|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 11/4: Phục hồi nhẹ 100 đồng, giá tiêu không đổi

09:12 | 11/04/2019
Chia sẻ
Giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 31.000 - 31.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với hôm 10/4. Trong đó, giá cà phê cao nhất ở tỉnh Đắk Lắk, thấp nhất tại Lâm Đồng.

Cập nhật giá cà phê 

Giá cà phê ở khu vực Tây Nguyên dao động trong khoảng 31.000 - 31.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với hôm 10/4, theo dữ liệu giacaphe.com. Trong đó, giá cà phê cao nhất ở tỉnh Đắk Lắk, thấp nhất tại Lâm Đồng.

Giá cà phê giao tới cảng TP HCM đạt 1.364 USD/tấn tăng 4 USD/tấn.

TT nhân xôGiá trung bìnhThay đổi
FOB (HCM)1,364Trừ lùi: -60
Đắk Lăk31,800+100
Lâm Đồng31,000+100
Gia Lai31,500+100
Đắk Nông31,500+100
Hồ tiêu45,0000
Tỷ giá USD/VND23,1500
Đơn vị tính: VND/kg|FOB: USD($)/tấn

Trên thị trường thế giới, cuối phiên giao dịch hôm 10/4, giá cà phê robusta  giao trong tháng 5/2019 trên sàn London tăng 0,5% lên 1.428 USD/tấn. Giá cà phê arabica tăng 0,4%  lên 94 UScent/pound.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết mặc dù nhập khẩu cà phê Nhật Bản từ Việt Nam giảm trong 2 tháng đầu năm 2019, nhưng đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng đối với ngành cà phê nước ta. Dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê sang Nhật Bản còn rất lớn. Theo Hiệp hội thương mại cà phê Nhật Bản, nhập khẩu cà phê nhân xô Robusta Nhật Bản ngày càng gia tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng hương vị cà phê ngon và có giá thành thấp hơn này. 

Tại Nhật Bản, cà phê Robusta chủ yếu được sử dụng để sản xuất loại cà phê hòa tan và thường được bán theo gói nhỏ, phổ biến trong các hộ gia đình có một hoặc hai thành viên, hiện là nhóm tiêu dùng có xu hướng tăng. Theo công ty sản xuất thực phẩm và đồ uống Ajinomoto, cà phê hòa tan phải có đủ vị mạnh, đậm đà và đắng để cân bằng với độ ngọt của bột kem và đường. 

Đó là lý do loại cà phê Robusta được ưa chuộng. Bên cạnh đó, cà phê Robusta cũng đang giành được vị trí trong thị trường cà phê tự rang xay do các nhà cung cấp trộn chúng với loại cà phê Arabica để làm giảm giá thành. Cà phê Robusta cũng được sử dụng nhiều hơn ở các quán cà phê và trong sản phẩm của các thương hiệu riêng có giá bình dân cho các nhà bán lẻ. 

Khoảng cách địa lý gần cũng tạo lợi thế cho Việt Nam và cà phê Robusta của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Các tuyến tàu biển từ Việt Nam và các nhà sản xuất khác trong khu vực chỉ mất nửa thời gian so với cà phê Arabica từ các nước Mỹ La-tinh tới Nhật Bản. Và trong số các nhà sản xuất cà phê Đông Nam Á, Việt Nam có cơ sở sản xuất lớn hơn nên tạo được nguồn cung ổn định hơn. Mặc dù cà phê Robusa chắc chắn không thể thay thế được hoàn toàn cà phê Arabica, nhưng trong thời gian tới sẽ có sự gia tăng nhu cầu đối với các nhãn hiệu cà phê Arabica-Robusta.

Cập nhật giá hồ tiêu

Giá tiêu hôm nay ở khu vực Tây Nguyên hôm nay tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 43.000 - 46.000 đồng/kg, theo dữ liệu từ tintaynguyen.com.

Tỉnh

/huyện (khu vực khảo sát)

Giá thu mua

Đơn vị: VNĐ/kg

ĐẮK LẮK 
— Ea H'leo45,000
GIA LAI 
— Chư Sê43,000
ĐẮK NÔNG 
— Gia Nghĩa45,000
BÀ RỊA - VŨNG TÀU 
— Tiêu46,000
BÌNH PHƯỚC 
— Tiêu45,000
ĐỒNG NAI 
— Tiêu43,000

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho rằng trong ngắn hạn không thể kì vọng giá tiêu sẽ phục hồi mà phải chờ 1 - 2 niên vụ nữa.

"Hiện nay, tình hình cạnh tranh giữa các nước sản xuất tiêu trên thế giới ngày một gay gắt. Chẳng hạn như giá tiêu của Brazil cũng chỉ khoảng 2 USD/kg. Trong khi nhu cầu trên thế giới chỉ có hạn. Rất có thể người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua tiêu của Campuchia và Brazil", Chủ tịch VPA nói.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, trong tháng 3 giá hạt tiêu tại hầu hết  thị trường lớn trên thế giới đều có xu hướng tăng nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu từ sự suy yếu của đồng USD so với các đồng nội địa khác và sự suy giảm sản lượng thu hoạch của Ấn Độ - nước sản xuất tiêu lớn thứ 3 thế giới.

Cập nhật giá cao su

Trên sàn TOCOM (Nhật Bản), giá cao su giao tháng 8/2019 lúc 10h45 ngày 9/4 (giờ địa phương) tăng 0,5% lên 191,6 yen/kg.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay theo Bộ Thương mại Ấn Độ, trong tháng 01/2019 Ấn Độ nhập khẩu 90,49 nghìn tấn cao su, trị giá 162,28 triệu USD, tăng 2,2% về lượng, nhưng giảm 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu nhập khẩu từ Indonesia, Việt Nam, Hàn Quốc... 

Trong tháng 1, Ấn Độ tăng cường nhập khẩu cao su từ Malaysia (tăng 308,8%), Xin-ga-po (tăng 277,9%), Bờ Biển Ngà (tăng 118,8%) và Việt Nam (tăng 53,6%). Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 12,89 nghìn tấn, trị giá 17,84 triệu USD, tăng 53,6% về lượng và tăng 37,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ cũng tăng từ 9,5% trong tháng 01/2018 lên 14,2% trong tháng 01/2019.

Trong tháng 1, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Ấn Độ đạt 43,48 nghìn tấn, trị giá 61,02 triệu USD, tăng 5,1% về lượng, nhưng giảm 6,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Cao su tự nhiên chiếm 48,1% trong lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ. Ấn Độ nhập khẩu cao su tự nhiên chủ yếu từ các thị trường: Indonesia, Việt Nam, Malaysia... 

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp mặt hàng cao su tự nhiên lớn thứ 2 cho Ấn Độ, với thị phần chiếm 29,5% trong tổng lượng nhập khẩu của Ấn Độ. Tháng 1/2019, Ấn Độ tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng đạt 54%, lên 12,85 nghìn tấn.

Đức Quỳnh