FED tăng lãi suất và “điều may mắn” cho Việt Nam
Ngày 14/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức nâng lãi suất cơ bản đồng USD thêm 25 điểm và dự tính sẽ có ba lần tăng tương tự trong năm 2017.
Tỷ giá USD/VND trong ngày 15/12 cũng ghi nhận bước tăng mạnh, lên phổ biến 22.770 VND ở giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại.
Dù khoảng cách giữa giá mua vào với bán ra vẫn bình thường, chênh khoảng 70-80 VND, nhưng một lần nữa tỷ giá USD/VND là điểm kết nối đầu tiên của thị trường Việt Nam với sự kiện trên của FED.
Cũng trong ngày 15/12, Ngân hàng HSBC Việt Nam có bản phân tích nhanh, với nhận định của ông Ngô Đăng Khoa, Trưởng phòng kinh doanh ngoại hối và trái phiếu, với vùng tác động rộng hơn, lâu dài hơn của sự kiện đó.
Theo phân tích của chuyên gia HSBC, khi FED bắt đầu tăng lãi suất, chi phí lãi vay sẽ tăng lên, nguồn vốn nóng sẽ rút ra khỏi các thị trường đang phát triển chảy ngược về Mỹ để hưởng mức lãi suất mới cao hơn và các đồng tiền của các thị trường đang phát triển sẽ chịu rất nhiều áp lực về phá giá.
Điều đó diễn ra trong bối cảnh các đồng tiền này đã chịu áp lực sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 vừa qua. Và so với ngày 14/12, hầu hết các đồng tiền trong khu vực mới nổi ngày 15/12 đều mất giá so với USD như CNY mất 0,32%, THB mất 0,38%…
Đồng Việt Nam không phải là ngoại lệ khi chịu áp lực của việc các đồng tiền trong khu vực mất giá. Ngoài ra, cán cân thương mại đã quay trở lại trạng thái nhập siêu trong hai tháng gần đây với tổng mức nhập siêu khoảng 700 triệu USD cũng tạo áp lực lên tỷ giá USDVND.
Theo nhìn nhận của HSBC, tâm lý thị trường khá thận trọng sau khi FED tăng lãi suất và thanh khoản thị trường ở mức trung bình.
“Điều may mắn cho Việt Nam là khối lượng đầu tư trái phiếu Chính phủ bằng VND của các nhà đầu tư nước ngoài rất ít nên chúng ta không thấy tình trạng bán tháo trái phiếu và mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài như ở một số thị trường trong khu vực”, HSBC đánh giá một hướng phản ứng bước đầu trên thị trường.
Ở mối liên hệ khác, báo cáo của HSBC lưu ý, trong bối cảnh này, lãi suất VND phải được giữ ở mức thích hợp để đảm bảo sự hấp dẫn của VND. Lãi suất đồng USD tăng, chính sách thương mại của Mỹ còn là dấu hỏi sẽ tạo ra sự bất ổn trên thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có biện pháp thích hợp để phòng chống rủi ro.
Phản ánh mối liên hệ trên, ngay khi tỷ giá USD/VND có biến động mạnh từ trong tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động gián tiếp tác động đẩy lãi suất VND tăng lên trên thị trường liên ngân hàng, như một sự cân đối.
Sự hấp dẫn của VND trên thị trường liên ngân hàng đặc biệt thể hiện rõ từ đầu tháng 12 đến nay, khi lãi suất VND liên tục tăng nhanh và cao. Đến giữa tuần này, lãi suất VND trên liên ngân hàng các kỳ hạn ngắn đều đã ghi nhận trên mốc 5%/năm.
Vẫn còn sớm để ghi nhận hết những phản ứng của tỷ giá USD/VND sau sự kiện FED tăng lãi suất, và nhất là khi nhiều tổ chức đầu tư và nghiên cứu trên thế giới cùng dự tính có thể sẽ có 3 lần tăng nữa trong năm 2017.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, theo chuyên gia của HSBC Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, cam kết hỗ trợ thanh khoản cho thị trường của Ngân hàng Nhà nước có tính chất quyết định để giữ cho thị trường bình ổn.
“Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang theo sát những diễn biến của thị trường và sẵn sàng can thiệp khi cần thiết, do đó tôi không kỳ vọng khả năng biến động mạnh của tỷ giá trong thời gian sắp tới”, ông Ngô Đăng Khoa nói.
Đáng chú ý, người chuyên trách hoạt động kinh doanh ngoại hối của HSBC Việt Nam lưu ý thêm, ở khía cạnh nguồn cung, hoạt động thoái vốn của Chính phủ khỏi các tổng công ty nhà nước cũng tạo được nguồn cung USD tương đối lớn, tạo và giúp cân đối cung cầu trên thị trường.
“Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ, thông tin với thị trường khi có những tin tức quan trọng trên thị trường quốc tế và những ảnh hưởng của những tin tức này tới Việt Nam, truyền thông những biện pháp Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng để giảm thiểu biến động mạnh, giữ lãi suất đồng VND và thanh khoản ở mức hợp lý”, chuyên gia của HSBC Việt Nam khuyến nghị.