|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VFS: Thời điểm khó khăn nhất của dòng tiền đã qua, chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy trung hạn quanh 873 điểm

15:00 | 29/12/2022
Chia sẻ
VFS nhận định chứng khoán Việt Nam khả năng cao đã tạo đáy trung hạn quanh vùng 873 điểm, VN-Index dự báo sẽ dao động trong biên độ từ 875 – 1.050 điểm.

Trong báo cáo vĩ mô tháng 12, CTCP Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS) cho biết lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt nhanh hơn dự kiến nhưng vẫn duy trì ở mức cao, vượt xa mục tiêu 2% của Fed.

Cụ thể, lạm phát Mỹ đạt 7,1% thấp hơn so với dự báo 7,3%, là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, lạm phát tại Trung Quốc và khu vực châu Âu cũng diễn biến tương tự lần lượt đạt 1,6% và 10% cho thấy những làn sóng tăng lãi suất đã phần nào đem lại hiệu quả.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực từ lạm phát không đủ mạnh mẽ để thị trường quá lạc quan về lộ trình tăng lãi suất của Fed. Theo đó, FOMC hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế Mỹ 2023 xuống 0,5% so với mục tiêu 1,2% trước đó hồi tháng 9 và phát đi tín hiệu sẽ không hạ lãi suất cho đến năm 2024 cho thấy kiểm soát lạm phát vẫn đang là mục tiêu hàng đầu và FED cũng sẵn sàng đánh đổi với tăng trưởng kinh tế nếu cần.

CPI các nền kinh tế lớn và giá dầu. (Nguồn: VFS).

Khó khăn dự báo sẽ tiếp tục bởi ba nguyên nhân

Về tình hình trong nước, VFS nhận định mảng bán lẻ và dịch vụ có tăng trưởng nhưng chưa trở lại được mức bình thường như trước dịch COVID-19. Trong khi các nhóm ngành sản xuất và xuất khẩu lại có dấu hiệu chậm lại đà tăng trưởng, thu hẹp đầu tư và tăng trưởng âm cho thấy nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

VFS dự báo khó khăn vẫn sẽ tiếp tục bởi ba nguyên nhân. Đầu tiên là lãi suất duy trì ở mức cao đẩy chi phí vốn nền kinh tế tăng. Thứ hai là thanh khoản nguồn vốn tín dụng căng thẳng gây khó khăn cho việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp. Cuối cùng là kênh trái phiếu cũng đang đối mặt với áp lực đáo hạn giai đoạn cuối năm. 

 Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. (Nguồn: VFS).

Tuy nhiên, VFS cho rằng tỷ giá và lạm phát tạm thời được kiểm soát sẽ tạo tiền đề để Ngân hàng Nhà nước tập trung cải thiện sức khoẻ nền kinh tế thông qua các biện pháp như sửa đổi Nghị định 65 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết bài toán trái phiếu riêng lẻ, nỗ lực lấy lại niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường.

Và giảm áp lực chính sách tiền tệ bằng việc không tăng mạnh hoặc sẽ giữ nguyên lãi suất điều hành, bơm tiền hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn cho thị trường.

Tỷ giá đã tạm thời được kiểm soát. (Nguồn: VFS).

Chứng khoán Việt Nam khả năng cao đã tạo đáy trung hạn quanh vùng 873 điểm

Từ những phân tích vĩ mô thế giới và trong nước, VFS dự báo thị trường chứng khoán xu hướng dao động đi ngang trong biên độ.

Dòng tiền trong nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ bớt căng thẳng hơn và dần hồi phục trở lại từ cuối 2022 nhờ các vấn đề về tỷ giá và lạm phát đang tạm ổn định, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có những động thái bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế.

Điểm nghẽn khó khăn nhất hiện vẫn nằm ở vấn đề thanh khoản trung dài hạn, lãi suất và đáo hạn trái phiếu và sẽ cần nhiều thời gian hơn để khắc phục. Tuy nhiên, có lẽ thời điểm khó khăn nhất của dòng tiền đã qua.

Chứng khoán Việt Nam khả năng cao đã tạo đáy trung hạn quanh vùng 873 điểm. VFS dự báo chỉ số chung VN-Index sẽ dao động trong biên độ từ 875 – 1.050 điểm tương ứng với mức biến động khoảng 20%.

Lạm phát đã tạm thời được kiểm soát. (Nguồn: VFS).

Diệu Nhi