|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Gã khổng lồ công nghệ cuối cùng của Mỹ rời thị trường Trung Quốc

20:11 | 15/10/2021
Chia sẻ
Microsoft sẽ dừng các dịch vụ của mạng xã hội Linkedln tại đất nước tỷ dân.

Ngày 14/10, gã khổng lồ Microsoft cho biết sẽ ngừng các hoạt động của mạng xã hội Linkedln tại Trung Quốc vào cuối năm nay. Theo trích dẫn từ công ty: "Môi trường hoạt động tại Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn khi chính phủ thắt chặt các quy định đối với các công ty công nghệ".

Theo Wired, sự rút lui của Microsoft khỏi thị trường tỷ dân không phải lần đầu tiên mà một công ty công nghệ làm điều này. Năm 2010, gã khổng lồ khác trong làng công nghệ là Google cũng rời khỏi thị trường Trung Quốc để phản đối với đề kiểm duyệt, đồng thời cáo buộc các hoạt động gián điệp tại đây.

Mạng xã hội nổi tiếng Linkedln vào thị trường Trung Quốc từ năm 2014 sau khi đồng ý chịu sự kiểm duyệt các nội dung trên trang web để tìm những thông tin sai lệch và các chủ đề nhạy cảm liên quan đến chính trị. Microsoft đã mua lại Linkedln vào năm 2016. Những năm gần đây, họ là công ty công nghệ lớn duy nhất của Mỹ cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc.

Sự rút lui của Microsoft càng làm gia tăng những nghi ngại về mối quan hệ Mỹ - Trung, vốn đã căng thẳng trong thời gian qua. "Việc thắt chặt kiểm soát của chính phủ Trung Quốc với các công ty công nghệ đi ngược với những gì mà các tập đoàn phương Tây mong muốn", Nina Xiang, một nhà phân tích tài chính tại Trung Quốc chia sẻ.

"Linkedln là công ty công nghệ lớn còn lại của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Khi đơn vị này rời đi, sự tách biệt giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới sẽ ngày càng sâu sắc hơn", ông nói thêm.

Microsoft đóng cửa Linkedln tại Trung Quốc, gia nhập 'cuộc đua rút lui' khỏi thị trường tỷ dân của các công ty công nghệ - Ảnh 1.

Linkedln rút khỏi thị trường Trung Quốc. (Ảnh: The Bangkok Post).

Microsoft có lịch sử hoạt động lâu năm tại Trung Quốc. Tập đoàn này đã thành lập một phòng nghiên cứu mang tên Microsoft Research Asia tại Bắc Kinh vào năm 1998. Nhiều nhà nghiên cứu từng được đào tạo tại đây.

Theo MarketMeChina, Microsoft sẽ tiếp tục vận hành công cụ tìm kiếm bị kiểm duyệt Bing ở Trung Quốc, mặc dù công cụ chỉ chiếm chưa đến 4% thị phần trên toàn quốc.

Áp lực đã gia tăng lên LinkedIn trong nhiều tháng. Tháng 3, các giám đốc điều hành công ty ở Trung Quốc được cho đã bị chính phủ khiển trách vì không kiểm soát được nội dung chính trị được chia sẻ trên nền tảng này, bất chấp sự kiểm duyệt. Không rõ điều gì đã xảy ra nhưng công ty đã phải "tự kiểm điểm", ngừng đăng ký người dùng mới và báo cáo với Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc trong vòng 30 ngày.

Tháng 8, công ty một lần nữa cho biết đang tạm dừng đăng ký thành viên mới thông qua ứng dụng LinkedIn. Tháng 9, công ty đã mở rộng kiểm duyệt bằng cách nói với một số nhà báo nước ngoài rằng hồ sơ của họ sẽ bị chặn với Trung Quốc.

Xu hướng rút lui khỏi thị trường tỷ dân của những ông lớn công nghệ

Không chỉ Microsoft hay Google, thời gian gần đây đã chứng kiến nhiều tập đoàn công nghệ khác lần lượt rời khỏi thị trường tỷ dân.

Theo South China Morning Post, gã khổng lồ trong ngành công nghệ đến từ Thụy Điển, Ericsson sẽ đóng cửa một trong 5 trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, chuyển 630 nhân viên đang làm việc tới một công ty có tên TietoEVRY, nhà cung cấp phần mềm tới từ Ba Lan, do mất thị phần 5G vào tay những đối thủ trong nước như Huawei Technologies Co.

Dù vậy, những nhà máy còn lại của Ericsson tại các khu vực khác, đặc biệt là Nam Kinh, nơi được coi là trung tâm 5G của hãng tại Trung Quốc sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng.

Microsoft đóng cửa Linkedln tại Trung Quốc, gia nhập 'cuộc đua rút lui' khỏi thị trường tỷ dân của các công ty công nghệ - Ảnh 2.

Ericsson đóng cửa một trong 5 viện nghiên cứu tại Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Trong khi đó, theo tờ Financial Times, những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ của Đài Loan cũng đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc để quay về thị trường quê nhà. Thậm chí, sự bùng phát của đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy xu hướng này diễn ra nhanh hơn.

Những ông lớn Đài Loan đang lên kế hoạch quay trở lại quê nhà có thể kể đến như Quanta Computer, công ty đứng thứ ba trên thế giới về dịch vụ sản xuất điện tử, chuyên cung cấp máy chủ trung tâm dữ liệu cho những ông lớn như Facebook, Google hay Innolux, nhà máy sản xuất bảng điều khiển màn hình thuộc sở hữu của Foxconn.

Công ty trong nước gặp khó khi chính phủ thắt chặt quy định

Không chỉ các công ty nước ngoài, ngay cả những gã khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ Trung Quốc cũng gặp khó trước những quy định mới về chống độc quyền và bảo mật dữ liệu của chính phủ nước này.

Dưới áp lực từ các cơ quan chức năng, Ant Group, gã khổng lồ trong lĩnh vực fintech đã phải hủy bỏ kế hoạch IPO ước tính trị giá hàng tỷ USD tại Hong Kong và Thượng Hải vào tháng 11 năm ngoái.

Tháng 4, công ty mẹ Ant Group là gã khổng lồ Alibaba cũng phải nhận mức phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD do vi phạm các quy định về chống độc quyền trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tháng 8, gã khổng lồ trong lĩnh vực gọi xe tại thị trường tỷ dân là DiDi bị khiển trách vì tiến hành IPO bất chấp những quy định từ các cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc về quyền riêng tư dữ liệu. Ứng dụng này sau đó đã bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng của Trung Quốc và phỉa chịu sự giám sát chặt chẽ.

Microsoft đóng cửa Linkedln tại Trung Quốc, gia nhập 'cuộc đua rút lui' khỏi thị trường tỷ dân của các công ty công nghệ - Ảnh 3.

Ứng dụng gọi xe DiDi bị xóa khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc. (Ảnh: CNBC).

Những công ty gia sư trực tuyến và trò chơi điện tử đều chịu chung số phận bị giám sát nghiêm ngặt, tuân theo những quy định khi cung cấp sản phẩm cho người dưới 18 tuổi.

Sự rời đi của Linkedln có thể không ảnh hưởng quá nhiều tại Trung Quốc khi chỉ có khoảng 50 triệu người dùng ứng dụng này, con số tương đối nhỏ khi so với các ứng dụng việc làm phổ biến như 51job.com hay Lie Pin, theo Apollo Technical.

Tuy nhiên, với một số người, đây là dấu hiệu cho những vấn đề lớn hơn cố thể xảy ra. Chuyên gia Kaiser Kuo, nhà đồng quản lý của The Sinica Podcast, kênh chuyên về văn hóa, kinh tế và chính trị Trung Quốc nói: "Đây là một bi kịch. Tôi hiểu tại sao Microsoft lại làm điều này. Đây có thể là cửa sổ dẫn đến một thế giới khác".

Quốc Anh

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định sẽ không buông bỏ VinFast và tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.