FinTech - Viễn cảnh nào cho ngành ngân hàng?
FinTech - Viễn cảnh nào cho ngành ngân hàng? (Ảnh minh hoạ) |
Thuật ngữ FinTech mặc dù được sử dụng rộng rãi gần đây nhưng vẫn chưa có một định nghĩa chính thống vì nó liên quan đến nhiều thuật ngữ khác trong sáng tạo và công nghệ, một lĩnh vực mà sự thay đổi diễn ra rất nhanh chóng. Không những thế, một số định nghĩa tách biệt giữa sáng tạo (innovation - thích ứng với các quy định hiện nay) và đột phá (disruption - bỏ cái cũ). Theo Hội đồng vì sự ổn định tài chính (FSB) và Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS), FinTech được định nghĩa là “các sáng tạo trong tài chính dựa trên nền tảng công nghệ nhằm tạo ra các mô hình kinh doanh, ứng dụng, quy trình, hay sản phẩm mới có tác động cụ thể đến các thị trường và định chế tài chính, cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính”.
Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ về quy mô cũng như sự phát triển của FinTech, nhưng chỉ dựa trên đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC fund) cũng đã cho thấy tác động của nó đến ngành ngân hàng. Theo một báo cáo của KPMG, đầu tư của các quỹ VC trên toàn thế giới năm 2016 vào các công ty FinTech là 13,6 tỉ đô la Mỹ qua 840 thương vụ. Dĩ nhiên, bên cạnh các quỹ VC còn có các định chế tài chính lớn, các ngân hàng lớn và các công ty công nghệ lớn (bigtech - e.g. GAFAA). Đến cuối năm 2016, tổng vốn đầu tư dồn tích vào FinTech là hơn 100 tỉ đô la Mỹ, ở hơn 8.800 doanh nghiệp.
Sự phát triển của FinTech đem lại nhiều cơ hội như: tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân, cá nhân hóa các dịch vụ ngân hàng để phục vụ tốt hơn, chi phí giao dịch thấp, có thể giao dịch trong thời gian thực (real time), tăng cạnh tranh, tăng hiệu quả của giám sát thông qua sự hợp tác chéo giữa các ngành, các nước.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia, khoảng 10-40% doanh thu và 20-60% lợi nhuận của ngân hàng bán lẻ bị FinTech đe dọa trong vòng 10 năm tới. Một số liệu khác còn cho thấy khoảng một phần ba các khoản vay trên thị trường phi chính thức (shadow banking) do các doanh nghiệp FinTech nắm giữ. Nhưng cũng có nhiều chuyên gia không bi quan khi cho rằng các ngân hàng đủ khả năng thâu tóm các đối thủ này, từ đó nâng cao năng suất và hiệu quả của ngân hàng.
Thách thức của FinTech đối với ngành ngân hàng
Dựa trên nền tảng công nghệ, các doanh nghiệp FinTech tham gia cạnh tranh vào hầu hết các dịch vụ hiện có của ngân hàng, từ hoạt động tín dụng, huy động vốn, thanh toán, và quản lý đầu tư. Bảng dưới đây mô tả cụ thể các dịch vụ mà FinTech có lợi thế trong việc cạnh tranh với ngân hàng:
Theo khảo sát mới nhất của BCBS, khoảng 41% các doanh nghiệp FinTech cung cấp các dịch vụ liên quan đến thanh toán, lưu ký bảo lãnh; 27% các dịch vụ bổ trợ trong dịch vụ tài chính; 18% trong cho vay, tiền gửi và huy động vốn; 9% là dịch vụ quản lý đầu tư và 5% là các dịch vụ khác.
Các ngân hàng, luôn đương đầu với nhiều rủi ro như thanh khoản, tín dụng, hoạt động... thì hiện nay và sắp tới còn phải ứng phó với nhiều rủi ro khác từ cạnh tranh với FinTech. Tác động của công nghệ đối với ngành ngân hàng diễn ra ngày càng nhanh vì khả năng tiếp cận công nghệ nhanh của công chúng. Nếu như trước đây, công nghệ ATM cần hơn hai thập niên, thì Internet/mobile banking phổ cập nhanh hơn nhiều.
Các rủi ro do sự phát triển và áp dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng tác động lên không chỉ khách hàng mà cả hệ thống ngân hàng. Các khách hàng có thể bị đe dọa về quyền riêng tư, an toàn của thông tin, gián đoạn dịch vụ ngân hàng, hay các cách thức tiếp thị không phù hợp. Ngành ngân hàng có thể bị đe dọa về lợi nhuận, gia tăng mức độ các nhóm rủi ro khác trong kinh doanh, không đáp ứng được hay vi phạm các yêu cầu của các cơ quan quản lý như bảo mật thông tin khách hàng, chống rửa tiền, tài trợ hoạt động khủng bố...
Năm viễn cảnh của ngành ngân hàng
Theo BCBS, có năm viễn cảnh có thể xảy ra với ngành ngân hàng. Tuy vậy, khả năng chỉ một viễn cảnh xảy ra là rất thấp. Thay vào đó, có sự pha trộn giữa năm viễn cảnh ở từng thị trường khác nhau, phụ thuộc vào sự phát triển của công nghệ và mức độ phát triển của thị trường, trong đó có khung quản lý giám sát
1. Các ngân hàng hiện tại tự đổi mới thông qua hiện đại hóa và số hóa. Trong tình huống này, với lợi thế về hiểu biết thị trường, tiềm lực tài chính, các ngân hàng ứng dụng các công nghệ mới hoặc phát triển các công nghệ hiện có như điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), sổ cái phân tán (DLT) trên nền tảng blockchain. Ngoài ra, các công nghệ được sử dụng trong các doanh nghiệp phi ngân hàng cũng có thể được các ngân hàng truyền thống sử dụng, như sinh trắc học, chatbot, thanh toán di động, tư vấn tự động.
2. Ngân hàng thế hệ mới (neo-bank) thay thế ngân hàng truyền thống. Trong tình huống này, các ngân hàng truyền thống không thể tồn tại trước làn sóng công nghệ đột phá và bị thay thế bởi các ngân hàng thế hệ mới hay các ngân hàng của các công ty công nghệ lớn. Vũ khí quan trọng của các neo-bank là hiệu quả trên chi phí và sự sáng tạo. Các ngân hàng này vẫn tuân thủ quy định trong việc cấp giấy phép hiện hành và giao dịch trực tiếp với khách hàng. Một số neo-bank đang nổi lên trên thị trường như Atom, Monzo (Anh), Bunq (Hà Lan), WeBank (Trung Quốc), N26 (Đức), Simple, Varo Money (Mỹ), Fidor (Anh và Đức), Wanap (Argentina).
3. Ngân hàng kết hợp cùng doanh nghiệp FinTech cung cấp dịch vụ tài chính. Theo đó, các ngân hàng truyền thống hợp tác cùng các doanh nghiệp FinTech dưới nhiều hình thức khác nhau để cùng chia sẻ việc cung cấp các dịch vụ. Minh chứng cho mô hình này là việc gia tăng sử dụng các APIs mở (open API), các dịch vụ thanh toán di động (Apple Pay, Samsung Pay, Android Pay) và DLT giữa các ngân hàng.
4. Ngân hàng trở thành bên thứ ba cung cấp dịch vụ, nhường dịch vụ khách hàng trực tiếp cho cho các doanh nghiệp FinTech hay bigtech. Trong tình huống này, các ngân hàng truyền thống được sử dụng do đã có giấy phép trong các dịch vụ ngân hàng cơ bản. Các doanh nghiệp FinTech thông qua các giao diện tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của mình, cung cấp nhiều dịch vụ từ nhiều ngân hàng khác nhau.
5. Ngân hàng không còn phù hợp và biến mất, vì khách hàng tương tác trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân là các FinTech. Khả năng này dù ít xảy ra, nhưng đã có những dấu hiệu như sự xuất hiện của các nền tảng cho vay giữa các cá nhân (P2P lending) cũng như các loại tiền mã hóa (cryptocurrencies).
Trong khuôn khổ hội thảo Tài chính ngân hàng VSBF 2017 sẽ được tổ chức tại Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TPHCM từ ngày 26 đến 28-10-2017, có một phiên thảo luận (workshop) chuyên về FinTech và Regulation, với sự tham gia các chuyên gia, nhà nghiên cứu quốc tế. Website của hội thảo: www.vsbf2017.sciencesconf.org
(*) Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, Hội các nhà chuyên gia và khoa học Việt Nam (AVSE)
Vén bức màn định giá start-up công nghệ và fintech
Làn sóng start-up công nghệ toàn cầu đang nổi lên với những giá trị doanh nghiệp cao ngất. Nhà đầu tư nói chung và giới ... |