|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay (2/10) tăng 300 đồng/kg, giá tiêu đi ngang

08:54 | 02/10/2018
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay (2/10) tăng 300 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên lên 33.400 - 34.000 đồng/kg. Giá hồ tiêu trung bình đạt 51.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua.

Cập nhật giá cà phê

Giá cà phê hôm nay (2/10) tăng 300 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên lên 33.400 - 34.000 đồng/kg, theo số liệu từ trang giacaphe.com. Trong đó, giá cà phê tỉnh Lâm Đồng thấp nhất ở mức 33.400 đồng/kg và cao nhất tại Gia Lai đạt 34.000 đồng/kg.

Giá cà phê giao tại cảng TP HCM tăng 18 USD/tấn lên 1.527 USD/tấn.

TT nhân xô Giá trung bình Thay đổi
FOB (HCM) 1,527 Trừ lùi: -45
Đắk Lăk 33,900 +300
Lâm Đồng 33,400 +300
Gia Lai 34,000 +300
Đắk Nông 33,800 +300
Hồ tiêu 51,000 0
Tỷ giá USD/VND 23,290 0

Đơn vị tính: VND/kg|FOB: USD($)/tấn

Nguồn: Giá cà phê

Trên thị trường thế giới, giá cà phê robusta giao tháng 11 trên sàn ICE lúc 16h30 ngày 1/10 tăng 1,2% lên 1.573 USD/tấn. Giá cà phê arabica giao tháng 12 trên sàn New York lúc 17h30 ngày 1/10 giảm 0,3% xuống 102 UScent/pound.

Tại Brazil, Hợp tác xã cà phê Cooxupé cho biết, tính đến tuần kết thúc vào ngày 21/9, công việc thu hoạch trong niên vụ 2017 – 2018 đã hoàn thành 99,01% so với mức 98,27% của tuần trước đó. Cooxupé là hợp tác xã cà phê lớn nhất thế giới. Mục tiêu sản lượng cà phê của Cooxupé trong năm 2018 là 5,4 triệu bao cà phê nhân arabica. Brazil dự kiến sẽ có một vụ mùa bội thu với sản lượng khoảng 60 triệu bao.

Theo báo cáo của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), tổng sản lượng toàn cầu trong mùa vụ 2017 – 2018 ước đạt 158,6 triệu bao, thấp hơn gần 1 triệu bao so với dự báo trước đó ở 159,56 triệu bao.

Tuy nhiên, sản lượng được dự báo sẽ tăng 14,2% lên 78,4 triệu bao tại các quốc gia có mùa vụ 2018 – 2019 bắt đầu từ tháng 4/2018. Sản lượng của những quốc gia còn lại tăng đều kể từ niên vụ 2012 – 2013, với sản lượng niên vụ 2017 – 2018 ước tăng 7,6% lên 89,96 triệu bao, sau khi tăng 1,1% lên 83,59 triệu bao trong niên vụ trước.

Cập nhật giá hồ tiêu

Giá hồ tiêu hôm nay trung bình đạt 51.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), phương pháp trồng cây hữu cơ đang thể hiện ưu thế vượt trội trong thời điểm này, khi nhiều vườn tiêu đổ bệnh, buộc người dân phải phá bỏ vườn tiêu để trồng cây ăn trái ngắn ngày.

Ông Nguyễn Nam Hải - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho rằng cách duy nhất để cải thiện giá tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, doanh nghiệp cần liên kết với nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững, chấm dứt hiện tượng lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đi vào chế biến sâu các sản phẩm tiêu như tiêu đen nghiền hay tiêu trắng nghiền.

Ông Hải cho biết giá tiêu thô chỉ dao động khoảng 2.800 - 3.000 USD/tấn, trong khi giá tiêu đen nghiền và giá tiêu trắng nghiền lên tới 5.000 USD/tấn. Hiện nay, tiêu thô chiếm tới 81% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam.

Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng tiêu không đúng quy tắc, ông Nguyễn Quý Dương - Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết: “Hiện nay, Cục Bảo vệ Thực vật phối hợp với viện IDH xây dựng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật. Với phần mềm này, bà con sẽ tra cứu được quy cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho hợp lý, đúng quy trình”.

Ngoài ra, ông Dương cũng cho biết Cục đang kêu gọi các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào tham gia chuỗi xuất khẩu hồ tiêu.

Cập nhật giá cao su

Trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 2/2019 lúc 10h10 ngày 2/10 (giờ địa phương) tăng 1,8% lên 171,7 yen/kg, khối lượng giao dịch đạt 432 giao dịch. Trên Sàn SHFE (Thượng Hải), lúc 15h36 ngày 28/9 (giờ địa phương), giá cao su giao tháng 1/2019 giảm 145 nhân dân tệ/tấn xuống 10.730 nhân dân tệ/tấn.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 9 ước đạt 177 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cao su 9 tháng đầu năm ước đạt 1,06 triệu tấn, trị giá 1,45 tỷ USD, tăng 19,9% về lượng nhưng giảm 10% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Theo Báo cáo do Tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy bảo tồn và quản lý rừng bền vững (Forest Trends), các Hiệp hội Gỗ & Lâm sản nhiều tỉnh thành cùng Hiệp hội Cao su Việt Nam thực hiện, Việt Nam là quốc gia có lượng cung mủ cao su hàng năm lớn thứ ba toàn cầu.

Sau khi đạt mức giá cao kỷ lục hồi năm 2008, mủ cao su cũng như nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác cho sản xuất công nghiệp vấp phải cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Thừa cung khiến giá mủ cao su sau giai đoạn tuột dốc đến nay vẫn ở trạng thái bấp bênh. Ngay tại Việt Nam, sản lượng cao su tiểu điền - do người dân tự trồng ở quy mô nhỏ và đang chiếm quá nửa tổng lượng cung mủ cao su của Việt Nam hàng năm - vẫn không ngừng tăng lên. Trong khi đó, cao su tiểu điền lại là kênh rất khó “tác động” giảm sản lượng để giữ giá.

Đức Quỳnh