|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Lợi nhuận doanh nghiệp toàn cầu giảm lần đầu tiên sau ba quý

15:18 | 24/05/2024
Chia sẻ
Theo dữ liệu do Nikkei thu thập, lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn thế giới giảm lần đầu tiên sau ba quý trong quý I/2024, do những khó khăn về kinh tế ở Trung Quốc ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, từ hóa chất đến thép và máy móc.

(Ảnh minh hoạ: Reuters).

Theo dữ liệu do Nikkei thu thập, lợi nhuận doanh nghiệp trên toàn thế giới giảm lần đầu tiên sau ba quý trong quý I/2024, do những khó khăn về kinh tế ở Trung Quốc ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp, từ hóa chất đến thép và máy móc.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ của Mỹ và các công ty liên quan đến chất bán dẫn đang đạt được lợi nhuận "khủng" nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) thế hệ mới, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu vào nước Mỹ.

Theo kết quả thu nhập và dự báo từ QUICK FactSet và các nguồn khác, lợi nhuận ròng của khoảng 24.600 công ty niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán toàn cầu - bao gồm các công ty ở Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu - giảm 6% trong quý I/2024, so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.110 tỷ USD.

Những công ty này chiếm hơn 90% tổng vốn hóa thị trường toàn cầu. Đáng chú ý, lợi nhuận chỉ tăng ở 9 trong số 17 ngành, so với 11 ngành trong quý IV/2023.

Trong quý I vừa qua, các công ty Trung Quốc ghi nhận lợi nhuận ròng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành ngân hàng, chiếm khoảng 40% tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Trung Quốc, đang chịu ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn.

Ngân hàng Công thương Trung Quốc, ngân hàng hàng đầu của nước này, chứng kiến lợi nhuận giảm do biên lợi nhuận thu hẹp.

Doanh số bán nhà mới tại Trung Quốc giảm khoảng 30% trong quý I, khiến nhà phát triển bất động sản lớn của nước này là Vanke bị thua lỗ. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng kéo dài của lĩnh vực bất động sản, Chính phủ Trung Quốc mới đây cho biết họ sẽ cho phép các chính quyền địa phương mua lại những căn nhà chưa bán được.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cũng đã hủy bỏ mức lãi suất tối thiểu đối với vay thế chấp. Nhưng lãi suất thấp hơn có nguy cơ khiến các ngân hàng Trung Quốc thêm phần khó khăn. Những khó khăn về kinh tế của Trung Quốc đang tác động đến các quốc gia khác và nhiều ngành công nghiệp khác nhau trên thế giới.

Trong ngành hóa chất, Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất bất chấp nhu cầu nội địa suy yếu, dẫn đến tình trạng dư thừa nguồn cung trên khắp châu Á.

Chủ tịch công ty hóa chất Sumitomo Chemical, ông Keiichi Iwata cho biết: "Chúng tôi không thể kỳ vọng những cải thiện đáng kể đối với thị trường hóa dầu châu Á trong năm nay". Công ty Nhật Bản này đã lỗ ròng trong quý I/2024.

Nippon Steel và nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO Holdings đều phải chịu cảnh lợi nhuận giảm do nguồn cung dư thừa từ Trung Quốc.

Ông Jeong Ki-seop, Giám đốc chiến lược của POSCO, cho biết: "Tình hình thị trường đã xấu đi kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 12/2023. Sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Trung Quốc do thiếu các biện pháp kích thích kinh tế, và nguồn cung dư thừa các sản phẩm của Trung Quốc đã dẫn đến sự suy yếu của thị trường Đông Nam Á".

Ngành máy móc, một ngành đi đầu cho đầu tư vốn, ghi nhận lợi nhuận giảm 14% trên toàn cầu. Trong khi đó, ngành vật liệu và năng lượng, vốn trước đây dẫn đầu đà tăng lợi nhuận toàn cầu, đã giảm 26%. BP và các nhà sản xuất dầu mỏ lớn khác đang gặp khó khăn khi giá khí đốt tự nhiên ổn định sau khi tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022.

Tập đoàn năng lượng ExxonMobil của Mỹ ngày 26/4 đã công bố lợi nhuận quý I/2024 giảm, do lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu giảm và giá khí đốt tự nhiên giảm mạnh.

Lợi nhuận của ExxonMobil trong quý đầu năm nay đạt 8,2 tỷ USD, giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu giảm 4%, xuống 83,1 tỷ USD. Giá dầu mỏ và khí đốt hóa lỏng tăng nhẹ và ExxonMobil tiếp tục đạt sản lượng lớn tại Guyana, trong khi giá khí đốt tự nhiên giảm 32%.

Hoạt động kinh doanh các sản phẩm năng lượng của ExxonMobil cũng chứng khiến lợi nhuận giảm mạnh, do lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu giảm. ExxonMobil chi 6,8 tỷ USD cho việc chia cổ tức và mua lại cổ phiếu trong quý I/2024.

FactSet nhận định tăng trưởng lợi nhuận ngành năng lượng đạt 14,6% trong quý II/2024, trong khi quý III và quý IV/2024 giảm tương ứng 2,7% và 0,2%, khi giá dầu thô giảm từ mức đỉnh.

Lợi nhuận trong ngành tài chính cũng giảm quý thứ hai liên tiếp trong quý I/2024. Lãi suất cao ở Mỹ đã hạn chế nhu cầu vay vốn, gây thiệt hại cho Bank of America và các tổ chức hàng đầu khác phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các ngân hàng địa phương đang lao vào cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi, làm chi phí của họ cao hơn.

Một loạt công ty Mỹ đang phải đối mặt với một vấn đề mà họ không nghĩ sẽ gặp phải trong năm nay; đó là đồng USD tăng giá. Ước tính từ bộ phận nghiên cứu thị trường thuộc ngân hàng Bank of America (BofA Global Research) cho thấy đồng USD cứ tăng 10% so với cùng kỳ năm trước sẽ làm giảm khoảng 3% thu nhập của các công ty thuộc nhóm chỉ số tổng hợp S&P 500.

Ngược lại, các ngành công nghiệp được hưởng lợi từ AI lại bùng nổ. Lợi nhuận của lĩnh vực công nghệ thông tin tăng 13%, trong khi lĩnh vực điện tử tăng 26%.

Trong số những "gã khổng lồ" công nghệ của Mỹ, được gọi chung là GAFAM – (gồm Alphabet - công ty mẹ của Google, Apple, Meta - công ty mẹ của Facebook, Amazon và Microsoft), tất cả trừ Apple đều chứng kiến lợi nhuận tăng trong quý I/2024. Lợi nhuận ròng của Amazon tăng hơn gấp ba lần nhờ các dịch vụ đám mây, vốn là chìa khóa của AI.

Grab Holdings, có trụ sở chính tại Singapore, dự kiến lợi nhuận ròng cả năm sau khi điều chỉnh sẽ cao hơn so với dự báo ban đầu. Điều này là nhờ lượng du khách quốc tế đến Đông Nam Á tích cực sử dụng dịch vụ gọi xe trong quý I/2024.

Công ty công nghệ niêm yết trên Nasdaq này đã nâng mức lợi nhuận dự kiến cho năm 2024 lên khoảng 250 - 270 triệu USD trên cơ sở EBITDA được điều chỉnh (lợi nhuận trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ), tăng so với mức dự báo lợi nhuận 180 - 200 triệu USD trước đó và đảo ngược mức lỗ 22 triệu USD trong năm 2023.

Công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn này đã giữ nguyên dự báo doanh thu 2,7 - 2,75 tỷ USD trong năm nay, tăng 14 - 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường châu Âu nói chung đang trên đà phục hồi chậm trong bối cảnh lãi suất cao. Nhà sản xuất hóa chất BASF của Đức ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 12% do nhu cầu trì trệ. Cựu Chủ tịch BASF Martin Brudermueller cho biết các doanh nghiệp châu Âu vẫn thận trọng với môi trường kinh doanh.

Deutsche Bank, ngân hàng cho vay lớn nhất của Đức, vừa công bố khoản lãi ròng 1,45 tỷ euro (1,56 tỷ USD) trong ba tháng đầu năm nay, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này vượt qua dự đoán của các nhà phân tích và cũng đánh dấu mức lợi nhuận quý I hàng năm cao nhất của tập đoàn kể từ năm 2013.

Tổng doanh thu nhập, tức là lợi nhuận trước khi khấu trừ chi phí, của Deutsche Bank tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 7,8 tỷ euro, chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng của thu nhập từ tiền hoa hồng và phí.

Trong khi đó, doanh thu từ mảng đầu tư của Deutsche Bank tăng 13%, đạt 3 tỷ euro. Kết quả này được thúc đẩy bởi mức tăng 7% trong hoạt động giao dịch các tài sản thu nhập cố định như trái phiếu.

Doanh thu từ hoạt động tư vấn và sắp xếp vốn trong mảng đầu tư của Deutsche Bank cũng tăng 54%, mức cao nhất trong chín quý, và doanh thu từ các dịch vụ tài chính tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, rất mạnh mẽ. Các nhà sản xuất của Nhật Bản chứng kiến lợi nhuận ròng tăng 30% trong quý I vừa qua, giữa bối cảnh đồng yen yếu tạo động lực cho các công ty tập trung vào xuất khẩu.

Toyota, nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, vừa báo cáo lợi nhuận hoạt động hàng năm đạt 5.000 tỷ yen (32 tỷ USD), đánh dấu lần đầu tiên một công ty Nhật Bản đạt được mức lợi nhuận này, với tỷ suất lợi nhuận ròng dẫn đầu ngành là 11,9%.

Khi Toyota giới thiệu chiếc xe hybrid (xe lại chạy bằng cả xăng và điện) đầu tiên trên thế giới vào năm 1997, mỗi chiếc xe Prius bán ra đều lỗ. Nhiều thập kỷ sau đó, doanh số bán dòng xe này đã bùng nổ ấn tượng, mang lại nguồn tiền mặt đáng kể cho hãng xe Nhật Bản.

Doanh số bán xe hybrid của Toyota tăng vọt 32%, lên 3,59 triệu chiếc trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào 31/3/2024), chiếm 1/3 tổng số xe mà hãng này bán ra.

Ông Masahiro Yamamoto, Giám đốc phụ trách kế toán của Toyota, cho biết tại buổi họp báo sau khi công bố kết quả kinh doanh: "Hiện tại, lợi nhuận từ xe hybrid của Toyota so với xe động cơ xăng đã ngang bằng nhau, thậm chí còn cao hơn ở một số mẫu xe nhất định. Điều này có nghĩa là càng bán được nhiều xe, chúng càng đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận của hãng".

Minh Trang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.