FED sẽ buộc phải hạ lãi suất, vì sao?
Trước khi kết thúc phiên họp tháng 6, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết, các thành viên dự họp đã thống nhất về phương án hạ lãi suất trong năm 2019, từ bỏ sự “kiên nhẫn” trong chính sách tiền tệ để tránh rủi ro cho nền kinh tế Mỹ.
Từ những dấu hiệu giảm tốc…
Theo báo cáo công bố ngày 24/5 của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy, số đơn đặt hàng trong tháng 3 không giảm mạnh như dự đoán trước đó, nhưng lượng hàng xuất khẩu vẫn yếu hơn so với 2 tháng trước đó. Trong khi tăng trưởng đơn hàng đối với trang thiết bị cốt lõi trong tháng 3 đã giảm từ mức 1% xuống còn 0,3%, thì lượng trang thiết bị xuất khẩu cốt lõi không biến động nhiều trong tháng 4, chỉ ở mức 0,6% so với 0,1% dự báo trước đó.
Hoạt động của ngành chế tạo tuy có giảm sút, do các doanh nghiệp phải tập trung giải quyết hàng tồn kho, và các nhà máy nhận được ít đơn hàng hơn. Điều này cũng khiến sản lượng ngành công nghiệp có phần suy giảm trong tháng 4.
Sự biến động số liệu xuất khẩu trong tháng 3 còn cho thấy, chi tiêu của doanh nghiệp trong quý I/2019 thậm chí còn yếu hơn dự báo ban đầu và có thể làm giảm số liệu tăng trưởng GDP quý I/2019 không đạt mục tiêu. Trước đó, Chính phủ Mỹ dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng 3,2% trong quý I và dưới 2% trong quý II.
Giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, Fed sẽ hạ lãi suất đồng USD. (Ảnh: KT)
Về hoạt động sản xuất nói chung cũng bị ảnh hưởng bởi sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, yếu tố gây ra đợt bán tháo trên thị trường phố Wall cũng như tác động gây sự kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Vì thế, việc hạ dự báo lạm phát năm 2019 từ 1,8% xuống 1,5% là phù hợp với thực tế. Bởi lạm phát năm 2018 cũng “trượt” khỏi mục tiêu 2%. Ông Powell cho biết lương cơ bản đang tăng nhưng tốc độ tăng không đủ để kích thích sự lạm phát, khiến Fed buộc phải sẵn sàng đối phó với những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ và thế giới bằng việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, sớm nhất có thể cũng phải vào tháng 7 tới.
Ông Powell nói: “Chúng tôi sẽ để ý tới những rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế, và sẵn sàng sử dụng công cụ của chúng tôi nếu cần. Fed sẽ hành động phù hợp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế đã kéo dài gần 10 năm qua”…
Đến việc từ bỏ sự “kiên nhẫn”…
Lindsey Piegza, chuyên gia kinh tế trưởng tại Stifel, nhận định: “Họ (tức Fed) không muốn bị xem là cúi đầu hạ mình trước bất kỳ áp lực nào, có thể là áp lực từ Nhà Trắng hay từ thị trường”, “Fed cũng sẽ xem xét tới dữ liệu, họ sẽ xem xét tới mô hình của họ. Đối với họ, thị trường nói gì chẳng quan trọng”.
Tuy nhiên, theo tài liệu Fed công bố mới nhất, thì gần 50% quan chức của tổ chức này sẵn sàng hạ lãi suất trong 6 tháng cuối năm, các nhà hoạch định chính sách còn dự đoán lãi suất có thể giảm tới 50 điểm cơ bản trong những tháng còn lại của năm 2019. Ông Powell cũng cho biết nếu Fed nới lỏng chính sách tiền tệ bằng việc hạ lãi suất, cơ quan này có thể dừng kế hoạch giảm quy mô bảng cân đối tài chính. Trước đó, hồi tháng 3 Chương trình bán ra tài sản với tốc độ 50 tỷ USD/tháng.
Hiện tại, Fed vẫn giữ lãi suất không đổi ở trong khoảng 2,25 – 2,5%. Các nhà hoạch định chính sách dự đoán tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thay đổi mấy so với hồi tháng 3 vừa qua.
Theo giới quan sát có 3 lý do khiến Fed không giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 6 là: (1) Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận nào đó về thương mại; (2) Để không bị nhà đầu tư cho là bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thị trường tài chính và sự chỉ trích của Tổng thống Trump; (3) Tránh để không tạo ra đợt nâng lãi suất giống như tháng 12 năm ngoái, có thể coi như một sai lầm về chính sách.
Và sự kỳ vọng của thị trường
Xác suất 21% của giới nghiên cứu đưa ra trước cuộc họp tháng 6 đã thất bại, nay giới nghiên cứu dự báo lại đưa ra con số mạnh dạn hơn, đó là 85% xác suất hạ lãi suất trong tháng 7/2019, trong khi thị trường ấn định xác suất khoảng 61% Fed sẽ hạ lãi suất 3 lần trong năm nay.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell và các đồng nghiệp của ông, vẫn chưa đưa ra dự báo nào về hạ lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, Jeffrey Gundlach, sáng lập viên của DoubleLine Capital nói: “Tôi chẳng thể tưởng tượng được họ sẽ làm gì với biểu đồ dot-plot nữa”, ông lưu ý đến sự “khác biệt rõ rệt” giữa dự báo của thị trường và Fed, đồng thời nói thêm “khó mà tin Fed sẽ không hạ lãi suất lần nào trong năm nay”.
Trước đó, hồi tháng 5, ông Gundlach khuyến nghị giao dịch quyền chọn kiểu straddle (đồng thời mua hoặc đồng thời bán) – vốn hưởng lợi từ sự biến động trong lãi suất. Giao dịch quyền chọn dạng này gần đây đã mang về tỷ suất sinh lợi tới 22%.
Các quan chức Fed không chỉ chịu áp lực mạnh mẽ từ các thị trường mà còn là từ Tổng thống Mỹ. Ông Trump đã liên tục chỉ trích Fed, gần đây nhất là lặp lại yêu cầu hạ lãi suất và nói rằng ông không hài lòng với những gì ông Powell đã thực hiện với tư cách là chủ tịch Fed.
Theo giới quan sát, các quan chức ngành tài chính cũng hạ dự báo nâng lãi suất từ 2 đợt xuống không còn đợt nào, và hiện đang ở trong tình trạng phải truyền đạt khả năng cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Quincy Krosby, Chiến lược gia thị trường tại prudential Financial, cho biết: “Đây là sự chuyển đổi khó khăn đối với Fed tại thời điểm này, từ hai lần tăng lãi suất trong năm nay sang tạm dừng và hiện đang tiến gần hơn tới việc cắt giảm lãi suất”.
Krosby còn chỉ ra hai sự kiện quan trọng gần đây đã báo hiệu một sự thay đổi khác trong chính sách: Nhận xét từ ông Powell và Phó Chủ tịch Fed Richard Clarida trước đó trong tháng 6/2019 đã đặt nền tảng cho những đợt giảm lãi suất tiềm năng. Trong trường hợp Powell, đó là một cam kết hành động phù hợp để duy trì chuỗi tăng trưởng của nền kinh tế, trong khi đối với Clarida, đó là một lời hứa điều chỉnh chính sách để giữ nền kinh tế ở trạng thái tốt.
Krosby còn nói: “Bạn không thể loại bỏ các ý kiến từ ông Powell và ông Clarida. Đó là 2 nhận định cộng hưởng với nhau. Họ đang đặt nền móng cho các đợt giảm lãi suất. Đó là những gì Fed làm”, Fed Krosby nói: “Đây là một sự can thiệp bằng lời nói và họ thậm chí còn chưa làm bất cứ điều gì. Vậy mà thị trường đã phản ứng”. Đây là những tín hiệu không thể bỏ qua.
Tom Porcelli, Chuyên gia kinh tế trưởng tại RBC, cho biết kết quả cuộc khảo sát khách hàng cho thấy rằng, nếu có một thỏa thuận thương mại, 85% khách hàng sẽ không phản ứng tiêu cực nếu như Fed không hạ lãi suất vào tháng 7 tới.
Như vậy, mặc dù Fed với tư cách là cơ quan độc lập, hoạt động trên cơ sở chủ thuyết kinh tế - tài chính của mình, không phụ thuộc và sức ép nào từ thị trường hoặc từ Tổng thống. Tuy nhiên, những biến động khó lường của nền kinh tế Mỹ, kinh tế toàn cầu, do hậu quả của cuộc đại khủng hoảng kinh tế từ 2008 và cuộc “chiến thương mại Mỹ - Trung”…, khiến Fed không khỏi “giao động” trong chính sách của mình.
Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, Fed buộc phải từ bỏ sự “kiên nhẫn” và hạ lãi suất đồng USD vào những tháng tới là có cơ sở.