Mở đầu câu chuyện cảm nhận của những bộ phận tham gia thị trường trong một năm 2022 đầy sóng gió, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn anh Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc chiến lược đầu tư của SSI Research, người đang thực hiện chương trình livestream hàng ngày nhằm tư vấn chiến lược đầu tư và cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư (NĐT).
PV: Chứng khoán Việt Nam sắp khép lại một năm 2022 đầy biến động, anh có thể nói ngắn gọn về thị trường năm nay trong ba từ?
- Năm 2022 chắc chắn rằng là một năm đáng nhớ với NĐT, đặc biệt những người mới tham gia thị trường trong khoảng thời gian “tiền rẻ” 2020 và 2021. Có rất nhiều từ để mô tả năm 2022, tùy thuộc vào kinh nghiệm, góc nhìn của mỗi NĐT. Trên quan điểm cá nhân tôi, ba từ cho năm 2022 là “cơ hội, kỷ luật và kinh nghiệm”.
Tôi nghĩ cơ hội xuất hiện nhiều trong bối cảnh nhiều cổ phiếu cơ bản tốt, cổ phiếu đầu ngành có mức chiết khấu đáng kể so với giá trị nội tại (intrinsic value) cũng như tiềm năng tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp. Đó là cơ hội cho những NĐT theo trường phái mua và nắm giữ.
Thứ hai liên quan đến kỷ luật, NĐT cần tuân thủ các nguyên tắc về điểm mua bán, quản trị rủi ro (dừng lỗ). Như tôi chia sẻ trong các chương trình tư vấn, trước khi muốn “nhân tiền”, muốn và gia tăng tài sản, điều trước hết phải giữ được tiền. Năm 2022 là năm của quản trị danh mục và tuân thủ kỷ luật, đặc biệt dành cho những NĐT đã hoàn thiện phương pháp và chiến lược.
Thứ ba là kinh nghiệm. Nếu quay lại với giai đoạn thị trường tăng điểm (uptrend) năm 2020 – 2021, việc NĐT không chuyên, chưa hiểu thị trường nhưng cứ giải ngân, mua xong và có lời là điều diễn ra thường xuyên, bởi vì lúc đó thị trường tốt, nước lên thuyền lên. Khi đó NĐT không có bài học gì để đúc kết. Tuy nhiên bước sang giai đoạn biến động như năm 2022, chúng ta mới có được kinh nghiệm để quản trị danh mục, tích sản bền vững.
PV: Anh vừa nói đến cơ hội, kỷ luật, kinh nghiệm, nhưng thực tế một bộ phận đang “kẹp” cổ phiếu, mua mới họ không còn tiền, sợ cắt lỗ vì giá giảm đã khá sâu. NĐT nên làm thế nào để cơ cấu lại danh mục?
- Để trả lời câu hỏi, trước tiên NĐT phải xác định bây giờ chúng ta mua bán cổ phiếu theo phong cách nào. Theo tôi, có thể phân loại thành 2 nhóm. Thứ nhất là NĐT chuyên ngắn hạn (thời hạn nắm giữ cổ phiếu thông thường dưới một tháng, thậm chí là vài ngày). Thứ hai là NĐT mua và nắm giữ dài hạn, tức là mua cổ phiếu, tích lũy dần, chờ một vài năm rồi bán ra. NĐT tùy theo trường phái nào sẽ có cách xử lý riêng với danh mục hiện tại.
Đối với những NĐT dài hạn với các cổ phiếu trong danh mục là những đại diện đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, có vị thế cạnh tranh cao. Trong ngắn hạn khi thị trường biến động nhóm này có thể ghi nhận lỗ nhưng khi chu kỳ của nền kinh tế quay trở lại, doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, khi đó NĐT có thể ghi nhận mức sinh lời trở lại. Do đó với nhóm này, việc nắm giữ cổ phiếu có thể sẽ được duy trì.
Còn với nhóm NĐT giao dịch ngắn hạn, thông thường nhóm này mua nhanh bán nhanh, ưu tiên sử dụng phân tích kỹ thuật hoặc giao dịch theo tin. Nếu đang “kẹp” cổ phiếu, nhóm này có thể canh những nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng từng phần.
Còn với những NĐT ngắn hạn đang nắm giữ tiền mặt có rất nhiều lợi thế để mua cổ phiếu với nền giá thấp hoặc khi cổ phiếu cho điểm mua trở lại.
PV: Theo anh những ngành nào sẽ lên ngôi trong năm 2023?
- Năm 2023 tôi cho rằng mỗi ngành sẽ có một giai đoạn, khoảng thời gian nhất định trở thành một ngôi sao sáng thay vì chờ đợi một lĩnh vực dẫn dắt xuyên suốt cả năm. Có rất nhiều lĩnh vực có thể tìm kiếm cơ hội trong năm tới như ngân hàng, chứng khoán, xây dựng hạ tầng, khu công nghiệp hay công nghệ thông tin.
Lý do tôi lựa chọn nhóm ngân hàng, khu công nghiệp và công nghệ thông tin dựa trên góc nhìn về lợi nhuận khi nhiều đại diện trong các lĩnh vực kể trên có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong năm 2023.
Nhóm chứng khoán thường tăng đầu tiên trong mỗi nhịp hồi phục của thị trường nên NĐT ngắn hạn có thể sẽ ưu tiên trong các đợt tăng giá của VN-Index. Với nhóm xây dựng hạ tầng, các đại diện trong nhóm này sẽ có cơ hội dựa vào thông tin từ các dự án như sân bay Long Thành, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam.
PV: Trở lại với công việc của cá nhân, theo dõi những tháng qua anh luôn đồng hành với NĐT mỗi sáng sớm dù thị trường tăng mạnh hay liên tục giảm sâu. Nhiều thời điểm thị trường rất bi quan, làm thế nào để anh luôn cân bằng, giữ vị thế khách quan?
- Đam mê của tôi là chứng khoán nên dù thị trường khó hay dễ thì tôi vẫn sẽ ở đây và đồng hành với NĐT. Từ hồi đang là sinh viên, tôi xác định rất sớm là con đường sự nghiệp của mình sau này sẽ tập trung với ngành chứng khoán. Đây là một lĩnh vực giúp chúng ta cải thiện kiến thức kinh tế, tài chính; rèn luyện bản thân và cho phép gia tăng tài sản. Khi đã gắn bó với đam mê rồi, tôi nghĩ là cũng không quá khó để vượt qua một năm biến động như năm 2022 do tôi cũng đã đúc rút được không ít kinh nghiệm trong các giai đoạn khó khăn trước đây của thị trường.
PV: Theo dõi những buổi livestream tư vấn, NĐT liên tục muốn được “phím hàng”, nóng ruột để “vào bờ”, anh có áp lực việc phải tư vấn nhanh như vậy?
- Từ vai trò của một nhà tư vấn, tôi sẽ luôn định hướng NĐT cố gằng hoàn thiện chiến lược và kỷ luật giao dịch. Với những cổ phiếu chúng ta mua chuẩn kỹ thuật và cho mức sinh lời đúng như kỳ vọng thì chúng ta sẽ cân nhắc nắm giữ tiếp để tối ưu hóa lợi nhuận còn với những cổ phiếu đã mua sai, chúng ta sẽ sử dụng các mức stop loss để dừng lỗ ngay lập tức. Do đó, với NĐT theo dõi chương trình Cà phê Chứng, chúng tôi đặt hiệu quả lên hàng đầu và không có câu chuyện “kẹp hàng hay về bờ”. Khi bạn lỗ thì hãy cắt lỗ sớm và tìm cơ hội khác hoặc chờ đợi tín hiệu mua trở lại.
Còn về áp lực tư vấn trong chương trình livestream thì thông thường thời gian bình quân tôi xử lý câu hỏi từ 30 giây đến hơn 1 phút. Với một tốc độ như thế nhưng tôi cũng không gặp áp lực lớn vì tôi cũng đã có kinh nghiệm nhiều năm và cũng xây được cho mình một kho kiến thức, kỹ năng đáng kể để hỗ trợ nhà đầu tư cũng như khách hàng của SSI.
PV: Gần 10 năm gắn bó chứng kiến nhiều đợt VN-Index điều chỉnh mạnh, 2022 cho bản thân anh bài học gì?
Khác với các yếu tố ảnh hưởng tới thị trường trong các đợt điều chỉnh 2018 hay 2008, năm 2022 chúng ta đón nhận thời kỳ lãi suất tăng sau giai đoạn “tiền rẻ” 2020 - 2021, bên cạnh tác động đến từ thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Mặc dù vậy trong giai đoạn quý IV/2022, chúng ta đón nhận nhiều hơn các yếu tố tích cực của thị trường, từ câu chuyện Fed hạ nhiệt kế hoạch tăng lãi suất, bên cạnh đó là việc điều chỉnh chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Khối ngoại mua ròng cũng là điểm sáng dành cho TTCK trong giai đoạn cuối năm
Tôi nhận thấy năm 2022 các yếu tố tác động có thể khác đi nhưng các mẫu hình kỹ thuật từ trong quá khứ là tư liệu quan trọng giúp NĐT, đặc biệt là NĐT ngắn hạn có thể phản ứng với thị trường và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý
Và như tôi đã đề cập ở trên, năm 2022 cũng là năm của quản trị danh mục. Nếu không có phương pháp đầu tư chuẩn, bài bản, học cách xử lý danh mục khi giá cổ phiếu đi ngược với kỳ vọng của mình thì tôi nghĩ sẽ khó để có lợi nhuận trong năm nay.
PV: Ở thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, anh kỳ vọng gì cho năm mới 2023?
Năm 2023 tôi nhận thấy nhiều câu chuyện khả quan hơn nếu đặt trong quan hệ so sánh với năm 2022, bao gồm các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản và thị trường trái phiếu sẽ bắt đầu đi vào thực tiễn; Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng dịch và tạo tiền đề cho hoạt động tái mở cửa nền kinh tế cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tốt cho hoạt động xuất khẩu và ngành du lịch của Việt Nam. Bên cạnh đó là câu chuyện đầu tư công với điểm sáng là sân bay Long Thành.
Đan xen với những điểm sáng kể trên, tôi vẫn nhận thấy gam màu xám trong bức tranh của thị trường, bao gồm tình hình nợ xấu tại hệ thống ngân hàng thương mại bên cạnh năng lực trả nợ trái phiếu của một bộ phận các doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Kết hợp với góc nhìn về phân tích kỹ thuật, tôi đánh giá khả năng side-way (đi ngang) của thị trường sẽ chiếm ưu thế trong năm 2023, trước khi quay lại với xu hướng tăng trung và dài hạn.
Để gửi tới một lời cuối cho NĐT thay cho lời chúc năm mới, tôi muốn nói rằng thị trường chứng khoán chưa bao giờ thiếu đi cơ hội, quan trọng là chúng ta có đủ kiên nhẫn và sẵn sàng nắm bắt hay không
Xin cảm ơn anh trả lời phỏng vấn!
Bài: Lợi Hoàng
Thiết kế: Alex Chu