G7 tái khẳng định cam kết về tỷ giá hối đoái
Cam kết được đưa ra sau những cảnh báo bằng lời nói từ nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản Masato Kanda, người đã tiết lộ với các phóng viên ngày 24/5 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7, rằng Tokyo sẵn sàng can thiệp vào thị trường “bất cứ lúc nào” để chống lại các hành động đầu cơ đồng yen, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế.
Trong tuyên bố hôm 25/5 sau cuộc họp tại Stresa (Italy), các bộ trưởng G7 cho biết: “Chúng tôi tái khẳng định các cam kết về tỷ giá hối đoái đã đưa ra vào tháng 5/2027”, thể hiện sự đồng tình với lời kêu gọi của Nhật Bản rằng G7 cần nhắc lại quan điểm của mình về sự cần thiết phải ổn định thị trường tiền tệ.
G7 có một thoả thuận lâu dài rằng biến động tiền tệ quá mức và mất trật tự là điều không mong muốn và các quốc gia có quyền hành động trên thị trường khi tỷ giá hối đoái trở nên quá biến động.
Ngôn ngữ của G7 về cam kết tỷ giá hối đoái không thay đổi so với tuyên bố trước đó mà nhóm này đã đưa ra ngày 17/4, khi các nhà lãnh đạo tài chính gặp nhau ở Washington (Mỹ) bên lề các cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Theo lập luận của Tokyo, thoả thuận này cho phép các thành viên G7 tự do can thiệp vào thị trường tiền tệ để chống lại những hành động quá mức gây ảnh hưởng tới giá trị đồng yen.
Hai tuần sau cuộc họp tháng Tư của IMF, Nhật Bản được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yen, nhằm ngăn chặn những gì mà các nhà quản lý nước này mô tả là những động thái đầu cơ tiền tệ quá mức.
Mặc dù động thái này phần nào đã giữ cho đồng yen không giảm xuống dưới ngưỡng 160 yen đổi ngang 1 USD - mốc quan trọng về mặt tâm lý cho các thị trường - nhưng đồng nội tệ của Nhật Bản thực tế vẫn chưa có sự phục hồi rõ ràng. Ngày 24/5, tỷ giá đồng yen được trao đổi ở mức 156,98 yen/ 1 USD, tiệm cận mức thấp nhất trong hơn ba tuần là 157,19 yen/ 1 USD hôm 23/5.
Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chắn chắn về việc liệu các nước G7 có chấp nhận sự can thiệp sâu hơn của Nhật Bản vào thị trường tỷ giá hối đoái hay không.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, ngày 23/5, nói rằng các biện pháp can thiệp tiền tệ không nên là công cụ “thường lệ” để giải quyết sự mất cân bằng. Chúng chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp cần thiết và phải được thông báo rõ ràng.
Thông cáo của các nhà lãnh đạo tài chính G7 vào tháng 5/2017, được tái khẳng định hôm 25/5, cho biết: “Sự biến động quá mức và mất trật tự trong tỷ giá hối đoái có thể gây tác động tiêu cực tới nền kinh tế và ổn định tài chính”.
Nhưng thông cáo cũng kêu gọi tỷ giá hối đoái phải được xác định bởi thị trường và các thành viên “tham khảo ý kiến chặt chẽ về các hành động trên thị trường ngoại hối”.
Ông Kanda, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, khẳng định ông "liên lạc chặt chẽ" với các đối tác Mỹ về các vấn đề cơ bản trên thị trường hàng ngày.
Đồng yen đã bị mất 11% so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay do kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất đã bị thu hẹp, dẫn tới cách biệt giữa tỷ lệ lãi suất cao của Mỹ và lãi suất cực thấp của Nhật Bản vẫn rất lớn.
Các thị trường đang tập trung theo dõi xem liệu Chính phủ Nhật Bản có tiếp tục can thiệp vào tỷ giá hối đoái, để ngăn chặn đồng yen mất giá hơn nữa hay không.
Giá trị đồng yen yếu vốn đã trở thành vấn đề đau đầu của các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong hai năm gần đây, do tác động của chúng đến chi tiêu tiêu dùng, thông qua việc làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô.