia tăng chi phí vận tải hàng hóa
Cũng theo Florent Gout, sự tăng giá trên thị trường cũng liên quan đến chu kỳ cà phê 10 năm. Cứ khoảng 10 năm một lần, thị trường lại trải qua một cú sốc về giá. Sự bùng phát về giá cả sau đó sẽ khuyến khích nông dân mở rộng việc trồng cây cà phê, dẫn đến sản lượng tăng, và hệ quả sau đó là giá giảm chậm. Nhưng lần này tình hình sẽ phức tạp hơn vì theo giải thích của ông, “việc tăng giá đi kèm với tăng chi phí vận tải hàng hóa".
Cũng như nhiều ngành hàng khác, ngành cà phê không tránh khỏi khủng hoảng vận tải toàn cầu do đại dịch COVID-19. Thời gian giao hàng chậm, tắc nghẽn bến cảng, thiếu container… Tất cả những vấn đề này khiến việc vận chuyển hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn trước rất nhiều. Theo Florent Gout, hiện nay, để chuyên chở một thùng cà phê từ châu Á đến châu Âu, doanh nghiệp sẽ phải trả từ 7.000 USD đến 8.000 USD so với chỉ 1.500 USD trước khi có khủng hoảng đại dịch COVID-19.
Như vậy liệu hóa đơn cà phê tại quầy sẽ tăng? Điều này phụ thuộc vào các quyết định của ngành và loại cà phê được tiêu thụ. Nhưng việc tăng giá là điều không tránh khỏi. Theo tính toán của Florent Gout, do có sự gia tăng cả về giá cả nguyên liệu và phương tiện giao thông, một ly cà phê Espresso bán tại quầy sẽ có thể tăng ở mức 1 xu hoặc thậm chí 2 xu.
Việc chuyển lạm phát cho người tiêu dùng không phải là điều cấm kỵ, nhưng nó cho thấy sự mất cân bằng đang ngày càng trầm trọng trong ngành hàng này. Trên thị trường 250 tỷ USD mỗi năm, những người trồng cà phê chỉ thu được được 25 tỷ USD, tương đương 10%. Và nếu giá cà phê ở quầy có tăng thì người trồng cà phê cũng chẳng thu được nhiều hơn.