FIDT gợi ý 8 nhóm cổ phiếu tăng trưởng nhất năm 2023
Theo đó, FIDT nhận định trong năm 2023 các doanh nghiệp nhiệt điện có thể sẽ được huy động nhiều hơn để thay thế cho việc suy giảm sản lượng thủy điện trong khi năng lượng tái tạo đang đợi cơ chế mới. Cùng với đó giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) kỳ vọng duy trì ở mức do chí phí than và khí đầu vào vẫn ở mức cao và nhu cầu nhiệt điện cao hơn.
Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, FIDT chỉ ra ba yếu tố giúp ngành này có nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2023 gồm chính phủ phát động chuyển đổi số; Tăng cường đầu tư cho công nghệ được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh nhằm đối phó với áp lực ngày càng tăng trong việc nhanh chóng đưa các sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ công nghệ ra thị trường và đạt được hiệu quả;
Cùng với xu hướng làm việc từ xa và hybrid (mô hình kết hợp) được ưa chuộng hậu giãn cách tại các nước phát triển khi nhân sự đã hình thành thói quen làm việc mới và thân thuộc với các hệ thống, quy trình được tự động hóa.
Ngành có tiềm năng lớn tăng trưởng trong năm 2023 tiếp theo là đường, với giá đường nội địa được hỗ trợ nhờ quyết định áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước Asian.
Thời gian tới, giá đường Việt Nam dự kiến sẽ biến động theo giá đường thế giới, theo xu hướng các nước sản xuất mía đường chuyển sang chế biến ethanol. Việc áp thuế này tác động tốt đến giá đường trong nước, các doanh nghiệp trong ngành sẽ hưởng lợi lại nhờ biên lợi nhuận được nới rộng.
Tiếp đến là ngành cao su, FIDT cho biết giá cao su được dự báo sẽ duy trì ở mức cao nhờ nguồn cung trên thế giới đang thiếu hụt. Bên cạnh đó kỳ vọng Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cao su và nhiều dự án đang đợi chuyển đổi đất trồng cao su để làm khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ tiến triển trong năm 2023.
Đối với ngành dịch vụ hàng không, giai đoạn từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1/2023 là giai đoạn cao điểm của thị trường do kỳ nghỉ lễ Noel, Tết Dương lịch và Tết âm lịch nên nhu cầu đi lại tăng đột biến, kèm với đó giá nhiên liệu giảm giúp các hãng hàng không khai thác hiệu quả hơn trong giai đoạn đầu năm.
Bên cạnh đó, nhu cầu du lịch phục hồi mạnh, các hãng hàng không Việt Nam khai thác trở lại đường bay thường lệ tới Trung Quốc. Tỷ giá USD/VND có xu hướng giảm, từ đó hỗ trợ giảm bớt áp lực các khoản nợ bằng USD. Kỳ vọng việc đầu tư các máy bay giúp các doanh nghiệp hàng không cải thiện chất lượng bay, hỗ trợ mức tăng trưởng tốt trong dài hạn.
Với ngành cá tra, FIDT nhận định cá tra sẽ là điểm sáng đặc biệt và đáng chú ý hơn cả trong nhóm ngành thủy sản nhờ giá thành rẻ, dễ tiêu thụ, nhu cầu bị kìm nén thời gian dài và số lượng lớn nhà hàng kích hoạt trở lại và có khả năng tăng trưởng nhờ đón khách du lịch quay lại.
Đồng thời các hiệp định thương mại tự do FTA là bàn đạp giúp ngành này giảm bớt được tính chu kỳ khi sản lượng sẽ tăng trưởng đều và ổn định hơn.
Tiếp đến là ngành bảo hiểm, mảng phí bảo hiểm tiếp tục tăng trưởng, thị trường bảo hiểm đang có nhiều dư địa để phát triển khi mà thị trường dần ổn định so với năm 2021 do dịch COVID-19, mức sống của người dân không ngừng tăng lên.
Kèm với việc được hưởng lợi kép từ môi trường lãi suất cao khi tăng lợi nhuận từ tiền gửi và giảm chi phí dự phòng toán học do lãi suất chiết khấu tăng. Mảng doanh thu tài chính chịu ảnh hưởng từ trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục tài sản tùy thuộc vào số lượng và tỷ trọng nắm giữ của từng công ty bảo hiểm.
Cuối cùng là ngành thăm dò và khai thác dầu khí, FIDT chỉ ra điểm tích cực là nhờ nhu cầu tiêu thụ dầu hồi phục từ đầu năm, giá dầu tăng dẫn đến sự tăng giá ở các dịch vụ dầu khí như giá cho thuê dàn khoan, giá cho thuê kho chứa dầu nổi.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa các triển vọng tích cực thành lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc ngành này ở Việt Nam khó dự báo và thường phù hợp cho đầu cơ ngắn hạn.