Gần 5,2 triệu tỉ đồng tiền gửi ngân hàng được phân bổ như thế nào?
Mặt bằng lãi suất ngân hàng nhích dần lên khi cuộc đua ngày càng 'nóng' | |
Lãi suất tiền gửi cao nhất 7,3%/năm, lãi suất cho vay 11% |
Theo số liệu khảo sát từ hơn 20 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí III, số dư tiền gửi của khách hàng tăng gần 10% trong 9 tháng đầu năm với gần 5,2 triệu tỉ đồng. Trong đó, số dư tiền gửi tại ba "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước chiếm 42,8% tổng tiền gửi nhóm khảo sát.
Biểu đồ: Diệp Bình tổng hợp |
Về mặt số tuyệt đối, BIDV là ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng cao nhất với 953.513 tỉ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm. Tiếp đó là VietinBank với 825.749 tỉ đồng, tăng 9,7%; Vietcombank với 773.405 tỉ đồng, tăng 9,2%.
Một "ông lớn" còn lại là Agribank hiện chưa công bố số liệu chính thức về số dư tiền gửi cuối quí III, nhưng theo một cho biết trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp Hàn Quốc gần đây, Agribank cho biết vốn huy động thị trường 1 đạt hơn 48 tỷ USD, tương đương hơn 1 triệu tỉ đồng.
Nếu dùng con số này để ước tính thì nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ nắm giữ khoảng 58% lượng tiền gửi của hệ thống.
Ba ngân hàng có tăng trưởng nhiều nhất về số dư tiền gửi là Nam A Bank (29,1%); Ngân hàng Bản Việt (22,5%) và VietBank (19%). Ở những ngân hàng này, tăng trưởng cho vay khách hàng cũng ở mức khả quan với mức 24,9% ở Nam A Bank; 9,8% ở Bản Việt và 12,6% ở VietBank.
Trong số 26 ngân hàng khảo sát, chỉ có ba ngân hàng sụt giảm về số dư tiền gửi gồm LienVietPostBank, TPBank và PG Bank. Mức giảm nhiều nhất là 5,9% ở PG Bank trong khi hai ngân hàng khác chỉ giảm từ 0,2% đến 0,6%.
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC quí III các ngân hàng |
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết tháng 8, tổng phương tiện thanh toán của toàn hệ thống đạt khoảng gần 8,9 triệu tỉ đồng, tăng 8,49% so với cuối năm trước. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 3,16 triệu tỉ đồng, tăng 9,62% và tiền gửi của dân cư đạt 4,3 triệu tỉ đồng, tăng 8,47%.
Tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại TCTD (Nguồn: SBV) |
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%). Trong đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%).
Từ việc khoá "room" tín dụng đến tăng trưởng huy động khách hàng
Tiền gửi khách hàng là nguồn đầu vào của hoạt động cho vay, do vậy hai chỉ tiêu huy động và cho vay luôn được ngân hàng đưa ra cân đo đong đếm sao cho phù hợp với nhau để tránh sự mất cân đối. Trạng thái thừa vốn hay thiếu vốn đối với ngân hàng đều mang lại tổn thất cho ngân hàng.
Khi huy động nhiều mà không cho vay ra được, chi phí huy động tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của ngân hàng. Ngược lại, nếu không huy động vốn đủ với nhu cầu vay của khách hàng thì có thể dẫn đến việc phải từ chối khách hàng, nguy cơ mất thanh khoản.
Nhất là trong giai đoạn hiện tại, "room" tín dụng của các ngân hàng đã bị khoá lại theo Chỉ thị 04 của Thống đốc. NHNN sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 đối với các TCTD yếu kém).
Cho tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có Techcombank cho biết đã chính thức được nới room từ 14% lên 20% trong năm 2018. Nhiều ngân hàng cũng ngấp nghé muốn được tăng vốn như TPBank, LienVietPostBank,...nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có thông tin mới nào về vấn đề này.
Tại ngân hàng LienVietPostBank, tiền gửi khách hàng giảm 0,6% so với đầu năm xuống còn 127.540 tỉ đồng trong khi 6 tháng đầu năm đã tăng 14,1%. Điều này cho thấy nỗ lực tăng trưởng tiền gửi đã bị xóa bỏ trong quí III với hơn 18.000 tỷ đồng tiền gửi bị rút ra. Theo nhận xét của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), đây có lẽ là giải pháp tạm thời tốt nhất cho LienVietPostBank trong việc tối đa nguồn thu nhập lãi thuần trong khi phải hạn chế tăng trưởng tín dụng trong hiện tại.
Mặt bằng lãi suất đang tăng
Trong khi việc tăng huy động đang được cân đo ở một số ngân hàng thì cuộc đua tăng lãi suất ngân hàng được bắt đầu từ cuối tháng 8 và vẫn chưa hết "nóng" ở thời điểm hiện tại. Trong những ngày đầu tháng 11, vẫn có ngân hàng tiếp tục nâng lãi suất như VPBank, TPBank, Techcombank.
Và hàng loạt ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất trong tháng 10 như: 4 ông lớn ngân hàng thương mại Nhà nước, LienVietPostBank, NCB, TPBank, ACB, MBBank, SHB, Viet A Bank và Maritime Bank.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI mới đây, lãi suất đã tăng trên cả thị trường 1 và thị trường 2. Trong đó, trên thị trường liên ngân hàng lãi suất VND đã tăng mạnh lên trên 4,5% ở tất cả các kì hạn sau một thời gian tương đối bình ổn.
Và lần đầu tiên kể từ tháng 2/2018, khối lượng OMO lưu hành đã vượt khối lượng tín phiếu, đánh dấu sự trở lại của thời kì bơm tiền sau một thời gian dài NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu khối lượng lớn.
SSI Research cho rằng xu hướng lãi suất VND trong những tháng tới sẽ khó giảm do mùa cao điểm cuối năm cộng hưởng với nhu cầu bảo vệ đồng VND trong bối cảnh CNY tiếp tục mất giá.